Chuyến du hành khám phá quá khứ qua bảo tàng 'ảo' (Bài 1): 'Ảo' 360 độ, thật 100%
Lời tòa soạn: Bảo tàng 'ảo' không còn là khái niệm mới. Tuy nhiên, dịch Covid-19 xuất hiện như một 'chất xúc tác' để người dân nhắc nhiều đến và sử dụng nhiều hơn thành quả của khoa học công nghệ, cho phép con người không cần đi đến tận nơi mà vẫn có thể nhìn ngắm, nghiên cứu về các hiện vật trưng bày trong bảo tàng.
Công nghệ đã làm thay đổi cuộc sống của con người từng phút, từng giây. Còn với hoạt động bảo tàng tưởng như tĩnh tại, ít biến động cũng đột nhiên biến đổi với sự giúp sức của khoa học công nghệ. Trong đó, sự ra đời của bảo tàng “ảo” được xem như bước tiến giúp thu hẹp những khoảng cách địa lý, giúp du khách chiêm ngưỡng những tác phẩm, hiện vật đẳng cấp thế giới thông qua các chuyến tham quan trực tuyến.
Xu hướng tất yếu của thời đại 4.0
Để có một buổi tham quan bảo tàng giữa cuộc sống bận rộn, gấp gáp ngày nay là chuyện xa xỉ với không ít người. Các vấn đề về chi phí, giao thông, điều kiện thời tiết, sắp xếp thời gian, công việc, sẽ là yếu tố cản trở để có một buổi tham quan đầy hứng thú. Nhưng công nghệ đã phát triển vượt bậc cho phép mọi người chỉ cần ngồi nhà mà vẫn nhìn ngắm được các hiện vật trưng bày trong bảo tàng, bất kể thời tiết nắng - mưa - giông - bão.
Với bảo tàng “ảo” 360 độ, chỉ cần một chiếc máy tính hay một chiếc điện thoại thông minh là có thể truy cập vào các hạng mục tham quan do đơn vị bảo tàng xây dựng hay một triển lãm trực tuyến với đầy đủ các nội dung và bối cảnh không gian như một triển lãm thực tế. Vấn đề chỉ nằm ở việc bạn có muốn bước chân lên chuyến tàu du hành trở về quá khứ để khám phá và tìm hiểu bao điều thú vị đang chờ đón. Hơn thế, thao tác để truy cập vào bảo tàng online hay triển lãm trực tuyến đều rất dễ dàng. Tất cả đều được chào đón để đến với các hiện vật đã được số hóa và đặt trong không gian tái hiện thực tế.
Những mũi tên xuất hiện trong chuyến tham quan bảo tàng online sẽ hướng dẫn người xem nên rẽ trái hay phải, đi thẳng hay quay lại trong chuyến hành trình của mình. Ở đó, chỉ có người xem độc hành cùng giọng thuyết minh miêu tả tỉ mỉ về hiện vật đang xem.
Có thể nói, dù là bảo tàng “ảo” 360 độ nhưng hiệu quả lại thật 100%, chẳng kém gì khi du khách tham quan trong thực tế. Người sử dụng điện thoại hoặc máy tính khi truy cập có thể di chuyển, quan sát các góc xung quanh hiện vật như chính họ đang đứng quan sát, di chuyển trong các căn phòng, địa điểm trưng bày mà hình ảnh chụp thông thường không bao giờ thực hiện được.
Thậm chí, công nghệ 360 VR tour còn có thể mô phỏng những điều không có ở hiện tại. Các bảo tàng có thể sử dụng yếu tố này để tái hiện, mô phỏng một không gian lịch sử giả tưởng gắn liền với hiện vật, câu chuyện có thật nhằm gây hứng thú với khách tham quan từ xa. Dịch vụ thu phí tham quan từ xa cũng có thể là một mảng tăng thêm doanh thu cho bảo tàng.
Cuộc “biến hóa” của các bảo tàng
Những ưu điểm không thể phủ nhận của công nghệ tham quan 360 VR tour đã kích thích các bảo tàng trên thế giới và trong nước áp dụng, đưa vào sử dụng trong hoạt động thực tế. Đây là xu thế tất yếu trong hoạt động của bảo tàng với những tiện ích do công nghệ đem lại, đặc biệt khi dịch Covid-19 bùng phát khiến hàng loạt viện bảo tàng đã phải đóng cửa.
Nhiều người tưởng rằng, ở thời điểm này chỉ có loại hình giải trí trực tuyến là sống tốt thì điều bất ngờ đã xảy ra, các bảo tàng lớn trên thế giới đã mở cửa “online” nhằm phục vụ du khách. Đó là Bảo tàng Louvre (Pháp) cho phép du khách tham quan miễn phí qua màn hình với khu vực: The Advent of the Artist (Cuộc phiêu lưu của nghệ sĩ); Egyptian antiquities Galerie d’Apollon (Bộ sưu tập cổ vật Ai Cập D’Apollon) và Remains of the Louvre’s Moat (Những di tích của Louvre).
