Có cảm tưởng trong nước không hiểu đúng tầm vóc của Nguyễn Huy Thiệp

Kể chuyện người Pháp đánh giá cao Nguyễn Huy Thiệp thế nào cũng như phân tích giá trị văn chương, cái biệt tài của Nguyễn Huy Thiệp, nhà phê bình Thụy Khuê bày tỏ 'có cảm tưởng trong nước không hiểu Nguyễn Huy Thiệp với đúng tầm vóc của ông'.

Nhà nghiên cứu, phê bình Thụy Khuê, một người bạn rất thân thiết với Nguyễn Huy Thiệp và có công lớn giới thiệu Nguyễn Huy Thiệp ra quốc tế, đặc biệt là ở Pháp, vừa có buổi trò chuyện về Nguyễn Huy Thiệp sáng 25.2 tại chính Không gian Nguyễn Huy Thiệp được nâng cấp từ ngôi nhà xưa của cố nhà văn ở Hà Nội. Không gian đang dần được hai con trai của cố nhà văn hoàn thiện.

Lần về nước này, ở tuổi 80, bà Thụy Khuê trao tặng gia đình nhiều tư liệu quý về Nguyễn Huy Thiệp mà bà lưu trữ rất cẩn thận trong 30 năm tình bạn giữa nhà văn tài năng và nhà phê bình tinh tường.

Nhà phê bình Thụy Khuê (giữa) cùng hai nhà phê bình Ngô Văn Giá (trái), Phạm Xuân Nguyên (phải) trong buổi trò chuyện về Nguyễn Huy Thiệp tại Không gian Nguyễn Huy Thiệp đang hoàn thiện. Ảnh: Hoàng Hương

Nhà phê bình Thụy Khuê (giữa) cùng hai nhà phê bình Ngô Văn Giá (trái), Phạm Xuân Nguyên (phải) trong buổi trò chuyện về Nguyễn Huy Thiệp tại Không gian Nguyễn Huy Thiệp đang hoàn thiện. Ảnh: Hoàng Hương

Người Pháp đánh giá cao Nguyễn Huy Thiệp

Nguyễn Huy Thiệp được dịch ở Pháp nhiều nhất. Tuyển tập 45 truyện ngắn đặc sắc nhất của Nguyễn Huy Thiệp đã được dịch trong tuyển tập tại Pháp. Ông cũng là nhà văn Việt Nam duy nhất được phát hành sách bỏ túi ở Pháp. Có nghĩa sách của ông có nhiều bạn đọc, tên tuổi của ông phổ biến ở Pháp.

Nguyễn Huy Thiệp đã thả hai “quả bom” ở Pháp. Lần thứ nhất là năm 1990, khi Tướng về hưu được dịch và phát hành ở Pháp.

Lần thứ hai là năm 2005, khi tiểu thuyết Tuổi 20 yêu dấu được dịch và xuất bản tại Pháp. Trái với dư luận trong nước nhiều người không thích tiểu thuyết của Nguyễn Huy Thiệp và cho ông không thành công ở thể loại tiểu thuyết. Nhưng khi ông chuyển hướng sang viết tiểu thuyết thì người Pháp vẫn tiếp đón nhận ông nồng nhiệt không kém khi Tướng về hưu ra mắt ở đất nước này. Nhà xuất bản Aube đã không ngừng hoàn chỉnh, tái bản cuốn tiểu thuyết.

Những tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp được in dạng sách bỏ túi ở Pháp. Ảnh: Hoàng Hương

Những tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp được in dạng sách bỏ túi ở Pháp. Ảnh: Hoàng Hương

Ở Pháp không chỉ dịch và xuất bản văn của Nguyễn Huy Thiệp mà họ còn chiếu phim chuyển thể từ truyện ngắn của ông (Những người thợ xẻ của đạo diễn Vương Đức), dựng kịch…

Mỗi lần Nguyễn Huy Thiệp sang Pháp thì nhiều tờ báo phỏng vấn viết về ông, từ những báo lớn nhất như Le monde, Libération, le Nouvel Observateur đến những báo ít nổi tiếng hơn. Nhà báo kỳ cựu Jean Lacouture, một tên tuổi lớn ở Pháp, đã từng nhiều lần phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Phạm Văn Đồng, cũng tìm phỏng vấn Nguyễn Huy Thiệp. Giống như trong viết văn, khi trả lời báo chí Nguyễn Huy Thiệp rất thông minh và thâm thúy, nói đa nghĩa khiến nhiều khi người dịch không biết phải dịch thế nào mới truyền tải được hết nghĩa.

Khi Nguyễn Huy Thiệp sang Pháp thường ở nhà bà Thụy Khuê nên bà có dịp chứng kiến nhiều nhà văn Pháp tìm đến gặp, trò chuyện với Nguyễn Huy Thiệp, trong đó có cả nhà văn được giải Goncourt. Những cuộc trò chuyện cho thấy họ kính trọng Nguyễn Huy Thiệp như một nhà văn lớn của nhân loại.

