Chuyển đổi chính sách ưu đãi thu hút đầu tư - đòi hỏi cấp bách hiện nay

Đây là một trong những khuyến nghị được một số đại biểu trong nước và quốc tế đưa ra tại Hội thảo Thuế tối thiểu toàn cầu và tác động đối với chính sách ưu đãi đầu tư tại Việt Nam, do Ủy ban Tài chính - Ngân sách phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức chiều nay, 24.4.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh trình bày tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Hồ Long

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh trình bày tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Hồ Long

Trình bày tham luận tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), các nước châu Âu không phải thành viên của EU (bao gồm Thụy Sĩ, Vương Quốc Anh, Na Uy), các nước và nền kinh tế châu Á (bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Australia) sẽ áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024. Singapore sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2025. Hoa Kỳ cũng đã công bố Báo cáo ngân sách năm tài chính 2024, cùng với phần giải thích chung, trong đó đề xuất nâng mức thuế suất tối thiểu của GILTI (một cơ chế thuế tối thiểu của hiện hành của quốc gia này) từ 10,5% lên 21% và sửa đổi các quy tắc liên quan để phù hợp với các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu.

Như vậy, đối với các nước có vốn đầu tư ra nước ngoài, phần lớn sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 để thu thêm phần chênh lệch từ mức thuế thực tế so với thuế tối thiểu toàn cầu (15%), trong đó có các nước và nền kinh tế có số vốn đầu tư lớn vào Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông và Singapore, ông Đặng Ngọc Minh cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Ngọc Minh, các nước nhận vốn đầu tư từ nước ngoài, tương tự như Việt Nam đang nghiên cứu để đưa ra chính sách ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu, trong đó có việc áp dụng quy định thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) để tránh việc các Tập đoàn phải nộp thuế bổ sung đối với phần thu nhập của công ty con có thuế suất thấp hơn mức tối thiểu về các nước có công ty mẹ đóng trụ sở chính, đồng thời cũng nghiên cứu một số giải pháp hỗ trợ về tài chính để giữ chân các công ty thuộc đối tượng của thuế tối thiểu toàn cầu và thu hút các công ty mới.

Chia sẻ tại Hội thảo, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk, mong muốn thu hút đầu tư vốn đầu tư nước ngoài là điều dễ hiểu, nhưng các kết quả nghiên cứu, khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp không coi ưu đãi thuế là lý do chính để chọn địa điểm đầu tư. Thay vào đó môi trường chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường pháp luật, chất lượng hạ tầng, khả năng chống chịu của hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực mới là yêu tố quyết định để thu hút vốn đầu tư FDI. Ghi nhận những tác động tích cực từ nhiều hình thức ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước được Việt Nam ban hành, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam đề nghị, nhân cơ hội triển khai thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam cần áp dụng quan điểm tổng thể hơn về thu hút vốn đầu tư với đầu tư trong nước và nước ngoài, để đạt hiệu quả như mong muốn.

Trước việc nhiều quốc gia có vốn đầu tư ra nước ngoài triển khai cơ chế thuế tối thiểu nội địa, các đại biểu dự Hội thảo cho rằng, Việt Nam cần thiết phải nội luật hóa các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu, đặc biệt cần đưa vào áp dụng thuế nội địa bổ sung tối thiểu đạt chuẩn tại Việt Nam từ năm 2024, để kịp thời đồng hành cùng các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang hoạt động thuộc diện điều chỉnh của thuế tối thiểu toàn cầu.

Các đại biểu cũng khẳng định, việc triển khai cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu là cơ hội để Việt Nam cải cách chính sách ưu đãi thu hút đầu tư. Trong đó, một khuyến nghị quan trọng là Việt Nam cần chuyển từ ưu đãi dựa trên thu nhập của doanh nghiệp sang ưu đãi dựa trên chi phí đầu tư của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Việc chuyển đổi chính sách ưu đãi với nhà đầu tư như vậy sẽ vừa giữ được mức thu hút của môi trường kinh doanh Việt Nam, vừa bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc tính thuế quan trọng của thế giới.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Vân Chi phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Vân Chi phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Vân Chi ghi nhận và đánh giá cao các nội dung tham luận, ý kiến phát biểu, trao đổi của các chuyên gia, đại biểu tại Hội thảo. Các ý kiến tại Hội thảo sẽ được tổng hợp đầy đủ để xây dựng báo cáo tổng thuật, cung cấp cho các đại biểu Quốc hội, phục vụ các phiên thảo luận khi nội dung này được đưa ra Quốc hội trong thời gian tới đây.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng khẳng định, các tham luận và ý kiến tại Hội thảo đã cung cấp những thông tin đầu vào quan trọng để các cơ quan liên quan của Quốc hội nghiên cứu, tham mưu trong quá trình Quốc hội xem xét, quyết định những nội dung liên quan đến chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp và các chính sách ưu đãi đầu tư nhằm duy trì một môi trường đầu tư tích cực tại Việt Nam.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/chuyen-doi-chinh-sach-uu-dai-thu-hut-dau-tu-doi-hoi-cap-bach-hien-nay-i325608/