Chuyện gì xảy ra với việc kinh doanh của gia đình Trump sau khi ông mãn nhiệm
Bất chấp những nỗ lực 'đến phút cuối cùng' của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm lật ngược kết quả bầu cử, ông và gia đình đã rời khỏi Nhà Trắng.
Hơn bất kỳ Tổng thống nào khác trong lịch sử nước Mỹ, nhiều sự tò mò xoay quanh việc liệu ông sẽ làm gì tiếp theo.
Theo abc.net.au, các khả năng được nêu ra bao gồm việc ông Trump tái tranh cử Tổng thống vào năm 2024, lên kế hoạch xây dựng một đế chế truyền thông mới để "đối đầu" hãng truyền thông Fox News, hay bận rộn đối mặt với các vụ kiện hình sự và dân sự. "Những năm tháng về hưu yên tĩnh đối với ông Trump chắc sẽ khó xảy ra", bài báo bình luận.
Dù vậy, điều gần như chắc chắn là ông sẽ quay lại trở thành người đứng đầu công ty bất động sản và thương hiệu nổi tiếng của gia đình mình.
Trump Organization
"Đế chế kinh doanh" của gia đình Donald Trump không hoàn toàn là một công ty bất động sản, dù từng xuất phát từ mảng này. Công ty được bà của ông, Elizabeth, thành lập vào năm 1923 với tư cách là công ty phát triển bất động sản E. Trump & Son. (E.Trump và con trai).
"Con trai" được nhắc đến ở đây là Fred Trump. Vào đầu những năm 1970, ông đã biến E. Trump & Son trở thành một nhà phát triển bất động sản thành công đối với thị trường nhà ở giá rẻ ở Brooklyn.
Sau đó, ông quyết định giao cơ nghiệp cho con trai Donald. Công ty đổi tên thành Trump Organization vào năm 1973.
Ông Donald Trump đã mất 1,17 tỷ USD từ năm 1985 đến 1994 tại Trump Organization. Thất bại trong các khoản đầu tư vào sòng bạc và nhiều dự án kinh doanh khác đã khiến ông phải gánh những khoản nợ khổng lồ khó trả hết.
Dù vậy, ông cũng có thành công trong giai đoạn này như mua cổ phiếu của công ty Vornado Realty Trust.
Khi Fred Trump qua đời vào năm 1999, Trump Organization đang gặp khó khăn trong việc kiếm lợi nhuận. Donald duy trì đế chế của gia đình nhờ khoản thừa kế 413 triệu USD và tài năng thuyết phục các ngân hàng tái cấp vốn cho các khoản vay của ông.
Trong khi đấu tranh để tìm dự án kinh doanh thành công, Trump "gặp thời" trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân. Tận dụng điều đó, ông xuất hiện trong quảng cáo, kinh doanh giải trí và sách.
Năm 2003, ông bắt đầu làm việc với NBC và nhà sản xuất truyền hình Mark Burnett trong chương trình truyền hình thực tế The Apprentice.
Thành công của loạt chương trình này đã mang lại cho Trump, với tư cách là nhà đồng sản xuất, thu nhập hàng chục triệu USD mỗi năm.
Sự nổi tiếng gắn liền với vai chính trong loạt chương trình cũng mang lại thêm cho ông nhiều thỏa thuận thương hiệu. Ông có thể bán tên của mình cho các công ty khác, những người muốn sử dụng nó để xây dựng hình ảnh sang trọng.
Điều này đã khiến Trump thay đổi hoàn toàn trọng tâm của công ty mình.
Năm 2005, Trump sở hữu hai sân golf: một ở West Palm Beach, gần câu lạc bộ Mar-a-Lago của ông và một ở ngay phía Bắc Thành phố New York, cách Tháp Trump 45 phút lái xe.
Khi công việc bắt đầu khả quan, Trump, một người yêu golf quyết định rằng đây sẽ là tương lai cho đế chế kinh doanh.
Đến năm 2007, ông mua thêm hai khu nghỉ dưỡng chơi golf - một khu đã xây dựng một nửa mà ông hoàn thành sau đó ở Bedminster New Jersey và một ở Los Angeles, nơi ông đã phải sửa chữa sau một trận lở đất.
Donald Trump đầu tư đáng kể tài sản của mình vào việc mua các sân golf. Các sân golf của ông thường xuyên tổ chức các hoạt động và ngày càng nổi tiếng.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khi lợi nhuận sân golf giảm xuống mức thấp mới, Trump mua các sân kém hiệu quả và cải tạo.
