Chuyên gia săn thủy quái Hồ Tây và lần bắt trắm đen 2,5 tạ ở Việt Trì
Khi đó, không có chiếc cân nào chịu được con trắm đen khổng lồ này, nhưng ông Tiến dùng thước đo thì thấy nó dài hơn 3m, ước chừng nặng trên 2,5 tạ.
“Thủy quái” nặng 90kg
Thi thoảng, giới câu trộm ở Hồ Tây lại công bố “trục” được một chú trắm đen ở Hồ Tây nặng tới hai ba chục kg. Thế nhưng, ít ai biết rằng, Hồ Tây từng tồn tại rất nhiều trắm đen khổng lồ.
Ông Phan Ngọc Kim, Giám đốc Xí nghiệp nuôi trồng thủy sản (Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Hồ Tây) kể rằng, năm 1992, tại trụ sở xí nghiệp của ông đã trưng bày một tiêu bản cá trắm đen nặng tới 46kg. Tuy nhiên, qua nhiều lần chuyển trụ sở, giờ không rõ tiêu bản chú cá này biến đâu mất.
Còn theo ông Nguyễn Viết Bân, người phụ trách mảng khai thác cá Hồ Tây, thì tiêu bản cá trắm đen Hồ Tây trưng bày năm 1992 cũng chưa là gì cả, vì những năm đó, trắm đen Hồ Tây đã cạn kiệt rồi.
Năm 1988 trở về trước, năm nào công ty cũng khai thác được chừng 10 tấn cá trắm đen, loại từ… 40kg trở lên. Có những năm khai thác được tới 15 tấn “khủng long”.
Nếu tính cả những con trắm đen cỡ vài kg trở lên, mỗi năm Công ty Khai thác Hồ Tây bắt được từ lòng hồ lên cỡ chừng năm bảy chục tấn. Cứ mỗi đêm thả lướt vét Hồ Tây, sớm hôm sau, công nhân vật cá trên bến cứ như vật lợn.
Hồi đó, khi những con trắm đen cùng các loài cá khác được đưa lên bờ, lập tức có một đội ngũ công nhân dùng dao, rìu bổ đầu lấy trung khu thần kinh chỉ đạo bộ máy sinh dục trong não cá. Thứ này được chuyển đến những trại cá giống trên khắp cả nước để chiết xuất thuốc kích thích, tiêm vào những con cá chửa để chúng đẻ được.
Con “quái vật” khủng nhất tóm được ở Hồ Tây vào năm 1988, là một con trắm đen lớn chưa từng có, nặng tới 90kg, tương đương một con lợn siêu nạc.
Để tóm được con “quái vật” này, hàng chục công nhân kéo cá phải đấu trí với nó. Chỉ cần nó nổi cơn tam bành, ráng sức bình sinh phóng mạnh, thì lưới rách toang ngay.
Lúc trục con “quái vật” lên bờ, có nhiều ý kiến tranh luận khá gay gắt. Một số chị em phụ nữ góp ý nên thả xuống hồ vì nghĩ nó là con “trắm ma”, “quái vật” đã… thành tinh. Một số ý kiến khác thì đề xuất nên chụp hình, quay phim, rồi thả nó xuống hồ làm kỷ niệm, sau đó, thông báo kỷ lục với thế giới. Tuy nhiên, cuối cùng con “quái vật” bị xẻ thịt, chia đều cho cán bộ công nhân viên của công ty để… ăn Tết.
Con trắm đen nặng 90kg là kỷ lục của Hồ Tây, sau này, không đánh bắt được con nào lớn hơn nữa. Ông Bân cứ tiếc mãi việc không giữ con cá làm tiêu bản, đem trưng bày, như tiêu bản rùa Hồ Gươm ở đền Ngọc Sơn. Biểu tượng của Hồ Tây không gì thú vị hơn là những con trắm đen khổng lồ.
Theo ông Bân, trước những năm 90 của thế kỷ trước là thời kỳ khai thác trắm đen mạnh nhất. Lượng trắm đen cạn kiệt kể từ khi thuê đội thợ kéo cá từ Thanh Hóa. Người chỉ đạo đội thợ săn cá Hồ Tây là ông Nguyễn Văn Tiến, thường gọi là Tiến “Thanh Hóa”.
“Khủng long” dưới nước
Ông Tiến là người Sầm Sơn, Thanh Hóa, từng là thuyền trưởng, quản lý mấy chục thợ đánh cá ngoài biển. Năm 1980, bão gió khắc nghiệt, nhiều người bỏ mạng ngoài biển, nên ông cùng đội thợ ra Hà Nội kéo cá thuê.
Ở Hà Nội, ông nhanh chóng nổi tiếng về tài đánh cá. Với ông Tiến, biển rộng mênh mông còn đánh được cá, mấy cái ao hồ nhỏ xíu, vét sạch cá lên bờ đâu có gì khó nhọc. Vậy nên, rất nhiều hợp tác xã quản lý hồ cá ở miền Bắc thuê đội quân kéo cá của ông.
