Đề nghị Quốc hội giám sát các quỹ để quản lý, sử dụng hiệu quả

Đại biểu đề nghị Quốc hội, hoặc các cơ quan của Quốc hội tiến hành giám sát các quỹ để có đánh giá cụ thể, kỹ càng, đảm bảo quản lý sử dụng một cách hiệu quả.

Xem xét hiệu quả hoạt động của các quỹ

Ngày 5/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025; một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Đại biểu Nguyễn Quang Huân - đoàn Bình Dương đánh giá, các chỉ số thu ngân sách nhà nước trong 9 tháng đầu năm có tăng trưởng khá tốt, đạt được nhiều ấn tượng. Tình hình thu ngân sách năm nào cũng tăng so với kế hoạch, dự toán, đảm bảo cho thu ngân sách bền vững làm vững mạnh nền kinh tế.

Tuy nhiên, dẫn báo cáo kiểm toán, ông Huân cho hay, hiện nay, ngân sách mới có hơn 13,3 ngàn tỷ/43,281 ngàn tỷ chi thường xuyên được bố trí; số còn lại hơn 29,981 ngàn tỷ chưa được phân bổ. Đây là cái làm kìm hãm các công cụ kích thích của nền kinh tế.

“Nhiều khi chúng ta kêu gọi tiết kiệm chi thường xuyên là tốt nhưng chi thường xuyên có 7-8 mục, nếu tiết kiệm quá có một số hoạt động kinh tế - xã hội bị kìm hãm. Không phải cái gì tiết kiệm cũng là tốt” - ông Huân nói.

Cũng theo ông Huân, theo dự kiến đến năm 2025 GDP nước ta vào khoảng 500 tỷ USD, nếu duy trì tốc độ tăng trưởng đều 7%/năm đến năm 2035 thì GDP nước ta sẽ vào khoảng 1.000 tỷ USD, định hướng đến năm 2.045 đạt mốc 5.000 tỷ USD để trở thành nước thu nhập cao, phá bẫy thu nhập trung bình.

Để thoát được bẫy này, ông Huân nêu quan điểm rằng, có nhiều công cụ về các khía cạnh như: Lao động, tái cơ cấu, đầu tư phát triển, tuy nhiên chưa quan tâm đúng mức các khía cạnh này. Chúng ta đang duy trì tăng trưởng gần 7%/năm, nhưng chưa đạt được yếu tố bền vững vì vẫn dựa vào động lực của FDI.

Trong khi các doanh nghiệp FDI xuất siêu lớn, còn các doanh nghiệp trong nước nhập siêu. Nếu muốn duy trì nhịp độ phát triển bền vững cần dựa vào các nguồn lực phát triển trong nước.

Hiện nay, chúng ta có hơn 20 quỹ, có một số quỹ sắp đóng lại, trong khi một số quỹ khác sẽ được mở thêm. Do đó, ông Huân đề nghị Quốc hội, hoặc các cơ quan của Quốc hội tiến hành giám sát các quỹ để có đánh giá cụ thể, kỹ càng, đảm bảo quản lý sử dụng một cách hiệu quả.

“Quỹ Bảo hiểm xã hội hiện nay đang dư hơn 1 triệu tỷ đồng, liệu chúng ta có thiết lập thêm các quỹ đang chi không hiệu quả, thường xuyên dư?. Không nên đánh giá quỹ bằng số lượng dự án, mà cần xem xét hiệu quả của hoạt động của quỹ, tác động của quỹ đối với tăng trưởng bao nhiêu % GDP”- ông Huân nói, đồng thời bày tỏ, việc sử dụng nguồn FDI là cơ hội để tăng trưởng, nhưng không phải là động lực chính cho kỷ nguyên vươn mình sắp tới.

Theo Đại biểu Vương Thị Hương - đoàn Hà Giang, hiện nay nhu cầu về đất san lấp, vật liệu xây dựng trong các dự án, nhất là dự án cao tốc là rất lớn nhưng nguồn cung không thể đáp ứng do Luật Khoáng sản quy định tài nguyên đất hay đất đồi, đất san lấp là khoáng sản.

Trong khi đó, trình tự, thủ tục liên quan đến việc cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định hiện hành còn rườm rà và tốn nhiều thời gian của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các tổ chức, cá nhân đang sở hữu giấy phép. “Các vướng mắc này dẫn đến thiếu hụt nguồn thu đất, gia lấp, ảnh hưởng đến biến độ thi công và giải ngân vốn” - bà Hương nói.

Khai thác nguồn thu từ đất, xổ số

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - đoàn Bến Tre đề nghị, cần tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Đồng thời, tập trung khai thác các nguồn thu như sử dụng đất, xổ số kiến thiết.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre

Ông Sơn cũng cho rằng, cần sớm hoàn thiện các chính sách liên quan như bảng giá đất, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đất đai. Hướng dẫn cụ thể cho các địa phương trong quá trình thu ngân sách, giải quyết những khó khăn, vướng mắc.

Đại biểu Tạ Minh Tâm - đoàn Tiền Giang chỉ rõ, hiện vẫn còn nhận định vướng mắc, cơ chế, quy trình, thủ tục triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Ông Tâm nói rằng, dù Quốc hội ban hành nhiều chủ trương mới, một số cơ chế đặc thù được kỳ vọng cao khi ban hành nhưng chưa tạo tác động nhiều trong thực tiễn. Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, các địa phương hiện nay còn gặp khó khăn trong quá trình thực hiện do một số nội dung còn chưa thực sự cụ thể, rõ ràng và thuận lợi.

Chưa kể, theo ông Tâm, việc ban hành các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của địa phương còn có độ trễ nhất định do nhiều địa phương còn gặp lúng túng, có cách hiểu khác nhau trong quá trình nghiên cứu, vận dụng, triển khai văn bản hướng dẫn của các cơ quan Trung ương.

Từ đó, ông Tâm kiến nghị Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý triển khai, vận hành các chương trình mục tiêu quốc gia theo tinh thần thường xuyên đánh giá hiệu quả, chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn, giảm thiểu thất thoát, lãng phí các nguồn lực, chủ động phát hiện và tháo gỡ nhanh những điểm nghẽn có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/de-nghi-quoc-hoi-giam-sat-cac-quy-de-quan-ly-su-dung-hieu-qua-356819.html