Chuyển hướng tiếp cận và chinh phục thị trường chất lượng cao
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tác động tiêu cực đến giao thương hàng hóa trên toàn cầu, cùng với những con số tăng trưởng kim ngạch mạnh mẽ tại các thị trường EU, Nhật Bản,... các mặt hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam đang có sự chuyển hướng mạnh mẽ để tiếp cận và chinh phục các thị trường chất lượng cao.
Xuất khẩu nhóm nông sản chính tăng 19%
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông sản tháng 2/2021 đạt 2,78 tỷ USD, tăng 3,0% so với tháng 2/2020.
Lũy kế 2 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 6,17 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, “xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt khoảng 3,14 tỷ USD, tăng 19,0%; chăn nuôi đạt 52 triệu USD, tăng 13,8%; thủy sản đạt trên 1,0 tỷ USD, tăng 0,7%; mặt hàng rau quả đạt 610 triệu USD, tăng 14,6%; kim ngạch xuất khẩu hạt điều cũng tăng 21,5%; sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 77,9%. Đặc biệt, xuất khẩu cao su tăng mạnh 89,9% về lượng và tăng 109,9% về trị giá so với 2 tháng đầu năm 2020, đạt 320.000 tấn, trị giá 516 triệu USD là những tín hiệu lạc quan hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong thời gian tới” - TS. Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh.
Trong báo cáo tháng 2/2021 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) về tổng quan cung cầu ngành hàng gạo thế giới, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2020-2021 dự báo ở mức 504 triệu tấn (quy gạo xay xát), tăng 0,85 triệu tấn so với dự báo tháng 1/2021, tăng hơn 1% so với một năm trước và là mức cao nhất trong kỷ lục.
“Tiêu thụ gạo toàn cầu trong niên vụ 2020-2021 dự báo đạt mức kỷ lục 504,2 triệu tấn, tăng 2,2 triệu tấn so với dự báo tháng trước và lớn hơn 8,4 triệu tấn so với một năm trước. Thương mại gạo toàn cầu trong năm 2021 dự báo đạt 46,1 triệu tấn (quy gạo xay xát), tăng 0,5 triệu tấn so với dự báo trước đó và lớn hơn gần 3% so với một năm trước đó” - TS. Nguyễn Quốc Toản thông tin.
Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đối với mặt hàng cà phê, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhu cầu đối với phân khúc cà phê hòa tan chất lượng cao toàn cầu cũng có xu hướng đi lên do nhu cầu làm việc tại nhà gia tăng đáng kể. Hiện tại, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên hiện ở mức 32.400-32.900 đồng/kg, tăng 1.400-1.500 đồng/kg. Giá cà phê Rubusta giá FOB giao tại cảng TP.Hồ Chí Minh đã tăng 141 USD/tấn lên 1.515 USD/tấn.
Ngoài ra, các mặt hàng cao su, trái cây, sắn, hạt tiêu, chè… cũng là những mặt hàng hứa hẹn đóng góp kim ngạch xuất khẩu cao trong năm 2021.
Như vậy, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của nước ta tiếp tục giữ được đà tăng trưởng trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tác động tiêu cực đến giao thương hàng hóa trên toàn cầu. Điều đáng chú ý chính là Mỹ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành thị trường chiếm thị phần xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Cùng với những con số tăng trưởng kim ngạch mạnh mẽ tại các thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... cho thấy ngành nông nghiệp Việt Nam đang có sự chuyển hướng mạnh mẽ để tiếp cận và chinh phục các thị trường chất lượng cao. Doanh nghiệp đã chủ động hơn trong vấn đề mở rộng thị trường, hạn chế phụ thuộc vào một vài thị trường truyền thống. Ðồng thời, kết quả trên cũng chứng tỏ các mặt hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam thật sự có uy tín, khẳng định được chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe nhất của nhiều quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, nhìn từ thị trường Mỹ, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu vẫn là gỗ và các sản phẩm từ gỗ, cao-su, hạt điều…, còn nhiều mặt hàng khác như gạo, trái cây thì sản lượng và kim ngạch xuất khẩu còn hạn chế; trong khi đây là những mặt hàng thế mạnh của nước ta và thu hút lực lượng lao động tương đối lớn. Nguyên nhân là do chưa có nhiều mặt hàng thuộc các nhóm sản phẩm này đáp ứng đủ tiêu chí, chất lượng để xuất khẩu vào thị trường Mỹ, mặc dù trên thực tế nhu cầu và dư địa của thị trường Mỹ về hàng nông sản hiện vẫn rất lớn.
