Chuyển đổi sang mô hình Chi cục Hải quan cửa khẩu: Tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất, nhập khẩu

Vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành quyết định về việc đổi tên 2 chi cục trực thuộc Cục Hải quan Đồng Nai kể từ ngày 15/10 tới đây. Trong đó, Chi cục Hải quan Bình Thuận (đặt trụ sở tại thành phố Phan Thiết) được đổi thành Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Bình Thuận...

Chuyển đổi sang mô hình Chi cục

Mô hình Chi cục Hải quan cửa khẩu cũng góp phần khai thác hiệu quả Cảng Quốc tế Vĩnh Tân trên địa bàn Bình Thuận.

Mô hình Chi cục Hải quan cửa khẩu cũng góp phần khai thác hiệu quả Cảng Quốc tế Vĩnh Tân trên địa bàn Bình Thuận.

Trước đó vào đầu tháng 8/2021, Cục Hải quan Đồng Nai cũng có văn bản gởi UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị chuyển đổi mô hình tổ chức Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu sang Chi cục Hải quan cảng biển (tức Chi cục Hải quan cửa khẩu). Theo đó cho biết việc tạo thuận lợi thương mại là giải pháp nâng cao hoạt động giao thương của doanh nghiệp, tăng cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài và có tác động tích cực đến nền kinh tế. Đặc biệt với xu thế tự do hóa thương mại toàn cầu, sự ra đời của các hiệp định thương mại tự do... thì việc xác định những giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp càng phải được quan tâm.

Tuy nhiên, với mô hình tổ chức bộ máy hải quan trên địa bàn Bình Thuận hiện nay đã bộc lộ nhiều điểm bất cập, hạn chế trong công tác chuyên ngành (quản lý, thu thuế, đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại...). Do là Chi cục Hải quan “ngoài cửa khẩu” nên theo các quy định hiện hành về địa điểm làm thủ tục, doanh nghiệp không được làm thủ tục hải quan đối với một số loại hàng hóa như quy định tại “cửa khẩu”... Vì vậy thời gian qua, mô hình này chưa tạo động lực để tăng lượng hàng hóa vận chuyển trực tiếp về các cảng thuộc tỉnh Bình Thuận. Trong khi việc vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thông các cảng tại Đà Nẵng, Quy Nhơn, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu về địa phương sẽ thêm gánh nặng cho doanh nghiệp về chi phí logistic.

Được biết trên địa bàn tỉnh cũng có một số cảng biển, trong đó Cảng Quốc tế Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong) là cảng tổng hợp thuộc hệ thống cảng biển Bình Thuận. Từ tình hình và điều kiện thực tế, Cục Hải quan Đồng Nai nhận thấy cần thiết phải chuyển đổi chức năng hoạt động của Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu sang Chi cục Hải quan cửa khẩu nhằm đáp ứng yêu cầu hiện nay. Việc chuyển đổi Chi cục Hải quan Bình Thuận thành Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Bình Thuận sẽ tạo cơ sở thực hiện những mục tiêu cụ thể. Đó là quản lý đa chức năng theo xu hướng hiện đại hóa của hải quan khu vực và thế giới, phù hợp đặc thù riêng của các hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn Bình Thuận.

Mô hình mới cũng hướng tới khai thác tối đa công suất Cảng Quốc tế Vĩnh Tân, tạo điều kiện để cảng trở thành đầu mới quan trọng và là cửa ngõ hàng hải thông thương với thế giới của địa phương. Việc tăng lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng còn là cơ sở để các bộ, ngành liên quan bố trí lực lượng kiểm tra chuyên ngành, kiểm dịch... tương ứng với mô hình Chi cục Hải quan cửa khẩu ở địa phương. Và điều này góp phần tạo thuận lợi tối đa cho việc kiểm tra, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu trên địa bàn Bình Thuận. Qua đó hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực này trong việc rút ngắn thời gian thông quan, vận chuyển hàng hóa cũng như giảm chi phí vận chuyển...

Từ hiệu quả mà mô hình Chi cục Hải quan cửa khẩu mang lại sẽ tạo bước chuyển biến quan trọng, phù hợp với tiến trình cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa Hải quan Việt Nam. Đối với địa phương còn là động lực thúc đẩy thương mại, kinh tế Bình Thuận phát triển phù hợp quy mô, lợi thế và định hướng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cục Hải quan Đồng Nai được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về hải quan trên địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận. Trong đó, Đồng Nai thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Bình Thuận là tỉnh nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của địa bàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Hiện trên địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận có 40 khu công nghiệp đang hoạt động, 2 địa điểm thông quan nội địa (ICD), 23 kho ngoại quan, 11 cảng thương mại tổng hợp, 13 cảng chuyên dụng đã được Cục Hàng hải Việt Nam cho phép tàu nước ngoài và tàu Việt Nam ra vào neo đậu, xếp dỡ hàng hóa... Do vậy việc triển khai bộ máy hải quan theo mô hình Chi cục Hải quan cảng biển (Chi cục Hải quan cửa khẩu) sẽ tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp.

QUỐC TÍN

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/chuyen-doi-sang-mo-hinh-chi-cuc-hai-quan-cua-khau-tao-thuan-loi-cho-hang-hoa-xuat-nhap-khau-141160.html