Bà Thụy Khuê giới thiệu về bức Ký họa Nguyễn Huy Thiệp ký họa dịch giả trẻ đã dịch Tuổi 20 yêu dấu ra tiếng Pháp, được bà tặng lại cho gia đình nhà văn. Ảnh: Hoàng Hương

“Chúng ta còn đang nợ Nguyễn Huy Thiệp”

Nhà phê bình Thụy Khuê cũng thử lý giải tại sao người Pháp quý trọng Nguyễn Huy Thiệp như vậy. Theo bà, lý do là vì họ trọng giá trị văn học của Nguyễn Huy Thiệp. Giá trị ấy nằm ở chữ của ông. Chữ ấy được thể hiện qua đối thoại trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp. Có thể coi ông là kịch tác gia vì thế.

Người ta yêu Nguyễn Huy Thiệp còn bởi xã hội mà ông đưa ra trong các tác phẩm văn chương rất tàn nhẫn nhưng nó lại cũng rất nhân đạo. Kịch Quỷ ở với người phóng tác từ truyện ngắn Không có vua khi được dịch sang tiếng Pháp thì đài phát thanh văn hóa của Pháp đã dựng kịch, rất hay. Bà Thụy Khuê nghe cũng giật mình.

Đĩa Nguyễn Huy Thiệp vẽ lại chân dung Thụy Khuê thời trẻ do họa sĩ Lê Thị Lựu vẽ, nay bà Thụy Khuê tặng lại cho Không gian Nguyễn Huy Thiệp. Ảnh: Hoàng Hương

Đĩa Nguyễn Huy Thiệp vẽ lại chân dung Thụy Khuê thời trẻ do họa sĩ Lê Thị Lựu vẽ, nay bà Thụy Khuê tặng lại cho Không gian Nguyễn Huy Thiệp. Ảnh: Hoàng Hương

Độc giả quốc tế nói chung và độc giả Pháp nói riêng thích Nguyễn Huy Thiệp bởi văn chương của ông có tính nhân loại. “Nguyễn Huy Thiệp viết về xã hội Việt Nam thời ông sống một cách rất sâu sắc, nhưng nó cũng là bi kịch của con người nói chung. Dân tộc nào đọc mà hiểu được thì cũng thấy truyện của Nguyễn Huy Thiệp ghê gớm quá… Mỗi chỗ ông châm ngòi bút vào đều đau, đều ghê gớm, đều đáng cho mình đọc. Với một số chữ cực tiểu ông làm được một điều cực đại”, bà Thụy Khuê nói.

Bà cho biết đã đọc khá nhiều nhưng chưa từng thấy tác giả nào có thể mô tả sự tan nát của một gia đình, sự tan nát của một xã hội lại sâu sắc mà chỉ bằng một số chữ ngắn ngủi như Nguyễn Huy Thiệp. Mỗi nhân vật trong Không có vua là một vũ trụ riêng nhưng ông có thể tóm gọn nhiều vũ trụ ấy chỉ trong ít trang giấy.

Nhà Phê bình Thụy Khuê tặng lại một valy tài liệu về Nguyễn Huy Thiệp bà tập hợp, lưu giữ 30 năm. Ảnh: Hoàng Hương

Nhà Phê bình Thụy Khuê tặng lại một valy tài liệu về Nguyễn Huy Thiệp bà tập hợp, lưu giữ 30 năm. Ảnh: Hoàng Hương

Khẳng định giá trị văn chương của Nguyễn Huy Thiệp, bà Thụy Khuê bày tỏ suy nghĩ bà “có cảm tưởng trong nước không hiểu Nguyễn Huy Thiệp với đúng tầm vóc của ông”.

Nhà phê bình Văn Giá cũng đồng tình điều này. Ông bảo, bằng chuyên môn của mình, ông hoàn toàn tin tưởng Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn lớn của đất nước. Văn chương của ông có khả năng đục thủng các biên giới địa lý và văn hóa để đi ra quốc tế. Không phải vô cớ mà Pháp dịch Nguyễn Huy Thiệp rất nhiều. Còn trong nước dường như chưa đánh giá đúng tầm vóc của ông. “Chúng ta còn đang nợ Nguyễn Huy Thiệp”, ông Giá nói.

Nguyễn Huy Thiệp không phải là nhà văn phản kháng

Bà Thụy Khuê cho biết việc dịch Nguyễn Huy Thiệp sang tiếng Anh hạn chế hơn những bản dịch tiếng Pháp. Bà kể có lần Nguyễn Huy Thiệp đã trò chuyện với bà bày tỏ ông không hài lòng với các bản dịch tiếng Anh các tác phẩm của ông. Vì dịch giả đã trình bày Nguyễn Huy Thiệp như một nhà văn phản kháng nhưng Nguyễn Huy Thiệp muốn được coi mình chỉ là nhà văn đúng nghĩa chung của từ này.

“Coi Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn phản kháng là quây tròn ông lại trong một vòng rất nhỏ bé trong khi địa bàn tư tưởng của ông ấy rộng lớn hơn nhiều… Dương Thu Hương nổi tiếng là một nhà văn phản kháng còn Nguyễn Huy Thiệp khác, đọc ông khó và dịch ông còn khó hơn. Bởi văn Nguyễn Huy Thiệp, tả một cách nôm na là thứ văn ghềnh thác, khúc khuỷu, luôn có những ẩn dụ giấu bên trong”, nhà phê bình Thụy Khuê nói.

Hoàng Hương

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/co-cam-tuong-trong-nuoc-khong-hieu-dung-tam-voc-cua-nguyen-huy-thiep-42746.html