Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh 'chắp cánh' cho doanh nghiệp phát triển bền vững

Theo các chuyên gia, mặc dù chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là những yêu cầu khó khăn, song nếu thực hiện thành công có thể 'chắp cánh' cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam phát triển bền vững ở cả thị trường trong nước và quốc tế.

Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đang dần trở thành xu thế phát triển tất yếu của DN. Ảnh minh họa: S.T

Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đang dần trở thành xu thế phát triển tất yếu của DN. Ảnh minh họa: S.T

Nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp đứng trước yêu cầu “chuyển đổi kép”

Chia sẻ tại Diễn đàn “Khởi tạo nền kinh tế mới: Cách mạng trong chuyển đổi số - chuyển đổi xanh và vai trò tiên phong của DN” mới diễn ra, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Việt Nam đang bước đến thời điểm quan trọng trong việc hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Các số liệu gần đây cho thấy Việt Nam đã đạt được những chuyển biến đáng kể. Tăng trưởng kinh tế đã phục hồi tích cực trong 3 quý năm 2024, cả so với cùng kỳ các năm trước cũng như so với các nền kinh tế ở châu Á. Lạm phát và tỷ giá đều tương đối ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm. Xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam đều có những sự “bứt phá” trong bối cảnh phục hồi kinh tế thế giới và dịch chuyển dòng vốn đầu tư đến khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực, theo Viện trưởng CIEM, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với không ít rủi ro, thách thức về phát triển dài hạn. Đơn cử như, tăng trưởng của nền kinh tế còn phụ thuộc đáng kể vào các thị trường nước ngoài và khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài…

Ở cấp độ DN, hiện nay, cả nước có khoảng gần 940 nghìn DN đang hoạt động, còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu đạt 2 triệu DN vào năm 2030. Trong đó, các DN hầu hết đều có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; số DN có quy mô lớn, có năng lực tham gia dẫn dắt các công đoạn quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu còn tương đối hạn chế. Đặc biệt, hiện nay các DN dường như đã “khó lại thêm khó” khi nhiều thị trường trên thế giới đang gia tăng các quy định về phát triển bền vững, chẳng hạn như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM)…, từ đó tác động đến hoạt động xuất khẩu của các DN Việt Nam.

Một vấn đề nữa được TS. Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh đó là Việt Nam đang đứng trước những xu thế mới, gắn liền với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Theo đó, vài năm trở lại đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực “số hóa”, “xanh hóa” nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Mặc dù vậy, theo bà Minh, nhìn nhận thẳng thắn có thể thấy cộng đồng DN chưa hiểu nhiều, chưa đầu tư nhiều, chưa triển khai nhiều và chưa hưởng lợi nhiều từ quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Đối với các cơ quan hoạch định chính sách, đây chính là một thực tế đáng lo ngại, không chỉ về chất lượng của các văn bản chính sách mà còn về việc thiếu các thực tiễn ở cấp độ DN để xây dựng các chính sách cụ thể, “sát sườn” hơn. Chẳng hạn, nếu không có thông tin, phối hợp từ các DN thì các cán bộ, công chức sẽ không bao giờ tự nghiên cứu, tự cụ thể hóa được các tiêu chuẩn riêng cho dự án kinh tế tuần hoàn trong một lĩnh vực cụ thể…

Cũng đề cập đến tính cấp thiết của việc thực hiện chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, PGS,TS. Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, để kiến tạo được nền kinh tế có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta đang thực hiện hai cuộc chuyển đổi lớn. Một là, chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với hội nhập quốc tế. Hai là, chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh, hay còn gọi là chuyển đổi kép. Điều đặc biệt là cả hai quá trình chuyển đổi này đều mang tính cách mạng.

“Cả hai quá trình chuyển đổi này đều chưa có tiền lệ, còn nhiều điều ở phía trước cần phải tiếp tục nghiên cứu, vừa làm, vừa hoàn thiện, do vậy đòi hỏi đầu tiên của cả hai quá trình chuyển đổi này là đổi mới về tư duy, thay đổi cách nghĩ, cách làm, dám nghĩ, dám làm” - ông Sơn nhấn mạnh.

