Chuyện chưa kể về đại công trình ở Tây Nguyên - Kỳ 1
Đó là nhà máy thủy điện lớn thứ 4 cả nước, nhưng lớn nhất Tây Nguyên. Công trình kỳ vĩ ấy được xây dựng nhanh chóng, làm thay đổi cả một vùng bắc Tây Nguyên, thể hiện bản lĩnh, sức mạnh của tinh thần Việt Nam.
Từ xa xưa, nước trên hai con sông Krông B’Lah và hệ thống sông Sê San thuộc ranh giới 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai đổ về dòng thác Ialy hùng vĩ bậc nhất Tây Nguyên.
30 năm trước, công trình đại thủy điện ở Tây Nguyên bắt đầu được từng bước được xây dựng. Những con đường trải nhựa được mở ra để máy móc, vật liệu chuyển vào. Hàng chục nghìn công nhân từ miền Bắc, miền Nam, miền Trung và cả con em các buôn làng ở xung quanh nơi này rầm rập “xung trận”. Những khu nhà ở công nhân được dựng lên nhanh chóng. Hàng loạt khu vực như Thủy Công, Đường Hầm, Lắp Máy, Sông Đà 7, 8, 9, 11 hay khu Ban A, Ban B... cấp tập được xây dựng để chuẩn bị khởi công công trình. Nhà máy Thủy điện Ryninh I và II được xây dựng để lấy nguồn điện phục vụ đại công trình và phục vụ đời sống CBCNV thủy điện.
Năm 1993, Nhà máy Thủy điện Ialy được khởi công xây dựng, đến năm 2003, nhà máy hoàn thành, biến cả vùng thác Ialy hoang sơ thành một công trình kỳ vĩ. 10 năm trời xây dựng, cả vùng đất này biến thành đại công trường với hàng nghìn máy móc, hàng chục nghìn công nhân và hàng chục nghìn hộ gia đình.
Ông Đặng Khắc Bộ, hiện là Tổ trưởng Tổ Du lịch Nhà máy Thủy điện Ialy cho biết, tuyến đập Ialy nằm ngay phía thượng lưu thác có chiều dài 1.160m, chiều cao lớn nhất 65m, là loại đập đá đổ có lõi bằng đất sét. Mức nước dâng bình thường 515m, mức nước chết 490m. Dung tích toàn bộ hồ chứa 1.037 triệu m3, dung tích hữu ích 779 triệu m3. Hồ chứa nước rộng 64,5km2.
Công trình thủy điện có 2 đường hầm dẫn nước, chiều dài mỗi hầm 3.750m, đường kính 7m. Tháp điều áp có 2 buồng, buồng trên và buồng dưới. Tiếp theo là 4 đường hầm áp lực, chiều dài mỗi hầm 250m, đường kính 4,5m, dẫn nước vào 4 tổ máy, công suất mỗi tổ máy 180 MW, tổng công suất 720 MW, sản lượng điện 3,65 tỉ kWh/năm. Kể cả gian biến thế và 2 đường hầm dẫn ra, tất cả đều nằm trong lòng núi bờ phải.
Sự kỳ vĩ của đại công trình ở Tây Nguyên được thể hiện bằng các con số khổng lồ. Khối lượng đất đá đào 7,7 triệu m3, trong đó đào ngầm 854 nghìn m3, đắp đất đá các loại 8,7 triệu m3, bê tông 574 nghìn m3, với gần 240 nghìn m3 bê tông ngầm, lắp đặt gần 20 nghìn tấn thiết bị. Đây là nhà máy thủy điện ngầm lớn thứ 2 của Việt Nam sau Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Tuy vậy, do ưu thế chênh lệch địa hình cộng thêm chiều cao thác nước nên cột nước thiết kế Thủy điện Ialy cao hơn Thủy điện Hòa Bình đến 2,3 lần. Vì thế, số lượng các hạng mục công trình của tuyến năng lượng nhiều hơn, dài hơn và phức tạp hơn.
Ông Đặng Văn Giỡ, cựu công nhân xây dựng Thủy điện Ialy, kể lại: Mùa khô năm 1993-1994, hàng nghìn công nhân vẫn qua sông bằng cầu phao, mùa lũ đi bằng phà, nhưng đến năm 1995 có thể đi từ bờ trái sang bờ phải bằng cầu cứng lắp tạm qua kênh dẫn dòng bờ phải. Mùa khô năm 1997, sau khi đã đắp đập lấp kênh thì dỡ cầu phao, giao thông đôi bờ đi qua tuyến đập được đắp bằng hàng triệu khối đá.
Khó nhất, phức tạp nhất là công tác đào hầm tuyến năng lượng. Việc đào hầm chính là đường găng của tiến độ thi công công trình. Để phục vụ thi công hệ thống công trình ngầm, cơ quan thiết kế Nga đã thiết kế một hệ thống 14 hầm phụ với tổng chiều dài trên 4,5km để đi đến mọi vị trí cần thiết. Những máy khoan thủy lực 2 cần như Boomer, Tamrock và máy khoan Robin đào hầm là những máy khoan hiện đại nhất, thế hệ mới nhất lúc bấy giờ lần đầu tiên được sử dụng tại Việt Nam.
Nhìn vào khối lượng công trình ngầm, thật khó có thể tưởng tượng được sức mạnh của hơn 10.000 công nhân lao động cùng lúc trong giai đoạn cao điểm, nhưng sẽ hiểu được ý chí, quyết tâm của hàng nghìn người có mặt tại đây hoàn thành 16.000m đường hầm, trong đó có 2 đường dẫn nước, 4 ống áp lực, rồi hệ thống điều áp, hầm thông gió, hầm dẫn cáp, hầm dẫn nước ra cửa, hệ thống công trình ngầm gian máy, gian biến thế... với tổng khối lượng đá đào tới 940.000m3.
Chỉ trong vài năm, khối lượng công việc khổng lồ đã hoàn thành, Tổ máy số 1 đã phát điện vào ngày 7-5-2000; tổ máy cuối cùng phát điện ngày 12-12-2001. Ngày 27-4-2002 khánh thành công trình, hòa lưới điện quốc gia, thắp sáng cả vùng Tây Nguyên rộng lớn, hoàn thành sứ mệnh “Khơi nguồn vàng trắng sông Sê San thành dòng điện sáng cho đất nước”.
Sau gần 7 năm thi công, đương đầu với thời tiết khắc nghiệt và địa hình hiểm trở, hàng vạn công nhân, kỹ sư, chuyên gia, cán bộ quản lý trên công trường đã biến cả vùng thác Ialy hoang sơ thành một công trình vĩ đại. Nhưng vẫn có 32 CBCNV đã nằm lại với dòng nước thủy điện. Họ là những người đổ xương máu vì dòng điện cho Tây Nguyên. Họ chính là niềm tự hào của những người làm thủy điện Sông Đà. Họ là những huyền thoại mới trong sự nghiệp xây dựng đất nước.
Hiện Công ty Thủy điện Ialy bắt đầu mở rộng quy mô Nhà máy Thủy điện Ialy thêm 2 tổ máy với công suất 180 MW/tổ máy, nâng tổng số tổ máy lên con số 6 với tổng công suất 1.080 MW, giúp cải thiện đáng kể tình trạng thiếu điện vào mùa khô ở Tây Nguyên. Mặt khác, doanh thu từ bán điện sẽ tăng thêm khoảng 765 tỉ đồng/năm.
(Xem tiếp kỳ sau)