Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để khởi tạo một nền kinh tế mới cho Việt Nam

Thực tế hiện nay, không ít doanh nghiệp chưa hiểu nhiều, chưa đầu tư nhiều, chưa triển khai nhiều, và chưa hưởng lợi nhiều từ quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Đó là thông tin từ Diễn đàn Kinh tế mới 2024, với chủ đề “Khởi tạo nền kinh tế mới: Cách mạng trong chuyển đổi số - chuyển đổi xanh và vai trò tiên phong của doanh nghiệp”. Diễn đàn do Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) tổ chức ngày 16/10.

Theo đánh giá của một số chuyên gia tại Diễn đàn, nền kinh tế mới mà chúng ta đang muốn kiến tạo là nền kinh tế có cơ cấu hiện đại với mô hình tăng trưởng mới, dựa chủ yếu vào hiệu quả các nguồn lực, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; là nền kinh tế số, xanh và tuần hoàn và; là nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu, rộng.

 Diễn đàn Kiến tạ nền kinh tế mới: Cách mạng trong chuyển đổi số - chuyển đổi xanh và vai trò tiên phong của doanh nghiệp.

Diễn đàn Kiến tạ nền kinh tế mới: Cách mạng trong chuyển đổi số - chuyển đổi xanh và vai trò tiên phong của doanh nghiệp.

“Để xây dựng được nền kinh tế mới này, chúng ta đang thực hiện hai cuộc chuyển đổi lớn. Một là, chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN gắn với hội nhập quốc tế. Hai là, chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh (hay chúng ta thường gọi là chuyển đổi kép). Điều đặc biệt là cả hai quá trình chuyển đổi này đều mang tính cách mạng”, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại diễn đàn.

Chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh là cuộc cách mạng về phát triển lực lượng sản xuất mới.

Việt Nam đã có không ít nỗ lực, đặc biệt là ở góc độ ban hành các chính sách cho chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Tư duy, giải pháp chính sách cho chuyển đổi số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đã sớm được xây dựng, cụ thể hóa.

“Có một số yếu tố khách quan mở đường cho công cuộc chuyển đổi của doanh nghiệp, như sự tạo điều kiện từ các chủ trương, chính sách của Nhà nước và Chính phủ, mức độ phát triển của các thành tựu khoa học – công nghệ thế giới, hay sự thay đổi trong tư duy của nhân loại về sự bền vững…”, ông Đặng Vũ Hùng - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Phong Phú (PPJ Group) khẳng định.

Có thể nói Tập đoàn PPJ Group ở trong top tiên phong trong quá trình chuyển đổi kép này và đã có hệ sinh thái số tương đối hoàn chỉnh tiếp cận và kiểm soát tới từng ngóc ngách của hoạt động sản xuất – kinh doanh và quản trị doanh nghiệp.

PPJ Group hiện đã đạt được gần 30 chứng nhận theo tiêu chuẩn thế giới về trách nhiệm xã hội, môi trường và nguyên vật liệu, cùng hàng chục giấy chứng nhận theo các yêu cầu riêng của nhãn hàng quốc tế. PPJ Group làm chủ được các kỹ thuật - công nghệ dệt may tiên tiến nhất, tăng cường hàm lượng tự động hóa, kết hợp số -xanh trong sản xuất dệt may toàn hệ thống.

Từ thực tiễn, ông Hùng cho hay: Đối với các doanh nghiệp Việt Nam thuộc mọi ngành nghề, chuyển đổi kép đều là thử thách, và thử thách này có thể bị khuếch đại nhiều lần đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ với tiềm lực hạn chế. Không chỉ gặp thách thức vì chi phí chuyển đổi kép không hề nhỏ. Chi phí đầu tư cho công nghệ, chi phí đầu vào của sản xuất khiến giá thành sản phẩm tăng cao so với truyền thống, và không phải thương hiệu nào cũng sẵn sàng chi trả cho khoản chênh lệch này.