Ông Tiến kể rằng, đội khai thác cá của Hồ Tây được đầu tư lưới của Nhật, Đức, Liên Xô cũ, Singapore, song những loại lưới này thường xoắn ngược ra hoặc xoắn tròn, nên khi đánh cá ở môi trường đặc thù trong các ao hồ ở nước ta hiệu quả rất kém. Trong khi đó, giống cá trắm đen rất khôn, thấy động là rúc xuống bùn, nằm im trong ổ, hoặc dựa vào những vật cản. Nếu “quái vật” rơi vào lưới, chúng phi mạnh là những mảnh lưới mắt thưa này thủng tanh bành.
Lưới của ông Tiến là lưới vét, có túi, mắt dày, nhiều sợi giằng nhau rất bền, nên trắm đen vài chục kg đâm thoải mái không thủng được. Đây là loại lưới tự chế của dân đi biển Thanh Hóa, có thể đánh được cả cá voi, cá mập. Loại lưới này đã được cải tạo để phù hợp với việc đánh bắt trong ao hồ.
Trước đây, công nhân của Công ty khai thác Hồ Tây chỉ đánh bắt được chừng 200 đến 300 tấn cá, song khi ông Tiến ra tay, mỗi năm trục vớt từ Hồ Tây lên bờ từ 1.000 đến 1.500 tấn cá.
Khó đánh nhất là lũ “quái vật” trắm đen. Ông Tiến phát hiện ra rằng, hễ cứ hễ động hồ là chúng chui rúc vào các khu nghĩa địa chìm dưới lòng hồ. Có một chuyện ít người biết, đó là dưới đáy Hồ Tây có rất nhiều nghĩa địa. Những nghĩa địa này từng nằm giữa những cánh đồng ven hồ từ mấy chục năm trước. Những đợt sóng dữ dội của Hồ Tây đã bào mòn hết mấy cánh đồng ven hồ, nhấn chìm những nghĩa địa này xuống lòng hồ sâu cả mét nước.
Video người bị mất vía khi gặp trắm đen khổng lồ ở sông Kinh Môn
Để săn được trắm đen, ông Tiến cùng công nhân xác định rõ những ngôi mộ, gò đảo, rồi dùng lưới quây đánh úp từng khu vực. Với cách đánh đó, có những mẻ lưới, đội quân khai thác cá của ông Tiến lôi lên cả chục chú trắm đen nặng cỡ 40-50kg. Suốt 15 năm đánh cá ở Hồ Tây, ông Tiến đã săn được cả ngàn “thủy quái” Hồ Tây và con to nhất chính là con 90kg tóm được năm 1988 như đã nói ở trên.
Đến nay, kỷ lục trắm đen nặng 90kg vẫn chưa được phá ở Hồ Tây. Tuy nhiên, ông Tiến cho biết, nếu so với con trắm đen ông đánh được ở Việt Trì, thì “quái vật Hồ Tây” này chỉ đáng mặt... em út.
Năm 1993, ông giám đốc nhà máy ván ép Việt Trì mời ông Tiến lên kéo cá ở một cái hồ lớn gần ga Việt Trì. Khi giăng lưới, đám thợ đã dẫm phải một cái ổ lớn như ổ voi, xung quanh “ổ voi” đó có cả tấn vỏ ốc. Ông Tiến chắc chắn đây là ổ của trắm đen và từ cái ổ khổng lồ này, có thể ước đoán con trắm đen nặng đến vài chục kg.
Khi chiếc lưới vét khổng lồ kéo gần vào bờ, mọi người thấy có một khối đen xì nằm ở túi lưới, thi thoảng lại trồi lên mặt nước, rất nặng. Ai cũng nghĩ có một thân cây cọ khổng lồ lọt vào túi lưới. Tuy nhiên, khi kéo vào sát bờ, mọi người mới biết đó là một con “thủy quái” lớn chưa từng có.
Đám thợ chục người phải quần nhau với con trắm đen suốt một tiếng đồng hồ, ai nấy mệt lử, nó mới chịu nằm im. Hệ thống dây thừng được buộc chặt đầu đuôi, tránh tình trạng rách lưới, rồi hàng chục người hò dô mới kéo được con “quái vật” này lên bờ.
Khi con cá nằm trên bờ, hàng ngàn người hiếu kỳ đã kéo đến xem. Nhiều người tỏ vẻ kinh sợ khi nhìn thấy con cá khổng lồ màu đen này. Nhiều người chưa nhìn thấy cá lớn bao giờ thì quả quyết nó là… khủng long chứ không phải cá.
Khi đó, không có chiếc cân nào chịu được con trắm đen khổng lồ này, nhưng ông Tiến dùng thước đo thì thấy nó dài hơn 3m. Ước chừng, con “quái vật” này nặng trên 2,5 tạ. Có lẽ, đây là con trắm đen lớn nhất từ trước đến nay, không những ở Việt Nam mà không chừng lớn nhất thế giới.
Theo ông Nguyễn Viết Bân, kể từ ngày thuê ông Tiến đánh cá, lượng trắm đen ở Hồ Tây đã cạn kiệt. Hơn nữa, việc khai thác nguồn thức ăn của trắm đen là ốc quá mức, rồi tình trạng ô nhiễm, đã khiến trắm đen gần như sắp tuyệt chủng ở Hồ Tây. Việc đánh được “quái vật Hồ Tây” cỡ vài chục kg giờ đây là chuyện hiếm xảy ra, khó hơn cả trúng số độc đắc.