Chuyên gia nói gì về nghi vấn biến chủng nCoV lây qua đường hàng hóa?

Các chuyên gia cho biết nhóm bốc xếp tại sân bay Tân Sơn Nhất có thể là nguồn bùng phát dịch tại TP.HCM. Tuy nhiên, nguồn lây của biến chủng này chưa rõ ràng.

Ngày 5/2, qua xét nghiệm tầm soát nhân viên làm việc tại sân bay Tân Sơn Nhất, ngành y tế TP.HCM vô tình phát hiện ổ dịch tại công ty bốc xếp. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM báo cáo kết quả giải mã bộ gene của chủng SARS-CoV-2 từ các ca bệnh này thuộc nhóm A.23.1. Đây là chùm ca lây nhiễm bởi biến chủng lần đầu được phát hiện ở Việt Nam và Đông Nam Á.

Với chủng SARS-CoV-2 mới này, nhiều người đặt vấn đề về việc virus có thể xâm nhập Việt Nam qua đường hàng hóa tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Chưa có bằng chứng nCoV lây qua hàng hóa

Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng, hiện nay, virus chủ yếu lây qua đường hô hấp và tiếp xúc.

Hiện chưa có nghiên cứu nào khẳng định virus lây qua đường hàng hóa. Vì vậy, người dân cần chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, tuân thủ các khuyến cáo phòng bệnh, thực hiện biện pháp 5K, trong đó, đặc biệt chú ý đeo khẩu trang, sát khuẩn tay.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), chuyên gia từng trải qua nhiều đợt dịch truyền nhiễm lớn, cho biết trường hợp chủng SARS-CoV-2 mới lây truyền vào Việt Nam qua đường hàng hóa là "không thể xảy ra".

 Xét nghiệm cho nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất sau khi ổ dịch trong nhóm bốc xếp bùng phát. Ảnh: Duy Hiệu.

Xét nghiệm cho nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất sau khi ổ dịch trong nhóm bốc xếp bùng phát. Ảnh: Duy Hiệu.

Thông thường, khả năng virus lưu trên bề mặt hàng hóa, hành lý và lây lan ở cộng đồng khác rất khó xảy ra, trừ trường hợp nhiệt độ thích hợp và đông người tiếp xúc. Hàng hóa, hành lý trên máy bay tồn tại tương tự bề mặt phẳng thông thường. Biến chủng mới được ghi nhận hiện tại cũng không có gì đặc biệt so với chủng từng công bố trước đây.

“Theo tôi, khả năng lớn nhất khiến một biến chủng xâm nhập và lây lan là đi theo con người. Do đó, người dân không nên quá hoang mang về việc SARS-CoV-2 có thể tồn tại âm thầm trên bề mặt hành lý. Hiện chưa có nghiên cứu nào ngoài Trung Quốc cho thấy có sự lây nhiễm này. Tuy vậy, để đảm bảo sự an toàn, công tác khử trùng hàng hóa, hành lý cũng cần được tiến hành”, bác sĩ Khanh cho biết.

Chuyên gia nhận định con đường mà biến chủng xâm nhập Việt Nam có thể từ nhóm nhập cảnh trái phép, vô tình tiếp xúc các nhân viên bốc xếp tại sân bay Tân Sơn Nhất và hình thành ổ dịch. Ngoài ra, virus có thể thâm nhập qua các chuyến bay từ một số quốc gia có lưu hành chủng này về Việt Nam.

Một chuyên gia của Bộ Y tế cho biết một số nghiên cứu của Trung Quốc có phát hiện virus SARS-CoV-2 trên đồ vật, thức ăn như thịt cá. Tuy nhiên, hiện chưa thấy nghiên cứu ngoài Trung Quốc có thông tin này.

“Khả năng biến chủng xâm nhập tại Tân Sơn Nhất qua đường hàng hóa khó có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, chúng ta cần thêm bằng chứng để khẳng định điều này”, chuyên gia cho biết.

