Cô dâu Việt kết hợp mâm tráp ăn hỏi và nghệ thuật gói quà Bojagi của Hàn Quốc
Một cô dâu Việt Nam đã quyết định tự tạo cho mình một bộ tráp độc bản trong lễ ăn hỏi khi kết hợp mâm tráp của Việt Nam và nghệ thuật gói quà Bojagi của Hàn Quốc.
Từ hàng nghìn năm trước, nếu người Ai Cập cổ đại dùng vải phủ sáp ong để bọc và bảo quản thực phẩm; người Nhật Bản dùng vải vuông truyền thống Furoshiki để gói đồ; người Việt Nam có tay nải để chứa các đồ vật mang theo người thì người Hàn Quốc có Bojagi.
Vậy Bojagi là gì?
Lịch sử của vải bojagi có từ thời Triều đại Goryeo (918-1392), khi nó được sử dụng cho nhiều mục đích thiết thực, bao gồm lưu trữ và vận chuyển thực phẩm và các hàng hóa khác.
Ban đầu, những tấm vải này được làm từ những mảnh vải vụn. Đó cũng là sự phản ánh cách tiếp cận sáng tạo và tiết kiệm trong việc sử dụng vải của người Hàn Quốc.
Trong thời kỳ Triều đại Joseon (1392-1910), bojagi trở nên tinh xảo hơn, phát triển thành biểu tượng của địa vị và sự tinh tế. Sự ra đời của các kỹ thuật khâu phức tạp và màu sắc rực rỡ đã biến Bojagi thành một loại hình nghệ thuật.
Nghề thủ công liên quan đến việc làm Bojagi được tôn vinh và trở thành một khía cạnh quan trọng trong đời sống của người phụ nữ Hàn Quốc.
Bojagi cũng đóng vai trò quan trọng trong các nghi lễ và phong tục của xã hội. Ví dụ, trong lễ cưới truyền thống của Hàn Quốc, Bojagi được dùng để gói đồ đạc của cô dâu, tượng trưng cho sự chuyển đổi của cô sang một cuộc sống mới.
Những tập tục này làm nổi bật sự hòa nhập của Bojagi vào cuộc sống hằng ngày và các sự kiện quan trọng.
Thu Hường, một cô dâu Việt Nam, đã có ý tưởng táo bạo khi muốn kết hợp các mâm tráp ăn hỏi của Việt Nam với nghệ thuật Bojagi của Hàn Quốc.
Sự giao thoa văn hóa
Hường chia sẻ vì chú rể là người Hàn Quốc nên Hường muốn làm điều gì đó để gắn kết văn hóa hai nước. Sau rất nhiều ngày suy nghĩ, Hường đã quyết định tự tạo cho mình một bộ tráp lễ ăn hỏi độc bản: kết hợp mâm tráp của Việt Nam và nghệ thuật Bojagi của Hàn Quốc.
Bojagi không chỉ là một mảnh vải, nó đại diện cho các giá trị và phong tục của văn hóa Hàn Quốc.
Hường cho biết theo truyền thống của người Hàn Quốc, hành động gói quà bằng Bojagi mang nhiều ý nghĩa, tượng trưng cho sự quan tâm và tôn trọng người nhận. Cho dù được sử dụng để gói quà tặng, gói thực phẩm hay các vật dụng hàng ngày, mỗi tấm vải đều truyền tải thông điệp về tình yêu thương sâu sắc, khiến nó trở thành một phần không thể thiếu trong các mối quan hệ xã hội và gia đình của người Hàn Quốc.
Do đó, từ xa xưa, Bojagi đã được sử dụng trong các sự kiện quan trọng của cuộc sống, bao gồm đám cưới, sinh nhật và các nghi lễ khác, củng cố mối liên hệ tình cảm giữa các cá nhân.
Trong lễ ăn hỏi của mình, Hường kết hợp các sản vật trong lễ cưới truyền thống của Việt Nam (như trầu cau, bánh Trung Thu, bánh phu thê, mứt sen) và Hàn Quốc (như rượu thuốc, hồng khô nấm quý, nhân sâm...) trong 3 tráp tròn và 6 tráp vuông.
Giải thích về sự kết hợp các mâm tráp vuông tròn của Việt Nam với Bojagi, Hường cho biết "vuông tròn" là một hình ảnh biểu trưng trong văn hóa Việt Nam, mang ý nghĩa hòa hợp, hoàn mỹ và viên mãn. Khi hai yếu tố vuông-tròn kết hợp, chúng thể hiện sự hoàn thiện và cân bằng giữa âm dương, đất trời và con người. Trong các dịp quan trọng như lễ cưới, "vuông tròn" còn mang ý nghĩa hạnh phúc, đầy đủ, và gắn liền với mong ước cho một cuộc sống gia đình hòa hợp, viên mãn.
Hường chia sẻ các mâm tráp của Việt Nam thông thường được để mở, tuy nhiên các món quà bọc Bojagi thường mang ý nghĩa gói ghém may mắn. Do đó, để hòa hợp giữa hai văn hóa, Hường kết hợp mâm tráp mở (tráp hoa quả; nhân sâm; trầu cau) và mâm tráp đóng (tráp nấm quý; rượu thuốc; bánh phu thê; bánh Trung Thu).
Khi toàn cầu hóa và giao lưu văn hóa phát triển mạnh mẽ, tầm quan trọng của Bojagi đã vượt ra khỏi ranh giới truyền thống.
Từ truyền thống đến xu hướng
Tính thẩm mỹ và bền vững được thể hiện cực kỳ hoàn hảo trong Bojagi khiến loại hình nghệ thuật này hồi sinh.
Bằng chứng là trong những năm gần đây, Bojagi đã thu hút sự quan tâm của các nhà thiết kế, nghệ sỹ và người tiêu dùng - những người quan tâm đến bảo vệ môi trường trên toàn cầu.
Bằng cách thay thế giấy gói và túi nhựa dùng một lần, Bojagi có thể tái sử dụng khiến nhiều người hào hứng khi thực hiện lối sống có trách nhiệm hơn với môi trường.
Thêm vào đó, sự chuyển dịch sang chủ nghĩa tối giản đã đưa đẩy Bojagi vào cuộc sống hiện đại như một sự thay thế linh hoạt và có ý nghĩa cho các vật liệu gói thông thường.
Các nghệ nhân đương đại đã ứng dụng Bojagi vào các phụ kiện thời trang như túi xách, khăn quàng và các vật dụng trang trí nhà cửa như khăn trải bàn và đồ treo tường.
Hơn nữa, sự phát triển của các nền tảng truyền thông xã hội khiến Bojagi trở nên phổ biến hơn ngoài Hàn Quốc, truyền cảm hứng cho nhiều người hơn./.