Chuyên gia chỉ cách hạn chế cây xanh Hà Nội gãy đổ

Đơn vị trồng cây xanh cần phải xem xét lại quy trình, không nên trồng mới các cây xanh quá to. Bên cạnh đó, các cây xanh ở Hà Nội hiện nay mới được cắt cành, chưa được tỉa tán cây nên dễ gãy đổ.

Không nên trồng mới cây xanh quá to

Theo thông tin của đại diện Sở Xây dựng TP Hà Nội, qua rà soát trong số cây xanh bị gãy đổ do bão số 3 gây ra, có 12 cây để nguyên bầu bọc gốc, rễ sai quy định. Trong đó 7 cây sử dụng bầu lưới, thuộc diện vật liệu không tiêu hủy và 5 cây bọc ni lông, vỏ bao xi măng.

GS.TS Ngô Quang Đê, nguyên chủ nhiệm khoa Lâm nghiệp, Trường Đại học Lâm nghiệp Hà Nội cho biết, so với số lượng cây bị đổ trên toàn TP Hà Nội, số lượng này rất nhỏ nhưng đây vẫn là việc cần phải lưu ý, chấn chỉnh nghiêm. Cây trồng, nhất là cây xanh trong đô thị, nếu không xé bỏ lớp bầu bọc sẽ hạn chế tốc độ phát triển của cây và rễ bám vào đất. Chưa kể nhiều cây đã bị cắt bỏ bớt rễ cọc nên với vỏ bọc như thế sẽ làm rễ cây không phát triển, ăn sâu vào đất, từ đó rất dễ bị ngã đổ.

Cây xanh gãy đổ vẫn còn nguyên bầu đất.

Cây xanh gãy đổ vẫn còn nguyên bầu đất.

Cây xanh trên phố Hà Nội gãy đổ nguyên nhân chính là do bão số 3 với sức gió giật rất mạnh. Tuy nhiên ở Hà Nội vẫn còn trồng mới một số cây xanh đã to, cao quá. Đây là loại cây bị cắt hết những rễ ăn sâu xuống đất, chỉ còn một số rễ nhỏ xung quanh rồi được đánh bọc, đem trồng trong TP, khu đô thị.

Thêm nữa, đất ở đô thị, vỉa hè bị lèn quá chặt, cây không phát triển được, rễ cây không đâm sâu xuống dưới đất được. Khi bộ rễ và tán cây mất cân bằng thì nguy cơ đổ rất cao, chỉ cần dông lốc là có thể bị gãy, đổ.

Do đó các cơ quan quản lý, đơn vị trồng cây xanh cần phải xem xét lại quy trình, không nên trồng mới các cây xanh quá to. Bên cạnh đó, các cây xanh ở Hà Nội hiện nay mới được cắt cành, chưa được tỉa tán cây. Cần phải tỉa tán thường xuyên, thậm chí tạo tán cho cây khi cắt tỉa. Như vậy mới hạn chế được cây gãy đổ khi vào mùa mưa bão hay tránh những vụ việc như gãy nhánh cây công viên, trên phố ở TP.HCM khiến một số người tử vong vừa qua.

"Việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh, nhất là ở đô thị phải được coi là một khoa học rất cặn kẽ, chứ không phải chỉ đào cái hố rồi chôn cây xuống, tưới chút nước lên đó rồi xong", chuyên gia nhấn mạnh.

TS Đinh Quang Diệp, Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam chia sẻ việc trồng cây còn bọc nguyên bầu đất bằng nylon là sai kỹ thuật bởi hệ rễ bị quấn trong bầu không bám vào đất khiến cây dễ bị đổ. Đồng thời, hệ rễ bị cắt xén nhiều nên phát triển kém và không bình thường.

Ngoài ra, hiện nay phần rễ cây trồng ở đô thị rất yếu, không bám sâu được vào đất. Nguyên nhân gây ra hệ rễ yếu có thể do cây mọc rễ chậm hoặc bị xén trong quá trình chỉnh trang đô thị, làm hạ tầng kỹ thuật và quá trình bê tông hóa quá nhiều.

