Chuyên gia quốc tế: Chuyển đổi số - hành trình không nên quá vội vã

Tại hội thảo quốc tế 'Digitalize to Revolutionize - Định hình nền kinh tế số tương lai', chuyên gia cho rằng, chuyển đổi số không chỉ là chiến dịch mà là hành trình.

Hội thảo Quốc tế “Digitalize to Revolutionize - Định hình nền kinh tế số tương lai” do MB tổ chức với mục tiêu mang lại những bài học kinh nghiệm chuyển đổi số thực tế từ chuyên gia hàng đầu thế giới đến với MB và các đối tác của MB, từ đó góp phần khai phóng các nguồn lực quốc gia cho quá trình kiến tạo nền kinh tế số bền vững.

Hội thảo kết nối các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp Việt với những diễn giả từ Columbia Business School đã có nhiều năm nghiên cứu chuyên sâu về chuyển đổi số cùng kinh nghiệm tư vấn chiến lược cho những tập đoàn hàng đầu thế giới. Đó là bộ ba diễn giả David L. Rogers, Sheena S. Iyengar và Paul J. Bailo.

Các chuyên gia cho rằng, chuyển đổi số không chỉ đơn giản là một chiến dịch mà nó là một hành trình và không nên quá vội vã trong chuyển đổi số. Chuyển đổi số nên bắt đầu từ những thử nghiệm nhỏ thay vì tập trung vào những kế hoạch quá tốn kém mà lại dễ thất bại.

Kinh tế số đi đôi với chuyển đổi số

Các chuyên gia đã thảo luận về tiềm năng phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam. Họ nhấn mạnh rằng Việt Nam có những yếu tố tiềm năng đặc biệt, như dân số đông đúc, xuất khẩu hàng hóa (như gạo, thủy hải sản, đồ nội thất) đang trở nên ngày càng phát triển, cùng với một ngành du lịch đa dạng và năng động. Tuy nhiên, chuyển đổi số, mặc dù mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng đi kèm với nhiều rủi ro về an ninh và an toàn hệ thống.

Giáo sư Sheena S. Iyengar từ Trường Đại học Columbia (Mỹ) nhấn mạnh để xây dựng một nền kinh tế số, việc chuyển đổi số là không thể thiếu và Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn để thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo.

GS. David L. Rogers, một chuyên gia có kinh nghiệm làm việc với các doanh nghiệp Việt Nam, cũng xác nhận nền kinh tế của Việt Nam đang mở cửa rộng và có nhiều cơ hội trong giai đoạn chuyển đổi số.

Hội thảo quốc tế "Digitalize to Revolutionize - Định hình nền kinh tế số tương lai".

Hội thảo quốc tế "Digitalize to Revolutionize - Định hình nền kinh tế số tương lai".

Thực tế cho thấy rằng nền kinh tế số của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Theo báo cáo e-Conomy SEA 2023, Việt Nam tiếp tục là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của kinh tế số Việt Nam là 19% trong giai đoạn 2022-2023, và dự kiến tổng giá trị hàng hóa sẽ tăng từ 30 tỷ USD vào năm 2023 lên 45 tỷ USD vào năm 2025.

Sự phát triển đáng kể của nền kinh tế số đã tạo ra nhu cầu không ngừng về quá trình chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng.

Theo thông kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2022, ngành ngân hàng đã đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng để hỗ trợ quá trình chuyển đổi số. Nhờ vào những đầu tư này, Việt Nam đã nhanh chóng trở thành một trong những quốc gia hàng đầu trong việc ứng dụng ngân hàng số, với tỷ lệ thanh toán số tăng trưởng đáng kể, đạt 40% trong khoảng thời gian 3-4 năm gần đây.

Đồng thời, nhận thức về vai trò trung tâm của chuyển đổi số, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra "Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Kế hoạch này nhằm thúc đẩy sự phát triển của các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, và đặt ra mục tiêu tài chính toàn diện, dựa trên sự ứng dụng của công nghệ mới và tối ưu hóa hoạt động của các ngân hàng.

Hiện tại, đã có 96% ngân hàng tại Việt Nam đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó có 92% đã triển khai các dịch vụ ứng dụng trên nền tảng internet và di động. Nhiều ngân hàng cũng đã tích hợp trí tuệ nhân tạo và các dịch vụ tư vấn tự động 24/7 để linh hoạt đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân.

Ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc điều hành của Ngân hàng Quân đội (MB), cho biết: “Ngành ngân hàng đã chuyển đổi rất nhanh chóng trong vài năm qua. Hầu hết các ngân hàng đều chuyển đổi số và phục vụ các khách hàng trên các nền tảng và ứng dụng quan trọng. Ít nhất khoảng 80% các giao dịch lớn của ngân hàng trong ngày hôm nay đều xử lí qua các nền tảng”.