 Biến chủng virus mới A.23.1 mới chỉ xuất hiện ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ và chưa có nhiều dữ liệu về nó. Ảnh: NAIDS.

Biến chủng virus mới A.23.1 mới chỉ xuất hiện ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ và chưa có nhiều dữ liệu về nó. Ảnh: NAIDS.

Ngoài ra, với các loại thực phẩm, tiền, giấy…, chuyên gia này cho biết tại, không có bằng chứng nào cho thấy chúng là trung gian làm lây lan virus gây bệnh Covid-19. Tuy nhiên, một người có thể mắc Covid-19 khi chạm vào bề mặt hoặc đồ vật, như bao bì đóng gói có virus và sau đó chạm vào miệng, mũi hoặc mắt.

Do vậy, trước khi chuẩn bị đồ ăn, điều quan trọng là phải luôn rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây để đảm bảo an toàn thực phẩm nói chung.

Virus SARS-CoV-2 có khả năng bám trên bề mặt phẳng, bàn ghế, tay nắm cửa. Đồng thời, độ ẩm môi trường càng cao, nhiệt độ càng thấp, ánh sáng hạn chế…, virus có khả năng tồn tại lâu hơn.

"Hy vọng tương lai nCoV tương tự virus cúm mùa"

Theo tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ rẫy (TP.HCM), qua tìm hiểu số ca mắc Covid-19 tại TP.HCM, ông nhận thấy duy nhất một trường hợp có triệu chứng. Đa số ca dương tính còn lại không có dấu hiệu lâm sàng dù giai đoạn nhiễm virus và phát hiện lây nhiễm kéo dài đủ thời gian phát bệnh.

 Nhân viên y tế và bệnh nhân trong đại dịch cúm H1N1 năm 1918. Ảnh: CDC.

Nhân viên y tế và bệnh nhân trong đại dịch cúm H1N1 năm 1918. Ảnh: CDC.

"Mỗi chu kỳ lây nhiễm thì virus lại biến chủng. Chủng có độc lực cao sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, phát ra triệu chứng bệnh sớm. Với dòng biến chủng yếu hơn, chúng lây lan âm thầm để tồn tại trong cộng đồng. Đó là sự chọn lọc tự nhiên", chuyên gia cho biết.

Ông nhấn mạnh sự biến chủng liên tục của SARS-CoV-2 có đặc tính lây lan nhanh nhưng không tăng độc lực. Sau một thời gian, khả năng cao chúng sẽ trở thành virus tương tự cúm mùa như trong trận dịch cúm năm 1918.

Đại dịch cúm năm 1918 liên quan virus cúm A H1N1. Vụ dịch khiến hơn 100 triệu người nhiễm và 50 triệu người tử vong. Đây là trận đại dịch khiến dân số thế giới tử vong nhiều nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, sau 2 năm, virus này cũng trở thành cúm mùa do quá trình chọn lọc tự nhiên.

"Chủng mới không gây triệu chứng lâm sàng, không có ca nặng, cho phép chúng ta có hy vọng phải chăng đây là giai đoạn đầu nCoV chuyển thành biến chủng 'hiền' và tương tự cúm mùa. Nhận định này có vẻ hơi sớm nhưng chúng ta có thể hy vọng sau thời gian theo dõi ổ dịch bùng phát mới tại TP.HCM", chuyên gia của Bộ Y tế chia sẻ quan điểm.

Bên trong nơi phát hiện biến chủng SARS-CoV-2 đầu tiên ở TP.HCM Sau 36 giờ chạy mẫu liên tục, các kỹ thuật viên của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM phát hiện biến chủng B117 trên mẫu phết họng của bệnh nhân quê Hải Dương.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-gia-noi-gi-ve-nghi-van-bien-chung-ncov-lay-qua-duong-hang-hoa-post1183735.html