Chuyên gia Yuanta Việt Nam: P/E dự phóng đang rẻ nhất một thập kỷ - chỉ báo tốt để đầu tư dài hạn

Định giá P/E dự phóng của chứng khoán Việt Nam dao động quanh 10 lần - mức rẻ nhất trong một thập kỷ qua. Định giá rẻ không phải là chất xúc tác để thị trường tăng trong ngắn hạn, nhưng là chỉ báo tốt để đầu tư dài hạn.

Ông Trương Quang Bình, Phó giám đốc phân tích nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Ông Trương Quang Bình, Phó giám đốc phân tích nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Nhận định trên vừa được ông Trương Quang Bình, Phó giám đốc phân tích nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán.

Nhiều nhà đầu tư đang cảm thấy việc giao dịch ngắn hạn trên thị trường chứng khoán hiện nay khá khó khăn, quan điểm của ông thế nào?

Trong ngắn hạn, thị trường dao động trong biên độ hẹp và đang phản ánh một số thông tin vĩ mô tiêu cực như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và đưa ra tín hiệu sẽ duy trì ở mức cao trong một thời gian, sản xuất giảm do đơn hàng xuất khẩu suy yếu, tăng trưởng lợi nhuận trong quý I/2023 đa số kém khả quan so với cùng kỳ. Thậm chí, dự báo quý II/2023 vẫn còn nhiều thách thức. Chính vì vậy, giao dịch ngắn hạn ở thời điểm hiện tại là tương đối thách thức.

Tuy nhiên, đây vẫn là thời điểm tốt để thực hiện tích lũy cổ phiếu trong trung và dài hạn.

Thứ nhất, do định giá rẻ nhất trong một thập kỷ với P/E dự phóng dao động quanh 10 lần. Định giá rẻ không phải là chất xúc tác để thị trường tăng trong ngắn hạn nhưng là chỉ báo tốt để đầu tư dài hạn.

Thứ hai, nhìn rộng hơn, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng hơn, dĩ nhiên, để phát huy tác dụng thì sẽ có độ trễ ít nhất từ 3 đến 6 tháng.

Thứ ba, về mặt chu kỳ, một chu kỳ kéo dài bình quân 8 đến 10 năm, trong đó 2 năm sẽ là thời điểm suy thoái, 8 năm còn lại là hồi phục và tăng trưởng, tuy nhiên, có rủi ro cần lưu ý đó là khủng hoảng kéo dài hơn ở Mỹ và châu Âu, hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Thực tế sau những đợt giảm mạnh như năm 2022, tốc độ tài khoản mở mới hàng tháng tiếp tục giảm dần trong năm 2023 (tháng 4/2023, số tài khoản mở mới chưa đến 23.000 tài khoản, thấp nhất trong 3 năm), trong khi nhiều nhà đầu tư đã tham gia đầu tư chứng khoán thì đang thua lỗ nặng, muốn rời bỏ thị trường. Ông đánh giá thế nào về thực trạng này?

Ở một khía cạnh nhất định, thị trường chứng khoán có thể mang lại lợi nhuận vượt trội so với tiền gửi ngân hàng (bình quân chỉ từ 6-8%/năm) như minh họa trong bảng dưới đây.

Nguồn YSVN, Fiinpro

Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần lưu ý, trước khi xuống tiền để đầu tư cần trang bị trước tiên làkỳ vọng hợp lý về lợi nhuận của mình trong thị trường chứng khoán”. Không nên có tư tưởng đầu cơ, rủi ro để x2, x3 tài khoản trong thời gian ngắn.

Nếu như VN-Index tăng 10% trong 1 năm, chúng ta đạt tỷ suất sinh lợi trên 10% thì đã được xem là thành công. Hoặc ngược lại, nếu VN-Index giảm 10%, danh mục chúng ta chỉ giảm dưới 10% thì cũng là thành công.

Nhà đầu tư nên trau dồi kiến thức về phân tích kỹ thuật cũng như phân tích cơ bản.

Quan trọng không kém mà nhà đầu tư cũng cần chú ý đó là sự vận hành của thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán là một cơ chế chiết khấu những thông tin (dòng tiền) tương lai về thời điểm hiện tại. Thông thường, khi nhà đầu tư tiếp cận một thông tin nào đó thì đã quá trễ, thường không có giá trị.

