Chuyển đổi cơ cấu cây trồng góp phần xây dựng nông thôn mới ở Chi Lăng

Xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là mục tiêu quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM), những năm qua, huyện Chi Lăng đã chú trọng hướng dẫn, tuyên truyền người dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng. Qua đó, nâng cao thu nhập, góp phần hiệu quả thực hiện mục tiêu xây dựng NTM trên địa bàn huyện.

Người dân xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng chăm sóc na

Người dân xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng chăm sóc na

Bằng Hữu là xã khó khăn của huyện Chi Lăng, trước năm 2016, người dân chủ yếu trồng lúa và các loại hoa màu, hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, cấp ủy chính quyền xã đã tập trung chỉ đạo, định hướng người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện của xã.

Ông Hoàng Văn Trung, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bằng Hữu cho biết: Từ năm 2016 đến nay, người dân trên địa bàn xã đã chuyển đổi được gần 50 ha diện tích đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng na, giá trị đạt trên 6 tỷ đồng/năm; mở rộng trồng cây thuốc lá với diện tích 90 ha, giá trị đạt 120 triệu đồng/ha. Nhờ đó, giúp tăng thu nhập cho người dân. Hiện, toàn xã có khoảng 70 mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Từ đó, xã đã hoàn thành tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM, góp phần phấn đấu đạt chuẩn xã NTM năm 2024.

Cùng với xã Bằng Hữu, những năm qua, người dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cũng tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Lành Văn Lôi, xã Chi Lăng cho biết: Trước đây, trên 8 sào ruộng, gia đình tôi chủ yếu canh tác lúa nhưng do ruộng hạn, năng suất lúa thấp nên hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2022, được cán bộ xã tuyên truyền về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình tôi đã chuyển đổi 8 sào ruộng hạn, kém hiệu quả sang trồng táo Đài Loan. Đến năm 2023, gia đình tôi thu được hơn 2 tấn quả, thu nhập đạt trên 60 triệu đồng, cao gấp 6 lần so với trồng lúa.

Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện, từ năm 2016 đến nay, người dân trên địa bàn huyện đã chuyển đổi khoảng 1.500 ha đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác như: na, thuốc lá, táo, ổi, cây có múi, hồi, trám...

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã góp phần hình thành các vùng sản xuất tập trung như: vùng trồng na với diện tích 2.600 ha, trong đó, có 930 ha canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, giá trị đạt 900 – 1.000 tỷ đồng/năm; vùng trồng thuốc lá với diện tích trên 800 ha, giá trị đạt khoảng 135 tỷ đồng/năm...

Cùng đó, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 4 - 5 lần trên cùng một đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho bà con, giảm nghèo bền vững, góp phần quan trọng thực hiện tiêu chí thu nhập và nghèo đa chiều trong xây dựng NTM.

Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 19,7% năm 2016 xuống còn 6,48% năm 2023; các mô hình kinh tế sau khi chuyển đổi đều đem lại cho các hộ dân từ 100 triệu đồng/mô hình/năm. Đến nay, toàn huyện có 10 xã đạt chuẩn NTM (có 1 xã NTM kiểu mẫu, 3 xã NTM nâng cao), bình quân mỗi xã trên địa bàn huyện đạt 14,89 tiêu chí NTM (tăng 1,33 tiêu chí so với đầu năm 2024).

Ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Để tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những năm qua, phòng đã tham mưu UBND huyện thực hiện quy hoạch vùng chuyển đổi; tuyên truyền, định hướng người dân phát triển cây trồng phù hợp. Đồng thời, hằng năm, phòng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân trên địa bàn với số lượng trung bình gần 70 lớp/năm. Qua đó, giúp bà con có thêm kiến thức về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để áp dụng vào sản xuất có hiệu quả. Từ đó, người dân trên địa bàn huyện đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, hiệu quả, tăng thu nhập, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của huyện.

Hiện nay, phòng chuyên môn huyện tiếp tục hướng dẫn người dân đăng ký chuyển đổi, tuyên truyền bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất sau khi chuyển đổi sang cây trồng mới. Mục tiêu trong năm 2024, toàn huyện sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng với diện tích khoảng 250 - 300 ha.

Việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng đã và đang mang lại hiệu quả tích cực, đặc biệt là đổi mới tư duy sản xuất của người dân để phát huy tiềm năng, lợi thế tại địa phương, tăng thu nhập, góp phần thúc đẩy tiến trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện.

CÁT TIÊN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/chuyen-doi-co-cau-cay-trong-gop-phan-xay-dung-nong-thon-moi-o-chi-lang-5024569.html