Trong năm 2021, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phấn đấu mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng ngành khoảng 2,7 - 3%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản trên 2,8 - 3,1%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 42 tỷ USD. Theo các chuyên gia, để đạt được kế hoạch đã đề ra, một trong những giải pháp cần thực hiện quyết liệt đó là chuyển đổi số nông nghiệp nhanh chóng và chính xác.
“Lực đẩy” từ các FTA
Theo chuyên gia nông nghiệp PGS.TS Vũ Trọng Khải, lợi thế của xuất khẩu nông sản Việt Nam hiện tại đến từ việc chúng ta đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA, RCEP hay UKVFTA… Chính “lực đẩy” từ các FTA này đã khiến mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có thêm nhiều ưu đãi ở các nước. Bên cạnh đó, các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc… vẫn tiếp tục ưa chuộng nông sản Việt.
Giải pháp đưa nông sản vươn xa trên thị trường quốc tế chính là chuyển đổi số trong nông nghiệp. Đây là con đường tất yếu và doanh nghiệp Việt có thừa khả năng để làm điều này nếu có đủ quyết tâm. Bên cạnh đó, cũng cần có những chính sách khuyến khích từ phía nhà nước, có ưu tiên đối với việc thúc đẩy người nông dân và doanh nghiệp tiếp cận với những công nghệ mới.
“Phải tạo ra một thế hệ nông dân số từ đó mới có nền nông nghiệp số. Trong bối cảnh mới, nông nghiệp vẫn sẽ tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế, chính vì vậy, thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp chính là một yêu cầu cấp thiết”, ông Khải nhấn mạnh.
Một số chuyên gia nhận định, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến bất định, các thị trường xuất khẩu lớn tăng cường kiểm tra khắt khe đối với hàng nhập khẩu, giới chuyên gia nhận định, việc đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến, đảm bảo chất lượng sản phẩm và các yếu tố kiểm dịch chính là những yếu tố cần thiết để nông sản Việt giữ vững chỗ đứng trên thị trường quốc tế.
Để đa dạng mặt hàng nông nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường chất lượng cao như Mỹ, EU, Nhật Bản... điều tiên quyết vẫn là nâng cao chất lượng sản phẩm trên cơ sở áp dụng thực hành nông nghiệp tốt để đạt các chứng nhận VietGAP, GlobalGAP... cũng như các chứng nhận mang tính riêng biệt của từng quốc gia nhập khẩu. Thời gian vừa qua, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, tạo ra lợi thế cạnh tranh rõ nét về thuế quan cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu. Việc tập trung thực hiện các tiêu chí chất lượng, mẫu mã, an toàn vệ sinh thực phẩm chắc chắn là sự đầu tư đáng giá để ngành nông nghiệp sinh lời hơn nữa trong tương lai.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Hữu Ninh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, mục tiêu của Bộ trong thời gian tới là chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xác định đây là giải pháp đột phá để nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững, hướng tới nông nghiệp chính xác, nông nghiệp thông minh.
Đến năm 2025 cơ bản hoàn thành chuyển đổi số, tập trung nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ 4.0, thử nghiệm mô hình nông nghiệp công nghệ cao sử dụng các nền tảng 4.0.