Có bóng hình cha mẹ trong thành công của con
Nuôi con cha mẹ nào cũng mong như vậy và hẳn rằng cha mẹ của em Nguyễn Thái Phương - sinh viên K15 Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, người vừa đạt Chứng chỉ Xuất sắc tại Kỳ thi tay nghề thế giới 2019 tại Kazan, Liên Bang Nga ở ngay lần đầu tiên Việt Nam đăng ký tham dự nghề thi này - cũng nghĩ như vậy khi ủng hộ Phương chọn con đường học nghề.
Thành công của chàng trai dũng cảm “rẽ ngang”
Sau những ngày tranh tài căng thẳng tại Kỳ thi tay nghề thế giới 2019 tại Kazan, Liên Bang Nga, đội tuyển Việt Nam đã về nước với thành tích xuất sắc nhất trong 7 lần tham dự Kỳ thi tay nghề thế giới.
Cụ thể, Việt Nam đã đạt 1 huy chương Bạc và 8 thí sinh thuộc 07/18 nghề dự thi đạt Chứng chỉ Xuất sắc. Đóng góp vào thành tích chung của Đội tuyển Việt Nam là em Nguyễn Thái Phương, sinh viên K15 Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, thí sinh dự thi nghề Công nghệ nước đã dành được Chứng chỉ Xuất sắc ở ngay lần đầu tiên Việt Nam đăng ký tham dự nghề thi này. Đây là chứng chỉ trao tặng cho thí sinh đạt tiêu chuẩn kỹ năng nghề ở đẳng cấp thế giới.
Ngoài dành được Chứng chỉ Xuất sắc, Phương còn được trao Giải thưởng Bền vững do Hội đồng đánh giá Nghề Công nghệ nước tại Kỳ thi trao tặng dựa trên kết quả đánh giá sử dụng nước, chất hóa học và xả rác thải trong suốt 4 ngày thi.
Đây là giải thưởng nhằm tôn vinh kỹ năng nghề xanh - một kỹ năng đang rất được chú trọng trong đào tạo nghề, đặc biệt ở các ngành liên quan đến nguồn tài nguyên quý giá như ngành công nghệ nước.
Để đến được với thành công hôm nay, có một điều ít ai biết là em Phương đã từng thi đỗ đại học nhưng em đã quyết tâm lựa chọn học nghề để lập nghiệp. Em mới tốt nghiệp khóa đầu tiên (2015-2018) Chương trình đào tạo thí điểm nghề “Kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải“ của Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II trong Chương trình hợp tác giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Chương trình Đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam (GIZ TVET Việt Nam).
Còn Phương, khi được hỏi về cảm xúc trong những ngày thi và sau khi biết kết quả thi, em chia sẻ: “Khi tới địa điểm thi, đặc biệt khi thấy một số thiết bị mới mà mình chưa được thực hành khi ở Việt Nam, em có bị choáng ngợp nhưng sau đó em bình tĩnh trở lại và cùng chuyên gia là thầy Nam bàn kỹ thuật làm bài cho mỗi phần thi.
Em nghĩ, mình cần tập trung, thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo. Giờ đây, em đang rất vui với kết quả đạt được, em muốn tặng giải thưởng này cho gia đình em, các thầy cô, bạn bè của Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, nhà tài trợ, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH và những người bạn quốc tế của em”.
Có thể nói thành tích của Phương tại Kỳ thi không chỉ ghi nhận sự thành công của chương trình đào tạo thí điểm có sự tham gia của doanh nghiệp theo tiêu chuẩn của Đức và chương trình hợp tác hiệu quả của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và GIZ TVET Việt Nam, mà còn một lần nữa là minh chứng thuyết phục cho câu nói “Học đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công” với tương lai cá nhân mỗi người và sự thấu hiểu, ủng hộ từ gia đình.
