CLUES - Dự án thiết thực cho nông nghiệp ĐBSCL

TS Đinh Diệp Anh Tuấn – Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Viện Dragon - Mekong) – nhận định rằng biến đổi khí hậu có tác động rất lớn đối với hệ thống canh tác nông nghiệp, nhất là vùng trọng điểm lúa ở ĐBSCL. Tuy nhiên, để tồn tại và phát triển ngành nông nghiệp trong vùng sẽ phải từng bước thích nghi.

Nhiều nghiên cứu về biến đổi khí hậu được giới khoa học rất quan tâm - Ảnh: Viện Dragon - Mekong

Nhiều nghiên cứu về biến đổi khí hậu được giới khoa học rất quan tâm - Ảnh: Viện Dragon - Mekong

Theo định nghĩa từ Liên hợp quốc: Biến đổi khí hậu (BĐKH) phản ánh sự thay đổi dài hạn về nhiệt độ và các hiện tượng thời tiết. Những thay đổi này là tự nhiên, nhưng kể từ những năm 1800, tác động của con người là nguyên nhân chính gây ra BĐKH. Chủ yếu do đốt nhiên liệu hóa thạch (như than, dầu và khí đốt) tạo ra khí giữ nhiệt.

 Một trong những tác nhân gây ra biến đổi khí hậu - Ảnh: internet

Một trong những tác nhân gây ra biến đổi khí hậu - Ảnh: internet

Biến đổi khí hậu không chỉ gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa đá, hạn hán, lũ lụt... mà còn ảnh hưởng nặng nề đến lĩnh vực nông nghiệp như mất mùa, thiên tai, sâu bệnh phát triển... BĐKH sẽ tác động mạnh đến trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm giảm diện tích đất canh tác, lũ lụt, sạt lở đất, gây nhiều khó khăn cho sự phát triển của ngành nông nghiệp nói chung.

Làm gì để phát triển bền vững ĐBSCL được giới khoa học rất quan tâm - Ảnh: Văn Kim Khanh

Làm gì để phát triển bền vững ĐBSCL được giới khoa học rất quan tâm - Ảnh: Văn Kim Khanh

ĐBSCL là vùng đất nông nghiệp trù phú của thế giới. BĐKH sẽ có nhiều tác động lớn đến canh tác nông nghiệp. Trong khoảng 10 năm gần đây, vùng đất này đã chứng kiến xâm nhập mặn, hạn hán, nước biển dâng... Các đô thị ĐBSCL chứng kiến các đợt triều cường khủng khiếp, hiện tượng sạt lở đất...

Lũ ở TP.Cần Thơ tháng 10.2022 - Ảnh: Văn Kim Khanh

Lũ ở TP.Cần Thơ tháng 10.2022 - Ảnh: Văn Kim Khanh

Trước tình hình BĐKH của thế giới, tại Việt Nam các viện trường đã bắt tay nghiên cứu vấn đề lớn này. Trường Đại học Cần Thơ (CTU) và Viện Nghiên cứu BĐKH cũng đã nghiên cứu vấn đề này từ rất sớm.

Từ năm 2011 đến 2015, Viện nghiên cứu BĐKH – Trường Đại học Cần Thơ đã hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia thực hiện dự án “Ảnh hưởng của BĐKH đến sử dụng đất ở ĐBSCL. Sự thích ứng của các hệ thống canh tác trên nền lúa”- gọi tắt là Dự án CLUES.

Mục tiêu của dự án là nhằm tăng cường khả năng thích ứng của các hệ thống sản xuất lúa ở vùng ĐBSCL trong bối cảnh BĐKH và mực nước biển dâng. Dự án nhằm hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp kiến thức canh tác mới cho nông dân, cung cấp thông tin phục vụ cho công tác quản lý và hoạch định chính sách nông nghiệp của các cơ quan ban, ngành địa phương, hướng đến đảm bảo sản xuất nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực ở ĐBSCL.

Trong 10 năm qua, hạn hán, ngập mặn đe dọa nhiều tỉnh ĐBSCL - Ảnh; Internet

Trong 10 năm qua, hạn hán, ngập mặn đe dọa nhiều tỉnh ĐBSCL - Ảnh; Internet

Dự án CLUES chia thành nhiều hợp phần, được triển khai thực hiện cụ thể để đánh giá sự tổn thương và các tác động theo vùng ở ĐBSCL trước BĐKH. Cải thiện khả năng chịu mặn và ngập nước; khả năng phục hồi các giống lúa triển vọng thích nghi tại địa phương. Dự án còn đánh giá và xây dựng chiến lược tổng thể sử dụng đất thích ứng với BĐKH…

Dự án đã xem xét lại hầu hết các nghiên cứu gần đây về BĐKH, nước biển dâng ở khu vực ĐBSCL. Dự án cũng như xem xét tác động của BĐKH và thay đổi dòng chảy thượng nguồn trong tương lai, sự BĐKH làm tăng độ ngập và kéo dài thời gian ngập… Từ thực trạng trên, dự án và các nhà khoa học tìm các dòng lúa chịu mặn, chịu ngập, chịu phèn, chịu hạn… thích ứng với BĐKH khắc nghiệt trong tương lai. Hiện tại, một số giống lúa đã được dự án đưa về tại nhiều địa phương để trồng thử nghiệm.