Mỗi khu vực đều được thiết kế kiểu tham quan không giống nhau, mỗi tác phẩm đều có thông tin đầy đủ bằng tiếng Anh và hình ảnh phóng to để dễ dàng nhìn ngắm.
Bảo tàng Van Gogh ở Thủ đô Amsterdam (Hà Lan) - nơi lưu giữ bộ sưu tập Van Gogh lớn nhất thế giới với hơn 200 bức tranh, 500 bản vẽ và khoảng 700 lá thư, cũng đã mở tour tham quan thực tế “ảo” dành cho những người yêu nghệ thuật. Tại các quốc gia tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Anh, Đức, Italia, hàng loạt các bảo tàng khoa học như Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia Mỹ; Bảo tàng quốc gia không quân Mỹ; Bảo tàng Lịch sử khoa học của Đại học Oxford (Anh); Bảo tàng Hải dương học quốc gia Đức; Bảo tàng Lịch sử tự nhiên London (Anh); Bảo tàng Galileo Galilei… cho tới bảo tàng của các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, Singapore,
Thailand, Malaysia… đều lập tức “biến hóa” trước dịch bệnh
Covid-19 nhằm phục vụ tốt nhất cho du khách. Đây cũng là một cách kích hoạt, nối dài sức hấp dẫn của chính bảo tàng ở thời điểm nhiều ngành nghề đã phải “ngủ đông”.
Tại Việt Nam, nằm trong xu hướng này, Trung tâm Bảo tồn Hoàng thành Thăng Long cũng đã vừa kịp ra mắt người xem triển lãm trực tuyến ảo 360 độ tại “Di tích cách mạng nhà và hầm D67”, nhân kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã ra mắt người xem triển lãm trực tuyến “Thống nhất non sông” sử dụng công nghệ tham quan ảo bằng việc mô phỏng không gian triển lãm với kiến trúc giả lập tương đồng thực tế, giúp khán giả tham quan và tương tác trên mạng diện rộng, vượt mọi rào cản địa lý. Dù chưa thật sự đồng loạt nhưng sự phản ứng tức thì của các đơn vị bảo tàng nhà nước trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành đã nói lên rằng, các cơ quan này đã bắt nhịp và đón đầu xu thế từ trước đó rất lâu.
Nếu không thì không thể cho ra mắt người xem những triển lãm có lớp lang dày đặc và nội dung được chuẩn bị kỹ lưỡng, kỹ thuật truyền tải hấp dẫn đến như vậy.
Đại diện Bảo tàng Lịch sử quốc gia - đơn vị đầu tiên trên cả nước tiến hành xây dựng bảo tàng “ảo” 360 độ chia sẻ, không phải đến khi có dịch bệnh Covid-19, Bảo tàng Lịch sử quốc gia mới nghĩ đến hình thức giới thiệu trưng bày online mà trên cơ sở xác định, xu hướng hiện đại hóa thông qua ứng dụng công nghệ trong trưng bày và giới thiệu trưng bày là một xu hướng tất yếu của các bảo tàng hiện đại.
Theo đó, hiện đại hóa trưng bày hay giới thiệu trưng bày không chỉ là phương thức online mà còn là các phương thức số hóa, điện tử hóa hoạt động... Vì vậy, từ năm 2013 và trong những năm gần đây, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã nghiên cứu, ứng dụng nhiều hình thức khác nhau trong hoạt động bảo tàng, nhất là trong hoạt động giới thiệu trưng bày.
* Bảo tàng Van Gogh ở Thủ đô Amsterdam (Hà Lan) - nơi lưu giữ bộ sưu tập Van Gogh lớn nhất thế giới với hơn 200 bức tranh, 500 bản vẽ và khoảng 700 lá thư, cũng đã mở tour tham quan thực tế “ảo” dành cho những người yêu nghệ thuật.
* Bảo tàng Louvre (Pháp) - cho phép du khách tham quan miễn phí qua màn hình với khu vực: “The Advent of the Artist” (Cuộc phiêu lưu của nghệ sĩ); “Egyptian antiquities Galerie d’Apollon” (Bộ sưu tập cổ vật Ai Cập D’Apollon) và “Remains of the Louvre’s Moat” (Những di tích của Louvre).
* Trung tâm Bảo tồn Hoàng thành Thăng Long (Việt Nam) - ra mắt người xem triển lãm trực tuyến ảo 360 độ tại “Di tích cách mạng nhà và hầm D67”.
* Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Việt Nam) ra mắt người xem triển lãm trực tuyến “Thống nhất non sông” sử dụng công nghệ tham quan ảo bằng việc mô phỏng không gian triển lãm với kiến trúc giả lập tương đồng thực tế, giúp khán giả tham quan và tương tác trên mạng diện rộng, vượt mọi rào cản địa lý.
(Còn tiếp)