Chuyện kể từ Di tích Nhà tù Hỏa Lò: Kỳ 1 - Chứng tích của lịch sử

Được ví như 'Địa ngục trần gian' - Nhà tù Hỏa Lò là nơi giam cầm và hành quyết những chiến sĩ cộng sản vô cùng ghê rợn. Đây cũng chính là 'địa chỉ đỏ' tỏa sáng tinh thần yêu nước bất khuất và ý chí kiên cường của nhân dân Việt Nam.

Trong không gian nhỏ le lói chút ánh sáng và chi chít những lối ngang dọc bên trong nhà tù Hỏa Lò, có một lối đi nhỏ, vừa đủ không gian cho 2 người, dẫn thẳng chiếc máy chém - thứ công cụ dùng gắn với hình ảnh vua Louis XVI bị đưa lên đoạn đầu đài năm 1793. Chiếc máy chém khổng lồ này đã đưa nhà tù Hỏa Lò ghi danh vào 10 nhà tù khét tiếng nhất thế giới và đứng đầu trong 5 điểm đến ghê rợn bậc nhất Đông Nam Á.

Chiếc “máy chém” được thiết kế bằng hai cột gỗ cao 4m, phía trên là một lưỡi dao lớn được giữ trên cao bởi chốt, phía dưới là hai miếng ván có hình bán nguyệt ghép với nhau thành hình tròn, phía trước là một hộc sắt để đầu tử tù rơi vào và phía bên cạnh chính là thùng mây đan dùng đựng thi thể. Loại máy này thực dân Pháp dùng để hành quyết những chiến sĩ cách mạng Việt Nam.

Vào tháng 1/1930, máy chém được đưa lên Yên Bái để hành hình 13 chiến sĩ Việt Nam Quốc dân đảng bị bắt trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái (đứng đầu là Nguyễn Thái Học). Vũ khí man rợ trong nhà tù được hoạt động liên tục, lưu chuyển từ nhà giam này tới nhà giam khác của xứ Bắc Kỳ.

Đây được xem là hình thức nhục hình phạm nhân tàn bạo nhất Đông Dương lúc bấy giờ. Chiếc máy chém đã gây ám ảnh cho biết bao thế hệ tù chính trị trong suốt thời gian dài nhà tù Hỏa Lò hoạt động.

Sở dĩ chiếc máy chém đến bây giờ vẫn còn nguyên vẹn và đưa đến nhiều cảm giác rợn người là bởi được bảo quản trong một phòng giam kín bên trong nhà tù. Ở bên ngoài Hỏa Lò được bao quanh bởi những bức tường bằng đá cốt thép cao 4m, dày 0,5m vẫn còn bền vững sau hơn một thế kỷ.

Ảnh so sánh máy chém nhà tù Hỏa Lò tại thời điềm hành hình 7 chiến sĩ cộng sản vào ngày 24/9/1913 (ảnh trên - phục chế có màu) và tháng 10 năm 2020.

Ảnh so sánh máy chém nhà tù Hỏa Lò tại thời điềm hành hình 7 chiến sĩ cộng sản vào ngày 24/9/1913 (ảnh trên - phục chế có màu) và tháng 10 năm 2020.

Năm 1896, di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò được xây dựng vô cùng kiên cố, các yêu cầu đều khắt khe trong thiết kế, lựa chọn nguyên vật liệu. Các thiết bị, phụ kiện như ổ khóa, bản lề, ke cửa, đinh móc… bằng kim loại đều phải nhập từ Pháp và chất lượng đáp ứng được yêu cầu của kiến trúc sư. Những tấm kính cũng được chuyển từ Pháp sang, phải không có bọt và sáng rõ; gạch phải được thấm bằng nước trước khi xây để bám vữa.

Nhà tù Hỏa Lò được xây kiên cố đến từng chi tiết nhỏ.

Nhà tù Hỏa Lò được xây kiên cố đến từng chi tiết nhỏ.

Xà lim là khu giam giữ đặc biệt dành cho tử tù, tù nhân nguy hiểm, tù nhân vi phạm nội quy nhà tù. Khu xà lim có sân sinh hoạt riêng, được bao quanh bằng các bức tường. Ngoài xà lim, nơi đây còn một khu giam giữ đặc biệt khác là cachot, tức khu ngục tối, nơi người tù bị nhốt biệt lập, bị cùm trong đêm, phải ăn, ngủ, vệ sinh tại chỗ.