Cũng là một đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, thực hiện kinh tế tuần hoàn, ông Ngô Minh Hải – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH- cho biết: Ở TH, công nghệ số và mô hình kinh tế tuần hoàn– kinh tế xanh Kinh tế xanh được tích hợp vào công nghệ số đã đượcthực hiện ngay từ khi xây dựng doanh nghiệp với sự kết nối chặt chẽ, song hành giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Công nghệ số và công nghệ cao góp phần làmcho kinh tế xanh- kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững ở TH được thực hiện một cách hiệu quả và mạnh mẽ hơn.

Nhưng còn quá ít DN làm được như PPJ và TH. Với những doanh nghiệp đã đang chuyển đổi thì đang phải xoay sở để giữ giá bán trong khi vẫn đảm bảo sản phẩm xanh – công nghệ xanh, đảm bảo được các yêu cầu tuân thủ của nhãn hàng và thị trường. Nguồn tài chính là quan trọng. Chính sách chủ trương hỗ trợ DN đã có nhưng chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Ông Hải nhận thấy tư duy chuyển đổi số song hành chuyển đổi xanh mới chỉ dừng lại ở mức độ nhận thức và bước đầu thực hiện.

Bà Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương cũng đã nói tại Diễn đàn này: “Chúng ta phải nhìn nhận thẳng thắn rằng cộng đồng doanh nghiệp chưa hiểu nhiều, chưa đầu tư nhiều, chưa triển khai nhiều, và chưa hưởng lợi nhiều từ quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh”. Đây chính là một thực tế đáng lo ngại.

Và còn lo ngại hơn về chất lượng các văn bản, các quy định, chính sách vẫn còn thiếu cụ thể, “sát sườn”. Và chính sách cũng chỉ ở mức khuyến khích và thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đổi từ mô hình sản xuất truyền thông sang mô hình ứng dụng công nghệ số và các mô hình xanh, tuần hoàn. Đơn cử như việc triển khai tín dụng xanh vẫn còn nhiều rào cản do khung pháp lý chưa được hoàn thiện và cụ thể hóa, quy trình thẩm định vẫn còn khá phức tạp.

Điều cần nhấn mạnh là tốc độ chuyển đổi và kết quả chuyển đổi số và xanh sẽ quyết định năng lực cạnh tranh giữa các nền kinh tế, giữa các ngành kinh tế và giữa các doanh nghiệp.

Nhưng thực tiễn nếu không có thông tin, phối hợp từ các doanh nghiệp thì các cán bộ, công chức sẽ không bao giờ tự nghiên cứu, tự cụ thể hóa được các tiêu chuẩn riêng cho dự án kinh tế tuần hoàn trong một lĩnh vực cụ thể, bà Minh chia sẻ.

Trong bối cảnh nền kinh tế xã hội đang phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường thì chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cần phải gắn chặt và tương hỗ lẫn nhau để tạo ra một nền kinh tế bền vững, có lượng phát thải thấp và theo hướng tuần hoàn.

Rõ ràng rất cần những chính sách cụ thể hơn từ Chính phủ với những mục tiêu cụ thể có thể hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh thành công.

Không chỉ bao gồm các chính sách hỗ trợ tài chính mà còn yêu cầu việc thiết lập các tiêu chuẩn về kỹ thuật, quy trình sản xuất cũng như cung cấp nguồn lực cần thiết.

Doanh nghiệp đã “khó lại thêm khó” khi nhiều thị trường đang gia tăng các quy định về phát triển bền vững và dữ liệu, chẳng hạn như Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM) hay quy định về bảo mật dữ liệu cá nhân, qua đó tác động đến hoạt động nhập khẩu, trong đó có hàng hóa từ Việt Nam

"Chúng ta mong có ngày càng nhiều doanh nghiệp tiên phong thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, trong một môi trường thể chế thuận lợi để các doanh nhân “muốn lớn, dám lớn, và có thể chơi lớn”, một chuyên gia kinh tế phát biểu cuối Diễn đàn.

Bài và ảnh: Hà Linh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chuyen-doi-so-chuyen-doi-xanh-de-khoi-tao-mot-nen-kinh-te-moi-cho-viet-nam-post317138.html