Vì sao giải ngân vốn đầu tư công ở Bắc Ninh vẫn rất thấp?

So với trung bình chung cả nước, giải ngân vốn đầu tư công của Bắc Ninh đến thời điểm này vẫn rất thấp.

Hết tháng 9/2024, toàn tỉnh Bắc Ninh mới giải ngân được 2.571,2 tỷ đồng vốn đầu tư công (bao gồm cả vốn kéo dài), đạt tỷ lệ 39,4% so với số 3 cấp UBND tỉnh - huyện - xã phân bổ chi tiết và đạt 28,1% so với số vốn Chính phủ giao; đạt 29,5% so với số UBND tỉnh giao phân bổ chi tiết và giao UBND cấp huyện.

Giải ngân vốn đầu tư công của Bắc Ninh còn rất thấp. Ảnh: VG

Giải ngân vốn đầu tư công của Bắc Ninh còn rất thấp. Ảnh: VG

Cụ thể: Vốn đầu tư công ngân sách tỉnh quản lý 1.450,4 tỷ đồng; vốn đầu tư công ngân sách huyện, xã quản lý 1.118,6 tỷ đồng; vốn đầu tư công từ nguồn thu hợp pháp 2,2 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, việc giải ngân thấp do nhiều yếu tố, bao gồm cả chủ quan và khách quan, do sự thiếu chủ động phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong giải quyết tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án và năng lực của một số nhà thầu thi công còn thấp…

Để đảm bảo tỷ lệ giải ngân đạt 100% nguồn vốn cả năm 2024 theo kế hoạch, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh yêu cầu thị xã Thuận Thành, các huyện: Lương Tài, Gia Bình, Tiên Du các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp dưới mức bình quân cả nước tập trung rà soát, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn được phân bổ.

Các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai những dự án công trình trọng điểm, nhất là dự án đường Vành đai 4, đẩy nhanh tiến độ các gói thầu để bù thời gian bị chậm do nhiều yếu tố; thực hiện cao điểm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, phấn đấu đến ngày 30/11 bàn giao 100% mặt bằng sạch để triển khai thi công các dự án.

Giám đốc sở, thủ trưởng các ban, ngành, thành phố, chủ đầu tư cần tập trung quyết liệt đôn đốc tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân các dự án; cũng như phải chịu trách nhiệm trước tỉnh ủy, UBND tỉnh về kết quả giải ngân và tiến độ thực hiện các dự án được giao.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh sẵn sàng làm việc, tháo gỡ cho các sở, ngành, địa phương khi có “điểm nghẽn” trong giải ngân vốn đầu tư công.

Không chỉ riêng Bắc Ninh, đến hết tháng 9 năm nay, vẫn còn 29 bộ, cơ quan Trung ương và 26 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. Trước thực tế này, giới chuyên gia cho rằng, cũng cần phải giao chỉ tiêu về đầu tư công rất cụ thể như KPI đối với lãnh đạo các địa phương, bộ ngành.

Năm 2024 phải giải quyết rất nhiều dự án trọng điểm đang đi vào giai đoạn cuối của nhiệm kỳ 5 năm, nếu không đẩy nhanh được giải ngân đầu tư công, những mục tiêu đặt ra cho nhiệm kỳ 5 năm rất khó khăn.

Do vậy, trong quý cuối cùng của năm 2024, các địa phương cần tăng tốc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Nếu có sự bứt phá hơn, chắc chắn, kết quả giải ngân trong quý IV sẽ có nhiều chuyển biến tích cực.

Tâm An

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vi-sao-giai-ngan-von-dau-tu-cong-o-bac-ninh-van-rat-thap-350461.html