Theo ông, việc thúc đẩy phát triển chuyển đổi số trong ngành ngân hàng mang lại nhiều lợi ích to lớn cho người dân, doanh nghiệp. Nhờ ứng dụng chuyển đổi số, “việc tiếp cận dịch vụ của người dân, doanh nghiệp tại các ngân hàng nhanh chóng hơn. Từ đó, năng suất lao động, khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân và doanh nghiệp tăng lên, kéo theo tốc độ xử lý và năng suất lao động của xã hội tăng lên. Đối với ngân hàng, việc sử dụng dữ liệu, sử dụng nền tảng và các công cụ chuyển đổi số cũng sẽ giúp cho tăng năng suất lao động và quản lý rủi ro tốt hơn”, ông Thái nhận định.

Đại tá Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT MB phát biểu tại hội thảo.

Đại tá Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT MB phát biểu tại hội thảo.

Là ngân hàng đi đầu trong chuyển đổi số, Ngân hàng MB đã gặt hái được nhiều thành tựu ấn tượng. Tính đến ngày 30/10/2023, quy mô khách hàng của MB đạt 25 triệu người. Đồng thời, ngân hàng cũng ghi nhận 1,6 tỷ giao dịch trên kênh số, đặc biệt là app MBBank có thời điểm ghi nhận tới 20 triệu giao dịch/ngày. Đây cũng là một trong những ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên App Store ở Việt Nam trong vòng 3 năm liên tiếp.

Các chỉ tiêu hiệu quả (ROA, ROE, tỷ lệ nợ xấu, năng suất lao động) của MB luôn duy trì ở vị trí TOP đầu toàn ngành ngân hàng. MB còn sở hữu 4 giải pháp được vinh danh tại Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2023, bao gồm VietQR, Thẻ Hi Collection, Chợ ứng dụng và Giải pháp vay Online.

Chuyển đổi số không dễ dàng

GS. David L. Rogers nhận định, mặc dù là xu thế tất yếu trong thời đại kỹ thuật số không ngừng thay đổi nhưng quá trình chuyển đổi số chắc chắn không dễ dàng. Qua nghiên cứu, có tới 70 – 80% chiến dịch chuyển đổi số của các doanh nghiệp không mang lại kết quả như mong muốn.

Chuyển đổi số mang đến nhiều cơ hội lớn nhưng ở mặt còn lại, nó cũng kéo theo nhiều rủi ro về an ninh, an toàn hệ thống. Các hình thức tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính ngày càng tinh vi và biến hóa phức tạp như Deepfake, Deep Voice,… đã gây ra nhiều hệ lụy, khiến không ít khách hàng bị tổn thất nặng nề. Những rủi ro về rò rỉ thông tin cá nhân, dữ liệu của khách hàng cũng có thể làm xói mòn niềm tin của khách hàng và ảnh hưởng đến hoạt động, uy tín của các ngân hàng.

Bên cạnh đó, sự phức tạp và tính đổi mới liên tục của chuyển đổi số trong ngành ngân hàng cũng đòi hỏi các chính sách, khuôn khổ pháp lý phải theo kịp. Từ đó, các ngân hàng mới có thể sẵn sàng chuyển đổi, áp dụng công nghệ, dịch vụ mới, không còn gò bó trong những khuôn khổ đã cũ.

GS. David L. Rogers chia sẻ tại Hội thảo.

GS. David L. Rogers chia sẻ tại Hội thảo.

Dựa trên những ví dụ thành công trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng ở nước ngoài, ông David cho rằng chuyển đổi số nên bắt đầu từ những thử nghiệm nhỏ thay vì tập trung vào những kế hoạch quá tốn kém mà lại dễ thất bại. Nếu những phép thử này đạt kết quả như mong muốn, các doanh nghiệp, ngân hàng mới nên chuyển sang đầu tư lớn hơn.

Trong khi đó, diễn giả Paul J. Bailo gợi mở để có thể chuyển đổi số thành công, các ngân hàng và doanh nghiệp nên ngồi lại với nhau.

Các ngân hàng lớn trên thế giới đều tiếp cận các doanh nghiệp tiềm năng nhằm mở ra nhiều cơ hội mới. Thông qua hợp tác với các trường đại học, quỹ đầu tư mạo hiểm hay các doanh nghiệp startup, các ngân hàng có thể tìm ra những hướng đi mới mà chưa ngân hàng nào thực hiện, từ đó, trở thành những ngân hàng đi tắt đón đầu”, ông Paul nhận định.

Công Hiếu

Nguồn VTC: https://vtc.vn/chuyen-gia-quoc-te-chuyen-doi-so-hanh-trinh-khong-nen-qua-voi-va-ar832940.html