Chuyển đổi cây trồng - Cần gắn với quy hoạch, liên kết
ĐBP - Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa nương, đất ruộng một vụ, cây màu hàng năm kém hiệu quả sang trồng cây thức ăn gia súc, cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả nhằm mang lại giá trị cao trên mỗi đơn vị diện tích canh tác, mở hướng phát triển kinh tế cho người dân. Song để hiệu quả, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cần gắn chặt chẽ với quy hoạch, phù hợp với thực tế và liên kết tiêu thụ, khắc phục tình trạng manh mún.
Việc chuyển đổi cây trồng trên đất kém hiệu quả sang cây trồng khác cần đảm bảo quy hoạch của địa phương. Trong ảnh: Mô hình trồng cây ăn quả của người dân bản Nà Dên, xã Búng Lao (huyện Mường Ảng). Ảnh: C.T.V
Tiến độ chậm
Thực hiện “chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa nương, đất ruộng một vụ, cây màu hàng năm kém hiệu quả sang trồng cây thức ăn gia súc, cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả có giá trị” theo Quyết định 610/QĐ-UBND của UBND tỉnh, giai đoạn 2017 - 2020, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 1.417ha đất kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác. Diện tích sau khi được chuyển đổi sang trồng cây hàng năm (mía, dứa...) ở các huyện: Mường Chà, Tuần Giáo, Điện Biên cho thu nhập 70 - 100 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 5 - 6 lần so với trồng lúa nương trước khi chuyển đổi. Qua đó góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh”. Không chỉ có ý nghĩa làm gia tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp mà còn tăng thu nhập, ổn định đời sống cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tiến độ thực hiện chuyển đổi còn chậm, ảnh hưởng đến mục tiêu của chương trình. Theo Quyết định 610/QĐ-UBND, trong giai đoạn 2017 - 2020 toàn tỉnh phải chuyển đổi hơn 2.461ha gồm: 2.248ha đất lúa nương, 45ha đất ruộng một vụ và 168,3ha đất cây màu sang trồng cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, cây thức ăn gia súc. Tuy nhiên, hết năm 2020 toàn tỉnh mới thực hiện chuyển đổi đạt 58% kế hoạch; trong đó, diện tích chuyển đổi sang trồng cây ăn quả đạt 48%; diện tích chuyển đổi sang trồng cây thức ăn gia súc đạt 71%; thấp nhất là diện tích chuyển đổi sang trồng cây khác chỉ đạt 28% kế hoạch. Trong giai đoạn này, một số địa phương không thực hiện được việc chuyển đổi như: Nậm Pồ (theo kế hoạch chuyển đổi 340ha); Mường Nhé (kế hoạch 70ha); TP. Điện Biên Phủ (37ha).
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, nguyên nhân dẫn đến tiến độ chậm là do việc xây dựng kế hoạch, phương án chuyển đổi tại một số nơi còn chậm, thiếu trọng tâm, chưa cụ thể, chưa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương dẫn đến kết quả thực hiện chuyển đổi chưa cao. Công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về chuyển đổi cơ cấu cây trồng đến người dân chưa thường xuyên, phương án tuyên truyền đơn điệu, chưa thu hút được người dân tham gia. Một bộ phận dân cư còn tư tưởng thụ động, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Trong khi đó, nguồn kinh phí thực hiện chủ yếu là lồng ghép từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ các chương trình, dự án. Còn nguồn ngân sách địa phương, các nguồn vốn hợp pháp khác; kinh phí từ các tổ chức, doanh nghiệp và hộ gia đình hạn chế nên thiếu kinh phí để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách đồng bộ.
Cần gắn với quy hoạch, liên kết
Không những chuyển đổi cơ cấu cây trồng chậm tiến độ, mà chất lượng, hiệu quả chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa nương, đất ruộng một vụ, cây màu hàng năm kém hiệu quả sang trồng cây khác cũng chưa cao. Bên cạnh đó, diện tích chuyển đổi nhỏ lẻ, manh mún, phân tán không tập trung, dẫn đến khó khăn cho người dân, chính quyền địa phương trong quản lý sản xuất. Đơn cử, giai đoạn 2017 - 2020, toàn tỉnh chuyển đổi được 2ha từ đất trồng cây màu kém hiệu quả sang trồng thanh long, chuyển đổi 6ha đất lúa nương kém hiệu quả sang trồng chuối. Mặc dù sau khi chuyển đổi năng suất hơn so với cây trồng cũ, nhưng do diện tích manh mún, nhỏ lẻ nên chưa liên kết phát triển trở thành sản phẩm hàng hóa; chưa gắn với khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm, dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa cao, chưa thu hút được người dân tham gia.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cây trồng chưa được các địa phương chú trọng gắn với công tác quy hoạch, phù hợp với thực tế và lợi thế của từng địa bàn dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch, không phát huy được hiệu quả.
Chính vì vậy, hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng chưa cao, mới chỉ thể hiện về mặt trồng, chăm sóc, đảm bảo không để đất trống, bỏ hoang; còn về mặt hiệu quả kinh tế chưa thực sự tạo những bước chuyển biến đột phá. Một số mô hình chuyển đổi có hiệu quả nhưng chưa phát triển thành sản phẩm hàng hóa, khâu tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn; chưa phát huy hết năng suất, chất lượng của cây trồng để đáp ứng được yêu cầu của thị trường
Giai đoạn 2021 - 2025, tổng diện tích dự kiến chuyển đổi là 2.620ha. Trong đó. chuyển đổi sang trồng cây ăn quả là 1.744ha; chuyển đổi sang trồng cây thức ăn gia súc (cây cỏ) 343ha; chuyển đổi sang trồng cây khác là 533ha. Để đảm bảo tiến độ, kế hoạch chuyển đổi, các địa phương cần căn cứ vào kế hoạch phân kỳ từng năm xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể về diện tích chuyển đổi, loại cây trồng... ưu tiên các cây trồng chủ lực và phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương. Tích cực vận động, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Đặc biệt, để việc chuyển đổi cây trồng giúp người dân xóa đói giảm nghèo, cần tổ chức liên kết trong sản xuất: Liên kết giữa nông dân với nông dân hình thành vùng sản xuất hàng hóa; liên kết nông dân với các tổ chức, doanh nghiệp để cung ứng vật tư đầu vào, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; liên kết giữa nông dân với nhà khoa học để áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, khả năng chống chịu sâu bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu.