Cô giáo bị học sinh ném dép: Thách thức lớn của ngành giáo dục
Vụ việc nhốt cô giáo, ném dép như trong video này cho thấy 'sự bất ổn' của văn hóa học đường. Ở đó, tình trạng bạo lực học đường đã và đang trở thành thách thức rất lớn trong quá trình xây dựng môi trường văn hóa học đường lành mạnh của ngành giáo dục
Khi xem đoạn video ghi lại cảnh "Một cô giáo bị nhiều học sinh nhốt trong lớp học, ép vào tường và ném dép vào người khiến cô ngã ra sàn", lòng tôi đau thắt.
Cũng là người làm nghề dạy học, tôi thiết nghĩ sự việc như một giọt nước tràn ly, làm tan vỡ mối quan hệ thầy- trò.
Cuộc sống hiện đại có nhiều thay đổi, nhu cầu dạy và học cũng cần vận hành phù hợp với yêu cầu. Giáo dục thời nay khác xa ngày xưa. Câu nói "Tiên học lễ, hậu học văn" vẫn còn đó nhưng muốn giữ vững, không hề dễ dàng, đơn giản.
Chưa luận bàn đến chuyện ai đúng ai sai ở đây. Điều đó sẽ được các bên liên quan và cơ quan chức năng làm rõ. Cái tôi quan tâm chính là cách dạy và cách học của cả giáo viên và học sinh trong đoạn video.
Hơn10 năm đứng lớp, tôi cũng đối diện với nhiều trường hợp lớp học yếu, có nhiều học sinh cá biệt. Thật sự khó xử lắm.
Về nguyên tắc, để giải quyết tình huống trên, giáo viên sẽ dựa trên các cơ sở khoa học. Đó là hệ thống kiến thức về đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, quy định và quy trình xử lý.
Đặc biệt, giáo viên phải có năng lực xử lý tình huống sư phạm cùng hệ thống các kỹ năng khác để nhận diện tình huống, lựa chọn phương án, bình tĩnh, quan tâm, tôn trọng, lắng nghe, làm sáng tỏ các nguyên nhân.
Nguyên tắc, quy trình là vậy. Thực tế, những vụ việc thầy bạo hành trò xảy ra vừa qua cho thấy đa số người thầy vi phạm gần như mất kiểm soát trước các tình huống khó.
Đối diện với học sinh chây lười, quậy phá, vô lễ…, đặc biệt là những em thường xuyên vi phạm, người thầy có khuynh hướng nôn nóng, sốt ruột, thiếu kiềm chế, từ đó xuống tay bạo hành.
Nhưng dù lý do, hoàn cảnh nào, việc sử dụng hành vi bạo lực với học sinh là không được phép. Trong video, cô giáo đuổi đánh học sinh là đi ngược với phương pháp sư phạm.
Bởi những hành động như vậy đều có thể tác động tiêu cực đến tâm lý, sức khỏe và sự phát triển nhân cách của học sinh.
Không ít trường hợp, học trò nhận bạo lực từ người thầy sẽ mất hứng thú đến trường. Thậm chí hình thành tư tưởng tiêu cực như chống đối, bất mãn, trầm cảm…
Học sinh ngày nay thông minh, hiếu động hơn trước rất nhiều. Trong đó có một số em quậy phá, xem thường thầy cô. Không chỉ thế, một số em không thiết tha với học tập.
Nhiều học sinh được thầy cô gọi lên trả bài thì nói gọn lỏn: "Không thuộc". Có em còn thách thức "thích cho bao nhiêu điểm thì cho". Khi kiểm tra có em sẵn sàng nộp giấy trắng.
Những trường hợp như thế, nếu giáo viên không kiềm chế, rất dễ xảy ra hành động mất kiểm soát…
Để giáo dục phát triển, trường học thực sự là môi trường sư phạm mẫu mực, cần sự chung tay của cả giáo viên, phụ huynh và nhà quản lý.
Thầy cô cần linh hoạt trong phương pháp giáo dục, phụ huynh cần có cái nhìn thông cảm, sẻ chia với thầy cô. Nếu người lớn "ăn thua" với nhau thì người chịu thua thiệt nhất sẽ là học sinh.
Quan trọng, mấu chốt trong nghệ thuật sư phạm của giáo viên chính là tình thương yêu đối với học trò.
Môi trường học tập trong trường học thúc đẩy sự tôn trọng, sự an toàn và sự phát triển cá nhân của tất cả học sinh. Những vụ việc như trong video này cho thấy "sự bất ổn" của văn hóa học đường.
Ở đó, tình trạng bạo lực học đường đã và đang trở thành thách thức rất lớn trong quá trình xây dựng môi trường văn hóa học đường lành mạnh, thân thiện.
Nghề giáo là một nghề có nhiều nét đặc thù, giáo viên tốt không chỉ cần có năng lực chuyên môn mà còn cần có nghệ thuật sư phạm, sự khéo léo, linh hoạt.
Giáo dục mang sứ mạng giúp con người tốt đẹp, hiểu biết và yêu thương nhiều hơn. Nên chăng, chúng ta chú trọng việc giáo dục các giới hạn xã hội cho trẻ ở tất cả các cấp học.
Ngay cả khi thực thi kỷ luật, cũng nên đặt mục tiêu giáo dục lên trên sự trừng phạt. Bởi vì trừng phạt không giúp người ta hiểu rõ về tác hại của hành vi sai phạm, đôi khi lại làm dày thêm tâm lý hận thù.