Một đồng lúa ở Bạc Liêu vẫn xanh tốt dù BĐKH đang diễn ra - Ảnh: Văn Kim Khanh

Một đồng lúa ở Bạc Liêu vẫn xanh tốt dù BĐKH đang diễn ra - Ảnh: Văn Kim Khanh

Sau 8 năm dự án kết thúc, ảnh hưởng của dự án CLUES đối với canh tác nông nghiệp ĐBSCL đã có tác dụng rất tích cực. Dự án giúp cải thiện khả năng thích nghi ngập nước và chịu mặn của các giống lúa địa phương và các dòng cao sản. Quản lý tổng hợp nguồn tài nguyên và cây trồng thích ứng với sự thay đổi nhanh của môi trường. Phân tích hệ thống canh tác và các điều kiện kinh tế - xã hội tại các nông hộ sản xuất lúa. Xây dựng nguồn nhân lực đánh giá phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Dự án đã đem lại cho giới khoa học, lãnh đạo ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL và nông dân nhiều bài học. Từ đó tìm ra các khu vực có rủi ro cao chịu tác động của lũ và xâm nhập mặn (hot-spot) dưới tác động của lũ và xâm nhập mặn tại các vùng nghiên cứu của dự án CLUES: ngập sâu (An Giang), ngập trung bình trên đất phù sa (Cần Thơ), vùng ngập trung bình và bị nhiễm phèn (Hậu Giang) và vùng ngập cục bộ và mặn (Bạc Liêu). Nhóm nghiên cứu giống đã phát triển các giống lúa năng suất cao trong điều kiện ngập, úng và mặn bằng phương pháp lai ngược (backcross) cũng như lai truyền thống.

Hệ thống kênh rạch ĐBSCL giúp cho đồng lúa và vườn cây trong vùng ĐBSCL xanh tốt quanh năm - Ảnh: Văn Kim Khanh

Hệ thống kênh rạch ĐBSCL giúp cho đồng lúa và vườn cây trong vùng ĐBSCL xanh tốt quanh năm - Ảnh: Văn Kim Khanh

Cây màu ngắn ngày và giá trị cao cũng là một chọn lựa đa dạng hóa, có thể thay thế cho lúa vụ Hè Thu trong cơ cấu lúa. Cây màu ngắn ngày giúp tăng thu nhập cho nông dân và tránh được xâm nhập mặn trong mùa khô. Thêm vào đó, bón phân lân giảm so với hiện tại của nông dân đã được CLUES thử nghiệm tại các vùng nghiên cứu có thể giảm chi phí đầu vào của nông dân.

Các giống lúa chống chịu và kỹ thuật canh tác triển vọng đã được dự án CLUES thử nghiệm và đánh giá với sự tham gia của nông dân và cán bộ khuyến nông địa phương. Việc nhân rộng các kỹ thuật triển vọng này ở các tỉnh cần sự theo dõi và tham gia hiệu quả của các đơn vị địa phương chủ chốt, cộng đồng địa phương, kết hợp với các chương trình phát triển đang thực hiện ở địa phương.

Dự án đã thiết lập được mối liên hệ chắc chắn giữa các cơ quan nghiên cứu của Australia và Việt Nam. Mối quan hệ này đã kéo dài sau dự án cho đến hiện nay. Trong quá trình thảo luận tại hội thảo cuối kỳ có thể thấy dự án đã tăng cường mối quan hệ giữa các viện trường, cũng như là giữa các khoa của trường Đại học Cần Thơ.

Thông qua dự án này, 4 thành viên của CLUES đã tham gia học Tiến sĩ, 18 khóa luận Thạc sĩ tại CTU đã được tài trợ và hướng dẫn bởi các nhà khoa học trong dự án CLUES. Dự án đã chủ động chuyển tải thông tin tới cộng đồng khoa học thông qua các xuất bản nghiên cứu của dự án. Đến nay có 7 bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế có thẩm định và 22 bài báo đăng trên tạp chí tiếng Việt. Thêm vào đó, 10 bài báo khoa học được đăng ở hội nghị quốc tế...

Giảm tác hại của BĐKH đang là mục tiêu chung của các nước trên thế giới - Ảnh: internet

Giảm tác hại của BĐKH đang là mục tiêu chung của các nước trên thế giới - Ảnh: internet

Tiến sĩ Đinh Diệp Anh Tuấn cho biết, dự án nhắm đến nông dân nghèo tại 4 địa phương Bạc Liêu, An Giang, Hậu Giang và Cần Thơ nơi có nhiều hạn chế cho sản xuất như là mặn, phèn và ngập lũ. Hơn 3.960 nông dân được hưởng lợi từ các thử nghiệm giống lúa, và các thử nghiệm khác. Thông tin từ dự án chắc chắn sẽ tác động lên các nông dân khác ở các tỉnh lân cận thông qua các cơ hội để chia sẽ các thông tin. Như mô tả trong kết quả, dự án đã tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia vào tất cả các hợp phần trong dự án. Dự án đã tạo cơ hội cho 6 phụ nữ đạt chứng chỉ sau đại học trong và ngoài nước. Đã có khoảng 700 phụ nữ tham gia trong các thí nghiệm, các nghiên cứu đánh giá về giống cây trồng và quản lý tài nguyên thiên nhiên.

Dự án CLUES đã xây dựng và phát triển một hệ thống hỗ trợ ngành nông nghiệp trong vùng. Hệ thống này cho phép xác định các phương án sử dụng đất có triển vọng với các thông tin định lượng chi tiết. CLUES là dự án thiết thực, có tác dụng lâu dài với nông nghiệp BĐSCL trong điều kiện BĐKH và nước biển dâng.

Văn Kim Khanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/clues-du-an-thiet-thuc-cho-nong-nghiep-dbscl-192772.html