Việc trồng cây không đúng quy cách như còn nylon, lưới giữ bầu đất... nếu không tháo lớp vỏ bọc này sẽ khiến bộ rễ cây không thể phát triển theo thời gian. Cùng với đó, cây sẽ khó hút được nước và chất dinh dưỡng trong đất. Việc rễ cây không phát triển được sẽ khiến cây sinh trưởng, phát triển kém, khó có thể đứng vững và dễ ngã đổ mỗi khi có gió lớn.

Quy trình kỹ thuật trồng cây xanh đô thị

Có một số ý kiến cho rằng, giữ nguyên bọc bầu như vậy, cây sẽ sống. Tuy nhiên, theo các chuyên gia cây xanh đô thị, phương pháp trên chỉ đúng với cây sẽ chỉ sống thời gian đầu và chủ yếu để thuận tiện cho việc vận chuyển. Về sau, cây bị bó bầu các loại khó phân hủy thì bộ rễ khó phát triển dẫn đến cây bị yếu dần dần sẽ chết hoặc bộ rễ cây bó bọc lại không bám ra xa được để giữ cho cây vững chãi dẫn đến khi bị tác động dông gió, bão,.. cây sẽ đổ. Việc giữ bọc bầu khi trồng cây, nhất là khi áp dụng với những cây xanh to trên đường phố Hà Nội, là không đúng phương pháp.

Cây gỗ để chắc thì phải có rễ cọc có tác dụng bám sâu vào lòng đất để giữ cây thẳng, rễ con thì hút dinh dưỡng rễ cọc thì chỉ có một rễ chính mà mọc từ đầu, khi đánh cây to chặt đi thì không mọc lại chỉ mọc rễ con để hút dinh dưỡng. Trồng cây to phải có "trụ đỡ", Cây khỏe là cây có bộ rễ khỏe mạnh và cành lá cân đối, nếu cái "trụ đỡ" mà không phát triển được, không vững, việc cây đổ khi gặp gió, bão,... là điều có thể thấy trước.

TS Đinh Quang Diệp cũng cho rằng việc trồng cây xanh đô thị cần phải đúng tiêu chuẩn quy định. Điển hình, cây phải có chiều cao tối thiểu 3 mét, đường kính thân cây tại chiều cao tiêu chuẩn tối thiểu 6 cm, tán cây cân đối, cây thẳng không sâu bệnh.

Ngoài ra trên thực tế, khi trồng cây chúng ta cần nghiên cứu theo cấu tạo bộ rễ, chúng được chia làm hai loại là rễ cọc và rễ chùm.

Rễ cọc thông thường sẽ có có sức chống chịu gió bão mạnh, những cây rễ chùm có bộ rễ ăn nông trên mặt đất. Việc nghiên cứu các loại rễ của cây xanh giúp chọn lựa chính xác loại cây trồng phù hợp ở đô thị cũng như những nơi dễ ảnh hưởng vì mưa bão.

Khi trồng, cần phải lưu tâm đến độ sâu hay khoảng cách chôn bầu đất cây tới mặt đường. Tùy độ lớn của bầu đất cây mà bạn sẽ đào một chiếc hố có chiều cao gấp 2 - 3 lần chiều cao của bầu đất. Việc này sẽ giúp cho bầu đất cây của bạn được giữ thẳng, vững chắc và dễ dàng phát triển hơn.

Đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ, rà soát nghiêm ngặt, nghiên cứu kỹ lưỡng trồng loại cây nào, trồng ra sao; cũng như vào cuộc rà soát, xử lý thật nghiêm các đơn vị, doanh nghiệp nào nếu trồng cây không đảm bảo kỹ thuật để tránh những thiệt hại tiềm tàng xảy ra, không chỉ với tài sản, mà còn là cả tính mạng của người dân.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-chi-cach-han-che-cay-xanh-ha-noi-gay-do-169241005112133593.htm