Cha mẹ tôn trọng ý kiến của con
Cũng như nhiều mối quan hệ khác trong gia đình, quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái đầu tiên và cơ bản nhất là sự thương yêu. Ngay từ khi người mẹ mang thai đứa con của mình, cội nguồn của tình yêu thương đã được nảy nở. Và gắn với quá trình mang thai, theo từng mốc phát triển của con, cha mẹ thêm gắn bó với mầm sống bé nhỏ, kết tinh của tình yêu ấy.
"Em bé sẽ thế nào, giống cha hay giống mẹ?", "Nên chọn lựa cho em bé sinh ở đâu? Cần phải chăm sóc như thế nào?", "Nên cho bú sữa mẹ đến bao nhiêu tháng? Ăn dặm từ tháng mấy?". Hàng trăm câu hỏi được đặt ra, được trao đổi giữa cha mẹ. Chính từ những sự chăm sóc, lo toan ấy là thể hiện tình yêu của cha mẹ với con.
Và khi đứa trẻ sinh ra, tình yêu lại lớn lên từng ngày. Cha mẹ có quyền yêu thương và cũng có nghĩa vụ thương yêu con. Con cái được kết tinh từ máu thịt của cha mẹ, được người mẹ mang nặng đẻ đau, được người cha chăm sóc, vỗ về, dạy dỗ. Văn hóa phương Đông gọi đây là công lao dưỡng dục và người con phải đáp đền lại công lao của cha mẹ. Cũng chính vì vậy, cha mẹ có quyền thương yêu con và không ai được tước đoạt đi quyền ấy.
Nhưng nghĩa vụ thương yêu con không có nghĩa là bao bọc, bảo vệ, hy sinh tất cả cho con. Thay vào đó, cha mẹ phải giáo dục, định hướng, tôn trọng cá tính, ý kiến của con trong quá trình nuôi dạy. Theo Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, pháp luật về trẻ em luôn nhấn mạnh quyền được tôn trọng, được lắng nghe ý kiến của các em bởi trẻ em có những mong muốn, nhu cầu riêng của mình và việc tôn trọng trẻ em sẽ giúp các em phát triển tự tin với cộng đồng và mọi người xung quanh.
Hay nói như ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH, để trẻ em có thể nói lên tiếng nói của mình ngay trong mỗi gia đình, người lớn cũng cần có kỹ năng lắng nghe. Thực hiện quyền tham gia của trẻ em trong gia đình không thể hình thức, mà cần gắn chặt với kỹ năng làm cha mẹ của các bậc phụ huynh.
Kỹ năng giáo dục, chăm sóc, bảo vệ trẻ em gắn với quyền tham gia của trẻ em, gắn với tôn trọng ý kiến trẻ em của cha mẹ. Họ cũng nên lắng nghe, trao đổi với trẻ em về tâm tư, nguyện vọng mong muốn để giải quyết các vấn đề của trẻ nói riêng và các vấn đề về mối quan hệ của các thành viên trong gia đình nói chung. Bởi đôi khi, trong cuộc sống bận rộn hiện nay, người ta quên mất phải hỏi ý kiến trẻ em.
Sự thật đằng sau những con số
Khảo sát do Cục Bảo vệ Chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, ở miền Nam có 77,4% cha mẹ lắng nghe con cái; 52% cha mẹ khuyến khích con cái có ý kiến; ở miền Bắc, tỷ lệ cha mẹ muốn nghe con cái nói là 42,6%, cha mẹ khuyến khích con cái nói là 40,1%. Tuy nhiên, đằng sau những con số này lại là sự thật khác.
Đó là cha mẹ ở phía Nam sẵn sàng nghe con cái nói nhưng chỉ nghe để đấy chứ không có hành động gì để thực hiện hay giúp đỡ nguyện vọng của con cái. Còn cha mẹ ở phía Bắc tuy tỷ lệ lắng nghe ít hơn nhưng việc lắng nghe thường đi đôi với chia sẻ, giúp đỡ.