Mặc dù các sân golf không tạo ra lợi nhuận, nhưng các khoản lỗ được bù đắp bằng lợi nhuận từ các lĩnh vực khác trong đế chế của Trump. Kể từ đó cho đến năm 2018, năm nào ông cũng thua lỗ.
Hiện Trump sở hữu những gì?
Theo những tài liệu mà phía Trump tự tuyên bố, hiện ông sở hữu các tài sản chủ yếu là khách sạn, sân golf, bên cạnh đó là tháp Trump, một số nhà ở cá nhân, máy bay và tài khoản ngân hàng.
Theo ABC News, các liệt kê tài sản của ông khá mơ hồ và doanh thu được liệt kê chưa bao gồm chi phí hoạt động, không thể hiện dấu hiệu cho thấy một doanh nghiệp có lãi.
Trừ khi Trump có một sự thay đổi đáng kể kể từ năm 2018, những tài sản này không tạo ra đủ thu nhập để tạo ra lợi nhuận hoặc giúp ông trả khoản nợ hàng trăm triệu USD được báo cáo.
Ông cũng có thể bán các tài sản để trả nợ, tuy nhiên khó có được giá tốt trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Thương hiệu Trump sẽ ‘biến mất’ sau nhiệm kỳ Tổng thống?
Sau sự kiện bạo lực tại tòa nhà Quốc hội gây chấn động nước Mỹ ngày 6/1, hàng loạt doanh nghiệp, ngân hàng “quay lưng” và ngừng làm việc với cựu Tổng thống.
Eric Trump, con trai của Trump, nói với Associated Press rằng đế chế kinh doanh của cha mình đang phải chịu ảnh hưởng từ “văn hóa hủy” (hợp đồng). Tuy nhiên, Eric Trump khẳng định thương hiệu Trump vẫn sẽ được các cử tri ủng hộ mạnh mẽ, những người sẽ theo ông Trump “đến tận cùng Trái đất” dù ông mãn nhiệm.
Một số chuyên gia cũng chần chừ khi đánh giá sự "kết thúc" của đế chế kinh doanh này. Họ lưu ý rằng cựu Tổng thống vẫn có lượng người theo dõi tận tụy, miệt mài, bao gồm hơn 74 triệu người đã bỏ phiếu cho ông trong cuộc bầu cử vừa qua.
Tuy nhiên, việc chuyển những người ủng hộ đó thành khách hàng sẽ là một thách thức.
“Thương hiệu Trump có bị ảnh hưởng không? Có. Thương hiệu Trump có cực đoan không? Có. Nhưng Thương hiệu Trump đã kết thúc? Hoàn toàn không”, Chris Allieri, người sáng lập công ty quan hệ công chúng Mulberry & Astor ở New York cho biết. “Chúng ta đã có nhiều cuộc tẩy chay và đe dọa tẩy chay nhưng người tiêu dùng nhanh chóng phẫn nộ và cũng nhanh chóng quên”.
Năm 2009, Trump báo cáo rằng các đối tác được cấp phép của ông đã bán được 215 triệu USD hàng hóa Trump trên toàn thế giới. Nhưng số lượng các sản phẩm mang tên Trump giảm đi đáng kể trong thập kỷ qua và các chuyên gia cho rằng tên của ông không còn sức hút.
Các nhà báo và luật sư cũ của ông, Michael Cohen nhiều lần cáo buộc Trump phóng đại giá trị và sức khỏe tài chính các tài sản của mình. Năm ngoái, Forbes ước tính giá trị tài sản ròng cá nhân của Trump giảm 1 tỷ USD trong vòng chưa đầy một tháng xuống còn 2,1 tỷ USD, phần lớn là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, là một người bán hàng không ngừng nghỉ, Trump ít khả năng rút lui khi đối mặt với sự lên án, trái lại có thể tìm ra cách kiếm lợi từ sự tận tâm của những người ủng hộ, Allieri nói.
“Sẽ có nhiều người không thấy ông sai trong vụ việc xảy ra ở Điện Capitol và không cảm thấy có vấn đề gì khi đến khách sạn của ông ấy”, theo Allieri. Ngoài ra, thương hiệu của Trump có thể có nhiều giá trị hơn bên ngoài nước Mỹ, như ở Trung Đông hoặc châu Á, theo chuyên gia.
Việc kinh doanh của Trump có thể bị ảnh hưởng nếu ông bị truy tố hoặc kết án vì một số tội danh sau khi rời nhiệm sở.