Chuyển đổi số mang tới hệ sinh thái giáo dục thông minh
Xác định trở thành đô thị thông minh vào năm 2025, TPHCM đã triển khai chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong mọi mặt từ 3 năm qua.
Trong những dấu ấn chuyển mình của kỷ nguyên số, ngành giáo dục TPHCM là đơn vị mang đến diện mạo tươi mới nhất.
Hướng đến nền giáo dục thông minh
Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục sau 7 năm triển khai đã để lại những dấu ấn đậm nét. Toàn ngành giáo dục nói chung, TPHCM nói riêng đã có sự chuyển biến mạnh cả về chất và lượng, cũng như sớm tiếp cận và hội nhập với xu thế giáo dục mới.
Trong hàng loạt trụ cột và chiến lược triển khai xây dựng một nền giáo dục tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, yếu tố hội nhập, quốc tế hóa và dựa trên nền tảng thành tựu CNTT được xem là những mũi nhọn xuyên phá rào cản trong tiến trình đổi mới của toàn ngành.
Trong giai đoạn 2015-2020, ngành giáo dục TPHCM đã có những bước chuyển mình vượt bậc trong đổi mới phương pháp giảng dạy, giáo trình và ứng dụng thành tựu công nghệ khi dần hình thành được hệ sinh thái trường học thông minh và tiến trình số hóa các hoạt động giảng dạy, dịch vụ trong nhà trường.
Triển khai song hành từ năm 2017 cùng với đề án xây dựng đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020 của UBND TPHCM, ngành giáo dục TP không chỉ để lại những ấn tượng về… chất lượng đào tạo, hội nhập mà còn là đơn vị đi đầu trong cả nước và số hóa nhà trường.
Nhìn nhận những hiệu quả từ hệ sinh thái của đô thị thông minh mang lại, ông Lê Hồng Sơn- Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết: Từ khi ngành giáo dục TP có Trung tâm Ðiều hành Giáo dục thông minh, hiệu quả của công tác quản lý và chỉ đạo điều hành; đổi mới phương thức dạy và học, kiểm tra, đánh giá, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo đã có sự chuyển biến rất rõ rệt.
Tính đến thời điểm này, hệ thống kiến trúc tổng thể CNTT của ngành giáo dục đã xây dựng xong, kết nối 100% trường học trên toàn TP, công tác quản lý hành chính, xử lý hồ sơ trên nền tảng hệ sinh thái CNTT cũng đã phủ khắp các trường, 24 quận huyện với 1,7 triệu cơ sở dữ liệu học sinh và 80 ngàn cơ sở dữ liệu của giáo viên đã được cập nhật lên hệ thống điều phối tổng.
“Công tác số hóa và chuyển đổi dữ liệu trong 3 năm qua đã được ngành giáo dục thực hiện cơ bản hoàn thiện ở mọi mặt. Từ sổ liên lạc điện tử, học bạ điện tử, công tác thi đua, khen thưởng, tuyển dụng đến phầm mềm quản lý dữ liệu, dịch vụ giáo dục… đều được xử lý bằng hình thức trực tuyến, qua đó mang lại tiện ích tốt nhất cho giáo viên, phụ huynh, học sinh và nhà quản lý.
Đặc biệt, hệ sinh thái trực tuyến phục vụ việc soạn giảng, nghiên cứu của thầy và hoạt động tự học của trò đã mang lại sự tương tác rất cao, tạo nền tảng xây dựng xã hội học tập suốt đời ở TP. Đây rõ ràng là những thành tựu lớn mà hệ sinh thái đô thị thông minh mang lại cho ngành giáo dục”- ông Sơn nói.
Chuyển biến ấn tượng dựa trên nền tảng số
Nhìn nhận sự chuyển biến mạnh mẽ của ngành giáo dục TPHCM theo đúng định hướng và mục tiêu mà Nghị định 29 của Trung ương đề ra, Nhà giáo Lê Ngọc Điệp- nguyên Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng sự chuyển dịch là rất lớn.
Sự chuyển biến lớn theo nhà giáo Lê Ngọc Điệp đến từ việc ngân sách đầu tư cho giáo dục tăng, cơ sở vật chất, trang thiết bị trường lớp được ưu tiên phát triển mở rộng, khang trang, từng bước hiện đại. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ở tất cả các ngành học, bậc học được chuẩn hóa, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị; tích cực nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy.
“Cái được lớn nhất của toàn ngành là giáo dục đã không còn nặng nề, học sinh không còn chịu áp lực khoa cử bởi hình thức kiểm tra đánh giá đã được đổi mới rất nhiều. Mọi hoạt động giáo dục, giảng dạy hiện nay đều hướng đến mục tiêu giáo dục toàn diện trong một môi trường giáo dục mở tối đa. Điều đó càng cho thấy tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT và xây dựng mô hình trường học thông minh mà TP đang quyết tâm theo đuổi.
Thực tế, tôi thấy với học sinh bậc Tiểu học hiện nay các giải pháp học tập đã được đa dạng hóa rất nhiều, các phương thức học tập được số hóa từng ngày qua từng bộ công cụ học tập, đã giúp học sinh thoát khỏi những ‘bài vở” của phương thức giáo dục cũ. Thành công của công cuộc đổi mới là rất rõ ràng” – ông Điệp nói.
Cùng với các trường triển khai đề án thí điểm xây dựng trường học thông minh theo đề án chung của TP, hàng loạt trường học khác tại TPHCM đang thực hiện mô hình trường học tiên tiến, hiện đại để từng bước thúc đẩy, xây dựng môi trường học thông minh bằng việc ứng dụng thành tựu của công nghệ.
Thầy giáo Nguyễn Long Giao- Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thánh Tông (Quận 8) cho biết: Sau 3 năm thực hiện mô hình trường học tiên tiến, hiện đại, nhà trường đã từng bước xây dựng được môi trường học thông minh. Cụ thể, ở từng lớp học có hệ thống Internet băng thông rộng, tốc độ đường truyền đảm bảo tốt, được phủ sóng wifi toàn trường và có đường truyền internet dự phòng; hệ thống phần mềm quản lý học tập phục vụ cho hoạt động tương tác giữa giáo viên với học sinh, giữa học sinh với bài giảng; trường có nguồn tài nguyên bài giảng, bài giảng điện tử, bài giảng e-learning phục vụ giảng dạy cho giáo viên.
“Hiện nhà trường sử dụng thẻ thông minh học đường cho toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh của trường, thẻ hỗ trợ nhiều tính năng như điểm danh, mua hàng, ứng dụng tương tác học đường... Điều này giúp cho cả công tác quản lý của nhà trường cũng như cho học sinh khi sử dụng các dịch vụ tại trường.
Mô hình trường học thông minh thật sự rất hữu ích, nó giúp chia sẻ tài nguyên học tập, giúp các hoạt động học tập có thể diễn ra mọi lúc, mọi nơi chứ không chỉ gói gọn trong những giờ học trên lớp”- thầy Giao nói.