Chuyến thăm Mỹ và những tính toán của Tổng thống Ukraine Zelensky

Chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong tháng 9 này có những tính toán rất kỹ lưỡng. Với việc trình bày 'kế hoạch hòa bình' hay còn gọi là 'kế hoạch chiến thắng', ông Zelensky hy vọng sẽ thúc đẩy Mỹ đảm bảo viện trợ dài hạn hơn cho Ukraine đến năm 2025.

Những tính toán trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ

Quyết định thăm Mỹ và “trình bày kế hoạch hòa bình” với Tổng thống Mỹ Joe Biden, trao đổi với Phó Tổng thống Kamala Harris và Cựu Tổng thống Donald Trump về cuộc xung đột với Nga, vào thời điểm này là bước đi được tính toán kỹ lưỡng của Tổng thống Ukraine Zelensky.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tới và phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh tương lai của Liên Hợp Quốc, trước thềm phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York ngày 23/9. Ảnh: EPA-EFE

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tới và phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh tương lai của Liên Hợp Quốc, trước thềm phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York ngày 23/9. Ảnh: EPA-EFE

Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden chỉ còn vài tháng nữa là hết nhiệm kỳ. Kết quả bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 sắp tới có ý nghĩa rất quan trọng đối với Ukraine. Nếu ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng, có lẽ cánh cửa “viện trợ” của Mỹ giành cho Ukraine sẽ rất hẹp, thậm chí có thể là sẽ “đóng lại”.

Đây là thời điểm then chốt đốt với Ukraine cả về chính trị và quân sự. Bởi vậy, trong chuyến đi Mỹ lần này, ông Zelensky có thể sẽ tranh thủ thời gian ông Joe Biden còn tại vị, để thúc đẩy các đảm bảo viện trợ dài hạn hơn cho Ukraine đến năm 2025.

Trong “kế hoạch hòa bình” mà Tổng thống Zelensky gọi là “kế hoạch chiến thắng” cho Ukraine, có thể sẽ bao gồm cả việc yêu cầu kết nạp Ukraine vào khối NATO. Đặc biệt, ông Zelensky hy vọng sẽ thuyết phục được Mỹ cho phép sử dụng vũ khi tầm xa do phương Tây viện trợ để tấn công một số mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Đây là điều mà đến nay Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn từ chối. Anh và Đức, hai điểm tựa khác của Ukraine cũng tỏ ra rất thận trọng.

Trên máy bay quân sự đến Mỹ, Tổng thống Zelensky cho biết: “Chuyến đi này sẽ quyết định những gì sắp diễn ra trong mùa thu năm nay”. Tổng thống Zelensky từng thừa nhận, nếu ông Biden từ chối ủng hộ “Kế hoạch chiến thắng” do Kiev soạn thảo, Ukraine sẽ phải đối mặt với một cuộc xung đột kéo dài với nhiều thương vong.

Ông Zelensky cũng cho biết, Ukraine không có kế hoạch dự phòng. Nếu bị từ chối, nước này sẽ tiếp tục cuộc xung đột với số lượng viện trợ quân sự hiện tại từ phương Tây, và như vậy, họ chắc chắn sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, Ukraine sẽ phải đối mặt với một mùa đông sắp tới với sự thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng.

Nga phản ứng thận trọng

Những thông tin chi tiết về kế hoạch hòa bình hiện chưa được tiết lộ. Phía Nga phản ứng hết sức thận trọng trước những thông tin này, vì có rất nhiều thông tin khác nhau, bao gồm cả thông tin trái chiều và những thông tin không đáng tin cậy về sáng kiến này.

Mới đây nhất, ngày 23/9, trả lời phỏng vấn báo chí, ông Peskov, Người phát ngôn Điện Kremlin cho biết, hiện vẫn còn quá ít thông tin về cái gọi là "kế hoạch chiến thắng" của nhà lãnh đạo Ukraine để Nga có thể đánh giá đúng đắn. Phía Nga sẽ phản hồi khi đề xuất của nhà lãnh đạo Ukraine được chuyển qua các kênh chính thức.

Ukraine tính đến giải pháp ngoại giao để chấm dứt xung đột?

Tổng thống Zelensky dường như đã nghĩ đến việc chấm dứt cuộc xung đột với Nga thông qua các biện pháp ngoại giao.

Liệu “Kế hoạch hòa bình” hay còn gọi là “kế hoạch chiến thắng” của ông Zelensky có phải là điều kiện thuận lợi để xúc tiến các kế hoạch ngoại giao cho cuộc xung đột Nga - Ukraine?

Để có thế xúc tiến các kế hoạch ngoại giao cho bất cứ cuộc xung đột nào, cả 2 bên tham gia cuộc xung đột đều phải có thiện chí và ít nhất là “cùng muốn” ngồi vào bàn đàm phán. Ngoài ra, họ phải có tiếng nói chung.

Cả 2 phía Nga và Ukraine đều nhiều lần nói rằng họ sẵn sàng đàm phán, nhưng cả 2 đều giữ nguyên lập trường của mình.

Nội dung cụ thể trong kế hoạch hòa bình lần này của Ukraine hiện chưa được tiết lộ và từ trước đến nay Ukraine luôn giữ nguyên lập trường với kế hoạch 10 điểm của mình.

Trong khi đó, phía Nga khẳng định, việc ngừng bắn chỉ có thể xảy ra khi Ukraine đồng ý với những yêu cầu của Nga và Nga sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào mà họ cho là có thể gây tổn hại cho lợi ích quốc gia của mình.

Hội nghị quốc tế về hòa bình ở Ukraine diễn ra tại Thụy Sĩ vào tháng 6 vừa qua nhưng lại không có sự tham dự của Nga.

Hội nghị lần thứ hai dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới và lần này sẽ mời Nga tham dự, nhưng phía Moscow gần đây lại khẳng định là họ sẽ không tham dự cuộc đàm phán này.

Hôm 20/9, khi trao đổi với các phóng viên, ông Zelensky khẳng định: Kế hoạch hòa bình lần này của Ukraine là “cầu nối tới bất cứ giai đoạn nào của nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột".

Hoàn cảnh hiện tại và những diễn biến ở chiến trường đã khiến nhiều nhà phân tích quân sự nghĩ đến các kế hoạch ngoại giao, nhưng nếu cả Nga và Ukraine đều không nhượng bộ thì điều này rất khó xảy ra.

Thu Hà/VOV-Moscow

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/chuyen-tham-my-va-nhung-tinh-toan-cua-tong-thong-ukraine-zelensky-post1123999.vov