Cơ chế nào cho Đầm Ròn

Là 'rốn nghèo' của Đam Rông, việc 'thức dậy' Đầm Ròn là trăn trở của địa phương này. Bởi khi Đầm Ròn đi lên nghĩa là Đam Rông đã tiến một bước dài trong nỗ lực phát triển. Và có lẽ cần một 'cơ chế' riêng, cứng rắn và phù hợp để đánh thức mảnh đất này.

Khơi dậy được sự nỗ lực của chính người dân đó mới chính là thành công ở Đầm Ròn

Khơi dậy được sự nỗ lực của chính người dân đó mới chính là thành công ở Đầm Ròn

Đầm Ròn là tên gọi chung cho khu vực gồm ba xã Đạ M’Rông, Đạ Tông và Đạ Long. Hơn 90% dân số nơi này là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Người K’Ho và người M’Nông quần cư hòa thuận, họ sống chủ yếu bằng nghề nông và nhận giao khoán, quản lý, bảo vệ rừng. Đây là khu vực có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất ở huyện Đam Rông. Đầm Ròn chưa đổi thay đồng nghĩa với việc con đường phát triển của Đam Rông còn nhiều gian khó.

Suốt nhiều năm qua, một hệ thống chính sách đã được ban hành, nguồn lực bố trí thực hiện cũng không hề nhỏ nên đường đến Đầm Ròn giờ đã không còn xa, điện sáng, trường học khang trang… đã hiện diện đủ đầy trên mảnh đất này. Nhưng cái nghèo thì vẫn còn dai dẳng. Không ai xa lạ, có chính người Đầm Ròn còn nói rằng “nguồn vốn Nhà nước đổ về từ các chương trình đã làm cho bộ mặt của xã thật sự thay đổi, nhưng đời sống người dân vẫn còn bấp bênh lắm”. Cộng đồng dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên đã thay đổi tư duy, chịu khó làm ăn, hăng say lao động sản xuất nhưng một bộ phận không nhỏ người Đầm Ròn vẫn cố hữu suy nghĩ “đói thì vào rừng, bắt cá dưới suối, bắt thú, hái rau”…

Chính lãnh đạo địa phương này cũng nhận định, thay đổi bộ mặt nông thôn, hạ tầng cơ sở thì dễ, nhưng để thay đổi tư duy thì rất khó. Minh chứng rõ ràng là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được thực hiện xuyên suốt nhiều năm qua đã góp phần ổn định, đảm bảo an sinh xã hội ở Đầm Ròn, song từ đây một bộ phận người dân lại suy nghĩ “đói, khổ có Nhà nước lo”. Và cứ thế mùa cà phê chín đỏ, mùa lau sậy trổ bông, trên con đường dẫn vào Đầm Ròn sẽ dễ thấy những đứa trẻ bỏ học, vì chúng nghĩ đi học đâu có nhiều tiền bằng ngày công hái thuê cà phê, lấy đót về làm chổi. Và ám ảnh hơn có lẽ là hình ảnh, một hội trường chật kín người, một dãy dài những chiếc gùi được xếp san sát nhau để chờ đợi những phần quà khi bà con nghe nói có đoàn từ thiện về.

Từ thiện, nhân đạo, hỗ trợ... là sự quan tâm sẻ chia cần thiết nhưng nó không đủ sức để đẩy lùi cái nghèo. Thậm chí có trường hợp có suy nghĩ cho rằng, người ta có nghĩa vụ “cho” Đầm Ròn và còn xuất hiện cả sự so bì đoàn cho ít, đoàn cho nhiều. Bởi vậy giải pháp duy nhất để giảm nghèo chỉ có cách khơi dậy nội lực. Khơi dậy và bảo vệ tính tự lực, ấy là vai trò của cấp ủy, chính quyền để bà con hiểu, không làm thì ko có ăn, cuộc sống là của mình, do mình, không dựa vào hay đợi chờ một ai, một chính sách nào. Mà sự hỗ trợ có chăng chỉ làm cho hành trình nỗ lực ấy ngắn hơn, thuận lợi hơn.

Một nguồn Ngân sách lớn được sử dụng để thực hiện các chương trình, dự án, đề án nhằm đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững ở Đầm Ròn. Nhưng do hầu hết các chính sách mới chỉ tiếp cận ở góc độ hỗ trợ nên kết quả giảm nghèo còn thiếu bền vững. Đặc biệt, tình trạng đầu tư, hỗ trợ dàn trải khiến nguồn lực vốn đã eo hẹp càng bị lãng phí hơn khiến mục tiêu giảm nghèo bền vững của các chương trình, chính sách tỏ ra “hụt hơi” trong thực tế. Bởi vậy, kết quả giảm nghèo chưa được như mong muốn, giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ tái nghèo còn cao. Vấn đề ngoài những nguyên nhân chủ quan như điều kiện tự nhiên không thuận lợi, phong tục, tập quán… còn có một phần nguyên nhân khách quan từ cách thức thực hiện công tác giảm nghèo.

Thực tiễn cho thấy, việc đầu tư và thực hiện công tác giảm nghèo ở khu vực này cần có sự thay đổi sát thực tế hơn. Không cần phải tăng nguồn vốn, cũng không hẳn dành toàn lực để tập trung vào cơ sở hạ tầng mà cần thay đổi cơ chế đầu tư, thay đổi tư tưởng đội ngũ cán bộ. Nghĩa là không chọn giải pháp cào bằng, dàn trải để dần chấm dứt tư tưởng “đến hẹn lại lên” và tư duy cần “cảm thông”, cần “hỗ trợ” và được “bảo trợ”, được “nhận” của bà con.

Việc chăm lo cho hộ nghèo vẫn được tiến hành song nên dừng lại ở mức an sinh. Nguồn vốn đầu tư hộ nghèo cần có sự chọn lọc, hướng tới đầu tư cho người đồng bào DTTS tiến bộ, có ý chí và chăm lao động. Bởi nguồn đầu tư vào bộ phận người dân này sẽ hiệu quả là điều chắc chắn. Còn nếu đầu tư dàn trải thì sẽ lãng phí nguồn lực ở những bộ phận cá biệt. Để làm được điều này, trong thực hiện đầu tư cho các hộ nghèo, khâu bình xét, chọn hộ phải thực hiện đúng và chặt chẽ, không cố “giải ngân bằng hết”. Sự đầu tư của Nhà nước phải đi song song với sự đối ứng từ Nhân dân. Hay nói cách khác, giải ngân phải chủ động và có điều kiện với bà con. Chính quyền và người dân trên tinh thần phối hợp để đạt được mục tiêu chung. Và chính bộ phận được lựa chọn đầu tư sẽ là minh chứng sống, dẫn dắt và tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Khi sự học hỏi, nỗ lực, cạnh tranh tích cực xuất hiện, đó cũng là nền tảng vững chắc của sự đi lên.

Đã đến lúc vùng Đầm Ròn cần có những thay đổi căn cơ. Nó không thể chỉ là sự chắp vá mà nơi này cần sự thay đổi đồng bộ và quyết liệt. Không thỏa hiệp để đổi lấy sự ổn định. Vì ổn định ở một thời điểm nhưng sẽ phải trả giá trong thời gian dài. Chỉ khi nào làm cho người dân chủ động vươn lên thì khi đó mới chính là thành công ở Đầm Ròn.

NGỌC NGÀ

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202203/co-che-nao-cho-dam-ron-3106067/