Chuyện những người thèm được… bán sức!

Bất kể tiết trời mùa hạ nắng nóng như đổ lửa hay những ngày đông giá rét đến cắt da cắt thịt, hàng chục cửu vạn tại chợ lao động (TP Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám trụ. Bởi lẽ, niềm vui đối với họ là được 'bán' sức để có thu nhập trang trải cuộc sống.

Phần lớn người lao động kéo lên thành phố những năm gần đây gần như không có việc làm ổn định

Trời còn chưa sáng rõ mặt người, những cửu vạn đã lần lượt đổ về khu vực ngã 4 Trần Phú giao với Nguyễn Du để bắt đầu ngày mới. “Bạn đồng hành” cùng họ là những chiếc xe máy cũ kỹ, xe đạp sờn rách và số khác, “kiếm cơm” bằng xích lô, xe kéo và cả quanh gánh, cuốc xẻng.

Run run trong cái lạnh đầu đông, họ tranh thủ giở nắm cơm được chuẩn bị từ nhà để tiếp sức cho một ngày làm việc nặng nhọc.

Cuốc, xẻng… là những vật dụng quen thuộc của cửu vạn.

Năm nay đã ở độ tuổi bát thập nhưng bà Phan Thị Học (trú thôn Đồng Xuân, xã Hộ Độ, Lộc Hà) hằng ngày vẫn đều đặn cùng đồng hương mưu sinh ở phố thị.

“Nguồn sống của gia đình chúng tôi trông chờ cả vào nghề làm muối nhưng mấy năm gần đây, muối mất giá, thu nhập giảm sút. Chẳng biết bấu víu vào đâu, tôi theo chị em trong xã lên thành phố tìm việc, tranh thủ ai thuê gì làm nấy. Công việc không ổn định, lúc dăm bảy chục ngàn đồng, khi được vài trăm nhưng cũng có thời điểm nguyên tuần không ai thuê, cứ sáng đạp xe ra, tối lủi thủi đi về”, bà Học tâm sự.

Lúc rảnh rổi, họ lại nằm, ngồi lên xe.

Tay xắm nắm nào xô chậu, nào chổi lau, chị Đặng Thị Nguyệt (Thạch Hải, Thạch Hà) tất tưởi chuẩn bị “đồ nghề” khi vừa có người thuê lau dọn nhà. Khuôn mặt rám nắng của người phụ nữ miền biển ánh lên nét rạng rỡ khi kể về công việc có phần khởi sắc.

“Thời điểm này, nhiều hộ gia đình chuyển lên sinh sống tại chung cư nhà ở xã hội hay Vinhome center, chiếc điện thoại của tôi bình thường im ắng là thế mà giờ đây đổ chuông liên tục. Giá mỗi lần lau dọn dao động từ 500 - 800 ngàn đồng tùy vào diện tích trong thời gian 4 tiếng, mỗi chúng tôi kiếm thêm được khoảng 500 ngàn đồng/người. Nhưng cũng lo, vì cơ hội này rất hiếm khi có được”, chị Nguyệt chia sẻ.

Tại khu “chợ lao động” tự phát này, mỗi ngày tập trung trên dưới 30 lao động. Những lao động đến đây đa số là người dân từ các huyện Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên… và đủ các công việc tay chân nặng nhọc như sơn sửa, dọn dẹp nhà cửa, bốc vác... Mỗi khi có khách hàng đi qua, từng tốp người lại nháo nhào xúm lại hỏi han.

Bữa ăn tạm của những cửu vạn diễn ra chóng vánh

Theo cách nói hóm hỉnh của các “cửu vạn”, họ là “thợ đụng” đúng nghĩa bởi… đụng gì làm nấy. Những chuyến xe từ các miền quê về thành phố mang theo ước mơ được bán sức lao động để kiếm những đồng tiền chân chính, trang trải cuộc sống và lo cho con cái ăn học.

“Ai thuê gì chúng tôi cũng làm, miễn là có việc, từ gánh gạch, đào đất, lội ao trong thời tiết giá rét. Công việc lúc nhiều lúc ít nên thu nhập thất thường lắm”, ông Nguyễn Trọng Đoàn (xã Cẩm Hưng, Cẩm Xuyên) rít điếu thuốc, thở dài.

Gần 3 tháng nữa là đến Tết, ước mơ về ngày đầu năm đủ đầy, nhà cửa trang hoàng đẹp đẽ, bữa cơm đầm ấm, sung túc… lại càng thôi thúc những lao động xa quê đổ xô về thành phố. Bởi lẽ, đối với họ, đằng sau những giọt mồ hôi nhọc nhằn là sự trông cậy, tin tưởng của cả gia đình.

Văn Chung – Thùy Dương

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/lao-dong-viec-lam/chuyen-nhung-nguoi-them--ban-suc/182426.htm