Chuyên gia Việt Nam hỗ trợ Lào kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả
Đoàn chuyên gia y tế Việt Nam đã đưa ra những nhận định quan trọng về nguy cơ có thể dẫn đến lây nhiễm chéo và tái bùng phát dịch Covid-19 tại nhiều địa phương ở Lào.
Đoàn chuyên gia Bộ Y tế Việt Nam đã hoàn thành chuyến công tác hỗ trợ Lào trong phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian gần một tháng. Sự hỗ trợ hiệu quả của đoàn đã giúp Lào kịp thời ứng phó, kiểm soát được sự lây lan của dịch Covid-19, ổn định cuộc sống.
Đoàn chuyên gia Việt Nam đã trực tiếp đi thực tế ở 3 địa bàn chủ yếu là tỉnh Champasak (11-15/5), tỉnh Savannakhet (16-19/5) và thủ đô Viêng Chăn (20-22/5).
Trong thời gian công tác, đoàn chuyên gia đã khảo sát việc phòng, chống dịch Covid-19 tại các làng, xã có tỷ lệ người mắc cao; cơ sở cách ly tập trung; đơn vị xét nghiệm; bệnh viện dã chiến; bệnh viện đa khoa tỉnh; trạm y tế xã và quầy thuốc tư nhân.
Các chuyên gia trực tiếp tham gia hội chẩn, can thiệp điều trị một số ca bệnh Covid-19 nặng với bác sĩ của bệnh viện tại các địa phương; tổ chức hội thảo tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch; chẩn đoán điều trị và kiểm soát nhiễm khuẩn...
Từ kinh nghiệm phòng, chống dịch tại Việt Nam và qua quá trình khảo sát thực tế, đoàn chuyên gia y tế đã đưa ra những nhận định quan trọng về các nguy cơ có thể dẫn đến lây nhiễm chéo và tái bùng phát dịch Covid-19 tại nhiều địa phương.
Theo đó, đoàn chuyên gia y tế Việt Nam đã đề xuất Lào cần xây dựng kịch bản ứng phó với các cấp độ dịch phù hợp điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội và năng lực đáp ứng y tế từng vùng.
Ngoài ra, đối với vấn đề nâng cao năng lực tiếp nhận, quản lý điều trị Covid-19, Lào cần thống nhất thực hiện hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh, bổ sung chỉ định cận lâm sàng khi nhập viện.
Về năng lực chuyên môn, Lào hiện tại mới chỉ có thể dừng lại ở mức độ cấp cứu cơ bản, kiểm soát hô hấp bằng thở máy xâm nhập, nhưng chưa có những can thiệp ở mức sâu hơn với các tình trạng nặng như viêm phổi ARDS, cơn bão Cytokine.
Các chuyên gia đề xuất Lào cần có kế hoạch chung về tiếp nhận, quản lý điều trị, cấp cứu Covid-19 chung của quốc gia và hướng dẫn địa phương thống nhất lên kế hoạch theo từng cấp độ dịch. Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao sự tham gia của cộng đồng vào phòng, chống dịch.
Chia sẻ về tình hình thực tế và những nguy cơ đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Lào, Tiến sĩ, bác sĩ Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, trưởng Đoàn công tác, cho biết: "Nhìn chung, công tác phòng, chống dịch Covid-19 từ Trung ương đến địa phương của Lào đã và đang thực hiện quyết liệt, huy động được sự vào cuộc đồng bộ hệ thống chính trị, các ban, ngành và chính quyền địa phương".
Tuy nhiên, theo bác sĩ Dương, qua thực tế khảo sát tại các địa phương, những nguy cơ lây nhiễm chéo và tái bùng phát dịch Covid-19 vẫn còn. Đó là nguy cơ có thể từ các ca bệnh tại cộng đồng chưa truy vết, lấy mẫu, cách ly đầy đủ và chưa tuân thủ nghiêm ngặt quy định cách ly tại nhà; những người tiếp xúc gần chưa được thông tin về ca bệnh dương tính, hoặc không tự nguyện đi làm xét nghiệm.
Ngoài ra, nguy cơ lây nhiễm trong khu cách ly do điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế; nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện như việc sàng lọc người ra vào bệnh viện chưa thống nhất, triệt để...
Đoàn chuyên gia y tế Việt Nam cũng đề xuất Lào cần chủ động triển khai các giải pháp để rút ngắn thời gian điều tra truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh Covid-19, chủ động, thần tốc truy vết, thần tốc lấy mẫu, thần tốc xét nghiệm, thần tốc đáp ứng cách ly và điều trị.
Năng lực xét nghiệm, số máy và mở rộng số lượng các cơ sở có khả năng xét nghiệm SARS-CoV-2 cần tăng cao. Thiết lập phòng xét nghiệm di động tại vùng dịch để tăng cường năng lực xét nghiệm.