Cần giải bài toán tài chính cho chuyển đổi xanh

Từ góc độ DN, chia sẻ về thực tế hành trình chuyển đổi kép của DN, ông Đặng Vũ Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn PPJ Group cho biết, là DN trong ngành dệt may - ngành có đặc thù sử dụng nhiều lao động thủ công và tiêu thụ lượng lớn tài nguyên, quá trình chuyển đổi kép đối với DN gặp rất nhiều khó khăn, mà một trong những thách thức lớn nhất là bài toán về chi phí, tài chính.

Các DN còn gặp nhiều khó khăn về vấn đề tài chính để thực hiện chuyển đổi xanh. Ảnh minh họa: S.T

Các DN còn gặp nhiều khó khăn về vấn đề tài chính để thực hiện chuyển đổi xanh. Ảnh minh họa: S.T

Theo ông Hùng, hiện nay Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm khuyến khích các tổ chức tín dụng tập trung huy động các nguồn vốn và triển khai các gói hỗ trợ tài chính chú trọng đến yếu tố chuyển đổi số, phát triển xanh và bền vững.

Tuy nhiên, trong thực tế, việc triển khai tín dụng xanh vẫn còn nhiều rào cản do khung pháp lý chưa được hoàn thiện và cụ thể hóa, quy trình thẩm định để cho vay vẫn còn khá phức tạp, đặc biệt là chưa có những tiêu chí cụ thể và minh bạch để xác định tính “xanh” của các dự án, làm căn cứ để cấp tín dụng xanh cho DN. Trong khi đó, chi phí đầu tư cho quá trình chuyển đổi là rất tốn kém, đòi hỏi thời gian đầu tư lâu dài.

“5 năm qua, Tập đoàn PPJ Group đã đầu tư tới 5 triệu USD cho phần cứng, phần mềm và hàng chục triệu USD cho việc thực hiện quá trình chuyển đổi xanh. Con số này sẽ chưa dừng lại. Chi phí chuyển đổi kép rất lớn nhưng cái giá cho chậm chuyển đổi và không chuyển đổi sẽ lớn hơn nhiều lần” - ông Hùng nói.

Cũng đề cập đến vấn đề tài chính cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tại Việt Nam, ông Tim Evans - Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam đánh giá chuyển đổi số và chuyển đổi xanh sẽ giúp Việt Nam mở đường cho tăng trưởng dài hạn, tuy nhiên, nguồn lực cho quá trình chuyển dịch này ước tính lên tới hàng trăm tỷ USD…

Theo nghiên cứu của HSBC, hiện tại Việt Nam mới chỉ chi khoảng 1% GDP cho hoạt động chuyển đổi số. Trong khi đó, ước tính, Việt Nam cần khoảng 270 tỷ USD để nền kinh tế chuyển đổi số (bao gồm cả khu vực công và DN).

Đối với vấn đề chuyển đổi xanh, Chính phủ Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để thực hiện mục tiêu này, ước tính chỉ riêng giai đoạn từ nay đến năm 2040, Việt Nam đã cần khoảng 400 tỷ USD.

Khuyến nghị chính sách cho vấn đề này, chuyên gia của HSBC cho rằng các nhà hoạch định chính sách cần tập trung vào một số lĩnh vực chính như: định giá carbon; cải cách các chính sách pháp luật về trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch và sử dụng đất; gia tăng các cơ chế khuyến khích huy động tài chính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch hơn…

Từ góc độ cơ quan tham mưu về chính sách, TS. Trần Thị Hồng Minh chia sẻ, CIEM có rất nhiều kinh nghiệm về sử dụng các mô hình định lượng để đánh giá tác động của chính sách, song cũng phải đối mặt với không ít khó khăn để “lượng hóa” tác động của đề xuất chính sách cho phát triển kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là đối với DN. Thiếu thông tin, chia sẻ về những bài học thành công và thất bại của các DN đi trước cũng sẽ khiến các DN phải mày mò, tốn chi phí, thậm chí ngại đầu tư cho chuyển đổi.

“Vì vậy, chuyển đổi xanh cần được nhìn như một quá trình, trong đó điều kiện tiên quyết là phải có quan hệ đối tác lành mạnh, thực chất và bền chặt giữa các cơ quan hoạch định chính sách, cộng đồng DN và các viện nghiên cứu, từ đó việc xây dựng, ban hành các chính sách thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ đúng, trúng và hiệu quả hơn” - Viện trưởng CIEM nhấn mạnh./.

DIỆU THIỆN

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/chuyen-doi-so-va-chuyen-doi-xanh-chap-canh-cho-doanh-nghiep-phat-trien-ben-vung-35639.html