Bên trong ngục tối Cachot vô cùng tối tăm, ánh sáng mặt trời không thể lọt qua. Bầu không khí đặc quánh, bí bách đến khó thở.

Bên trong ngục tối Cachot vô cùng tối tăm, ánh sáng mặt trời không thể lọt qua. Bầu không khí đặc quánh, bí bách đến khó thở.

Không chỉ vậy, phía trên của bức tường còn được gắn vô số những mảnh chai đã vỡ, dây thép gai vô cùng dày đặc khiến cho tù nhân không thể nào chạy trốn. Dưới chân tường phía trong là một vỉa hè rộng 2m dùng cho lính gác đi tuần tra xung quanh khu vực trại giam.

Bốn góc đều có bốn tháp canh, điều này giúp cho việc quan sát toàn bộ phía trong và phía ngoài nhà tù được diễn ra thuận lợi. Đúng là “đến con kiến cũng không thể nào lọt quađược”, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Nhà tù Hỏa Lò nằm ngay giữa lòng Thủ đô ngàn năm văn hiến, cách Hồ Gươm 1,5 km về phía Tây Nam. Nơi đây được xây dựng lên bởi thực dân Pháp với âm mưu đàn áp những ai đối đầu với chế độ thuộc địa, là nơi giam cầm, đày ải về thể xác và tinh thần của hàng ngàn chiến sĩ yêu nước, cách mạng Việt Nam.

Đây là một trong những nhà tù lớn, kiên cố bậc nhất Đông Dương, cùng với Tòa án và Sở Mật thám được xây dựng gần kề, đã tạo thành “thế chân kiềng” và trở thành công cụ để thực dân Pháp đàn áp các phong trào yêu nước của nhân dân ta.

Trải qua hơn 1 thế kỷ, qua nhiều lần trùng tu nhưng Nhà tù Hỏa Lò vẫn giữ nguyên được những nét độc đáo trong kiến trúc. Chắc ít ai sẽ biết rằng, vào những năm 1973, phi công Mỹ đặt cho Hỏa Lò tên gọi hài hước “Hà Nội Hilton” bởi từ ngày 05/8/1964 đến 31/3/1973, nhà tù Hỏa Lò được dùng để giam giữ phi công Mỹ bị bắn rơi khi ném bom bắn phá miền Bắc Việt Nam.

Nhà tù Hỏa Lò thời điểm mới xây dựng (ảnh trên) và hiện tại.

Nhà tù Hỏa Lò thời điểm mới xây dựng (ảnh trên) và hiện tại.

Các phòng giam ở đây tuy có diện tích khác nhau nhưng đều được xây theo cùng một kiểu thiết kế: mái lợp ngói, tường xây gạch kiên cố, quét hắc ín và bôi màu xám. Riêng các xà lim chỉ có một vài ô cửa nhỏ được trổ sát mái, khiến các phòng giam luôn mang theo cảm giác rùng rợn, ngột ngạt, u tối, thiếu ánh sáng và mất vệ sinh.

Nhà tù Hỏa Lò được thực dân Pháp xây dựng vào năm 1896 với tổng diện tích và những đường lân cận dẫn đến nhà tù là 12.908 mét vuông với rất nhiều hạng mục: Một nhà dùng cho canh gác; một bệnh xá; một nhà thương bố thí; hai nhà giam bị can; một phân xưởng thợ mộc, sắt, may, da; năm nhà giam tù nhân; bốn trại xà lim để giam tử tù, tù nhân nguy hiểm.

Toàn cảnh nhà tù Hỏa Lò nguyên bản rộng đến 12.908 mét vuông. (Ảnh phục chế màu).

Toàn cảnh nhà tù Hỏa Lò nguyên bản rộng đến 12.908 mét vuông. (Ảnh phục chế màu).

Thiết kế ban đầu của nhà tù chỉ giam giữ khoảng 500 người nhưng thực tế, đã có lúc lên đến 2000 người. Nơi đây giam giữ với những người bị án từ 5 năm trở xuống hoặc tử tù, còn những người bị án trên 5 năm sẽ được chuyển đến nhà tù Sơn La, Côn Đảo,…

Từ tháng 10/1954, sau khi miền Bắc được giải phóng, Chính phủ Việt Nam đã quản lý và sử dụng Nhà tù Hỏa Lò để giam giữ những người vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, năm 1899,sau 3 năm xây dựng, mặc dù nhiều hạng mục, công trình vẫn chưa được hoàn thiện nhưng đã phải đưa vào sử dụng vì lúc này rất nhiều người Việt Nam yêu nước bị thực dân Pháp bắt và tiến hành giam giữ.

