Chuyến bay xuyên Đại Tây Dương đầu tiên sử dụng nhiên liệu sinh học
Vào thứ Hai (6/11), Cơ quan quản lý hàng không Anh (CAA) tuyên bố trong một thông cáo báo chí, chuyến bay xuyên Đại Tây Dương đầu tiên trên thế giới chạy bằng nhiên liệu hàng không bền vững được cấp phép, dự kiến cất cánh vào ngày 28/11, khởi hành từ London.
Theo tuyên bố của cơ quan quản lý, CAA đã cấp cho hãng hàng không Anh Virgin Atlantic: "Giấy phép khai thác chuyến bay xuyên Đại Tây Dương đầu tiên trên thế giới sử dụng 100% nhiên liệu hàng không bền vững (SAF)”. Virgin Atlantic vẫn phải xin phép các cơ quan quản lý của Mỹ, Ireland và Canada vì chuyến bay đi qua không phận của các quốc gia này.
Được sản xuất từ dầu đã qua sử dụng, vụn gỗ hoặc tảo, SAF có thể được pha với dầu hỏa (với tỉ lệ tối đa 50%) trong các chuyến bay thương mại. Chúng được coi là đòn bẩy chính cho quá trình khử cacbon của lĩnh vực hàng không trong những thập kỷ tới, nhưng việc sản xuất loại nhiên liệu này vẫn còn ở giai đoạn sơ khai và rất đắt tiền.
Virgin Atlantic có kế hoạch thực hiến chuyến bay bằng một máy bay Boeing 787 được trang bị động cơ Rolls-Royce sử dụng hoàn toàn bằng nhiên liệu SAF từ sân bay Heathrow (London) đến sân bay JFK (New York) vào ngày 28/11. Vào tháng 12/2022, Chính phủ Anh tuyên bố cung cấp gói hỗ trợ lên tới 1 triệu bảng Anh để hỗ trợ dự án - do hãng hàng không phối hợp với nhà sản xuất máy bay Boeing của Mỹ, nhà sản xuất động cơ Rolls-Royce của Anh và gã khổng lồ dầu khí BP thực hiện.
CAA cho biết, giấy phép được cấp hôm thứ Hai (6/11) tuân theo một chương trình kiểm tra kỹ thuật do cơ quan quản lý thực hiện, bao gồm các cuộc thử nghiệm trên mặt đất đối với động cơ Rolls-Royce Trent 1000.