Như vậy, khi nghe một thông tin nào đó, nhà đầu tư cần xác định thông tin có đúng hay không và nếu đúng thì phải xem xét liệu giá cổ phiếu đã được phản ánh xong chưa?

Song song đó là phân bổ dòng vốn, không nên mua tập trung 1 cổ phiếu nào. Đa phần nhà đầu tư trẻ có tư duy kiếm tiền nhanh thường "all in" một mã hoặc sử dụng đòn bẩy quá mức trong khi chưa có kinh nghiệm quản lý rủi ro sẽ rất dễ bị mất tiền.

Tham gia càng sớm càng tăng cơ hội tận dụng lãi kép, ông có bình luận gì về quan điểm này?

Về bản chất, đầu tư dài hạn để hưởng lãi suất kép là chiến lược rất phổ biến. Nếu thực hiện đúng, tỷ suất sinh lợi rất đáng kể. Ví dụ, nếu đầu tư vào VN-Index trong mốc thời gian 10 năm và 6 năm như bên dưới thì sẽ mang lại tỷ suất sinh lợi kép rất đáng kể.

Nguồn YSVN, Fiinpro

Thời gian tham gia là quan trọng, nhưng sai thời điểm cũng giảm hiệu quả đầu tư. Như minh họa ở bảng dưới, cũng là thời gian 10 năm và 6 năm, nếu đầu tư lệch 1 năm thì tỷ suất sinh lợi giảm đi đáng kể (năm 2018 và năm 2022 là 2 năm biến động rất mạnh của thị trường). Dù vậy, mức sinh lời này vẫn cao hơn so với lãi suất tiền gửi bình quân.

Nguồn YSVN, Fiinpro

Tỷ suất sinh lợi ở thị trường chứng khoán sẽ tùy thuộc vào chu kỳ kinh tế, nếu tham gia lúc thị trường đạt đỉnh thì xác suất mua phải giá cao là khá lớn. Còn nếu bắt đầu mua vào khi thị trường đang ở giai đoạn tích lũy sau các đợt giảm mạnh thì sẽ có lợi thế hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, việc hiểu được chu kỳ kinh tế kéo dài 10 năm như đã nói ở trên sẽ giúp cho việc tính toán thời gian giao dịch được hợp lý hơn. Ở thời điểm hiện tại, tôi cho rằng những gì xấu nhất đã qua và là thời điểm lý tưởng để bắt đầu tích lũy dài hạn.

Ông có chia sẻ gì về cách phân bổ tài sản cho từng xu hướng thị trường?

Không có nguyên tắc đúng nhất cho phân bổ tài sản, bởi vì tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro và kỳ vọng của từng nhà đầu tư.

Nếu tính trên thang rủi ro từ cao đến thấp, đó là: Cổ phiếu rủi ro cao nhất nên tỷ suất sinh lợi kỳ vọng cao; Chứng chỉ quỹ phù hợp cho những nhà đầu tư thụ động có quỹ cổ phiếu hoặc trái phiếu; Trái phiếu có độ rủi ro sau cổ phiếu, tỷ suất sinh lợi thấp hơn cổ phiếu nhưng cao hơn tiết kiệm; Bất động sản là sản phẩm an toàn giả định nhà đầu tư đã tìm hiểu vấn đề pháp lý phù hợp cho việc bảo vệ tài sản.

Tỷ trọng giữa các tài sản tùy theo tình hình thị trường nhưng nguyên tắc là không nên "all in" và nên tìm hiểu kỹ các vấn đề rủi ro trước khi đầu tư. Tỷ trọng tối ưu vẫn là 30% tiết kiệm, còn lại thì phân bổ vào tài sản khác.

Trong đó, nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro thấp có thể chọn phân bổ đều vào bất động sản, trái phiếu. Nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cân bằng thì có thể kết hợp cổ phiếu - bất động sản. Nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao có thể kết hợp cổ phiếu – trái phiếu.

Khi bước vào chu kỳ tăng trưởng thì ưu tiên phân bổ tỷ trọng lớn hơn cho tài sản rủi ro: cổ phiếu/trái phiếu. Ngược lại, khi bước vào chu kỳ suy thoái, ưu tiên phân bổ tỷ trọng lớn hơn cho tài sản an toàn gồm tiết kiệm và bất động sản.

Phan Hằng

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chuyen-gia-yuanta-viet-nam-pe-du-phong-dang-re-nhat-mot-thap-ky-chi-bao-tot-de-dau-tu-dai-han-post321034.html