Vào năm 1993, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của Thủ đô, Chính phủ quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng của nhà tù Hỏa Lò. Một phần phía Đông Nam còn lại được gìn giữ, tu bổ, tôn tạo để xếp hạng trở thành Di tích lịch sử của Hà Nội. Nơi đây có Đài tưởng niệm các chiến sĩ yêu nước và cách mạng Việt Nam đã anh dũng hy sinh tại nhà tù Hỏa Lò vì nền độc lập, tự do của dân tộc.

Chia sẻ về quá trình trùng tu lại nhà tù Hỏa Lò, Ông Đặng Văn Biểu, PhóTrưởng ban Quản lý Di tích Nhà tù cho biết: “Đến nay, nhà tù Hỏa Lò chỉ còn 1/5 kiến trúc, những công trình kiến trúc vẫn còn cơ bản được giữ nguyên. Bên cạnh đó, mỗi phòng ban đều có trưng bày các chuyên đề nhằm bổ trợ cho di tích, qua đó tái hiện lại quá trình hình thành và phát triển của Di tích Nhà tù Hỏa Lò từ trước tới nay”.

Hiện nay, di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò còn lưu giữ nhiều hiện vật quý, có giá trị lịch sử như: Cổng chính nguyên bản của Nhà tù Hỏa Lò; Hai cửa cống ngầm tù chính trị dùng vượt ngục Nhà tù Hỏa Lò năm 1945 và 1951; Máy chém thực dân Pháp dùng hành hình tù nhân tại Nhà tù Hỏa Lò hoặc đưa về nhiều địa phương trên cả nước để hành quyết tù nhân như: Xử tử hình 7 chiến sỹ trong tổ chức Việt Nam Quang phục hội (1913), chiến sỹ cộng sản trẻ tuổi Nguyễn Hoàng Tôn (1931) ngay trước cổng nhà tù; Ông Nguyễn Thái Học và 13 chiến sĩ Việt Nam Quốc dân Đảng bị bắt trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái (1930), Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và Hồ Ngọc Lân tại Hải Phòng (1932)...

Các hiện vật quý, có giá trị lịch sử được trưng bày trong nhà tù Hỏa Lò.

Các hiện vật quý, có giá trị lịch sử được trưng bày trong nhà tù Hỏa Lò.

Phải sống trong hoàn cảnh bị giam giữ hà khắc tại Nhà tù Hỏa Lò nhưng các chiến sĩ cách mạng vẫn tổ chức nhiều hoạt động như: học tập, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ.

Đặc biệt, họ đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh với kẻ thù để phản đối chế độ giam giữ, đòi quyền lợi của tù chính trị… Vượt lên tất cả, các chiến sĩ đã: “Biến nhà tù thành trường học cách mạng”, thành nơi rèn luyện lý tưởng, bồi dưỡng ý chí đấu tranh của những người cách mạng.

Hỏa Lò có vai trò đặc biệt quan trọng, trở thành “địa chỉ đỏ” trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, những kiến thức lịch sử, truyền thống dân tộc, sự hiểu biết các giá trị văn hóa, ý chí cách mạng, lý tưởng của Đảng, động lực thúc đẩy thế hệ trẻ lao động, học tập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những giá trị lịch sử của Hòa Lò đã hình thành ở cộng đồng cách suy nghĩ khoa học, góp phần giáo dục nhân cách cũng như những nét đẹp ngàn đời của dân tộc. Vì vậy, giá trị của các di tích lịch sử truyền thống của Nhà tù Hỏa Lò cần được giữ gìn, coi trọng.

"Địa ngục trần gian" cũng này chính là nơi con người ngược dòng lịch sử để chứng kiến hình ảnh về con người, cảnh vật trong thời chiến đầy những khó khăn, đời sống tù đày khốc liệt của những chiến sĩ Việt Nam yêu nước.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/chuyen-ke-tu-di-tich-nha-tu-hoa-lo-ky-1--chung-tich-cua-lich-su-d165735.html