Chuyện về 2 pho tượng quỳ trong đền thờ danh tướng Yết Kiêu ở Hải Dương

Trong đền Quát ở thôn Hạ Bì, xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc (Hải Dương) có 2 pho tượng đá cổ quỳ gối chầu hai bên điện thờ. Tương truyền 2 pho tượng thể hiện sự thuần phục của người Xiêm đối với tài năng của danh tướng Yết Kiêu.

Clip về đền Quát

2 pho tượng đá cổ, hình dáng đô vật người Xiêm đang quỳ chầu 2 bên điện thờ

2 pho tượng đá cổ, hình dáng đô vật người Xiêm đang quỳ chầu 2 bên điện thờ

Đền Quát được xây dựng từ thời Trần, thờ danh tướng Yết Kiêu, người được phong là Đệ nhất đô soái thủy quân đức Thánh Trần triều.

Tướng Yết Kiêu tên thật là Phạm Hữu Thế (1242-1301), người thôn Hạ Bì, xã Yết Kiêu. Ông là một danh tướng nhà Trần, tài đức song toàn. Ông có biệt tài bơi lặn, nhiều lần đục thủng thuyền giặc Nguyên Mông, góp công lớn giúp nhà Trần đại phá quân Nguyên Mông ở thế kỷ XIII.

Ông được vua Trần phong tặng “Trần triều hữu tướng, đệ nhất đô soái thủy quân, tước hầu”. Sau khi ông mất, vua Trần đã ban sắc phong cho dân làng Hạ Bì lập đền thờ và suy tôn ông là Thành hoàng làng.

Quang cảnh đền Quát ở thôn Hạ Bì, xã Yết Kiêu (Gia Lộc)

Quang cảnh đền Quát ở thôn Hạ Bì, xã Yết Kiêu (Gia Lộc)

Trong đền có 2 pho tượng người Xiêm đang quỳ (người dân thường gọi tượng phỗng), chầu hai bên điện thờ. 2 pho tượng có hình dáng đô vật to khỏe, đóng khố. Tượng được tạo hình bụng phệ, mặt to, môi dày, hai bên đầu có hai búi tóc xoáy tròn, ở tư thế quỳ gối, hai tay chắp dâng đèn, nến. Tượng được chạm khắc bằng đá xanh, cao hơn 1 m. Tượng đã có hàng trăm năm.

Nhà nghiên cứu sử học Vũ Xuân Xuê, quê ở thôn Hạ Bì, xã Yết Kiêu, hiện sinh sống tại thị trấn Vĩnh Bảo (Hải Phòng) cho biết sau nhiều năm tìm hiểu, ông đã ghi chép được truyền thuyết về 2 pho tượng người Xiêm này. Ông cũng đã viết tác phẩm “Yết Kiêu Gia tướng Trần triều” và đăng 20 kỳ trên báo Thiếu niên Tiền phong năm 2008. Tác phẩm kể về danh tướng Yết Kiêu được vua Trần cử đi xứ nước Xiêm La (Thái Lan ngày nay). Do có tài nên vua nước Xiêm muốn giữ Yết Kiêu ở lại và hứa gả công chúa cho ông. Nhưng ông đã từ chối, lấy lý do đã có vợ ở quê nhà.

Điện thờ danh tướng Yết Kiêu

Điện thờ danh tướng Yết Kiêu

Vua Xiêm đành ra điều kiện nếu ông thắng được 2 đô vật nước Xiêm thì sẽ cho về, nếu không phải ở lại. Sau khi ông hạ được 2 đô vật nước Xiêm thì 2 đô vật này theo lời giao ước từ trước muốn theo hầu hạ ông, học hỏi thêm. Tuy nhiên Yết Kiêu lại xin vua Xiêm cho xóa lời giao ước. Yết Kiêu nói 2 đô vật này là nhân tài của đất nước, không thể theo ông được. Vua Xiêm kính phục ông và cho tạc 2 pho tượng mang hình dáng đô vật gửi sang đất Việt. Ngày nay, 2 pho tượng vẫn còn gần như nguyên vẹn, quỳ gối hai bên điện thờ, dáng vẻ thuần phục vị tướng tài đất Việt.

Đền Quát đã trải qua hơn 700 năm lịch sử, được trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Năm 1998, khu di tích đền Quát đã được xếp hạng di tích quốc gia. Năm 2020, Lễ hội đền Quát được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Lễ hội đền Quát diễn ra vào rằm tháng giêng và rằm tháng 8 hằng năm. Ngoài các lễ tế, rước truyền thống, lễ hội còn có các hoạt động múa lân rồng, hát văn, quan họ, bơi chải, cờ người, cờ tướng...

PHÙNG BẢN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/chuyen-ve-2-pho-tuong-quy-trong-den-tho-danh-tuong-yet-kieu-o-hai-duong-394363.html