Cơ hội cho sinh viên ngành Thiết kế mang hình ảnh áo dài Việt Nam ra thế giới

Cuộc vận động thiết kế áo dài, với chủ đề 'Áo dài ra thế giới', do Sở Du lịch TP. HCM phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. HCM tổ chức vừa chính thức khởi động.

Cuộc vận động nằm trong chương trình Lễ hội Áo dài TP. HCM lần thứ 8, năm 2022, diễn ra từ tháng Ba đến ngày 15/4/2022.

Cuộc vận động thiết kế áo dài, với chủ đề “Áo dài ra thế giới”, được tổ chức nhằm khơi nguồn cảm hứng sáng tạo về áo dài, tăng cường quảng bá rộng rãi và tôn vinh áo dài Việt Nam, nâng tầm vị thế và ý nghĩa áo dài - nét đẹp văn hóa của Việt Nam trong đời sống xã hội của người dân cả nước và trên thị trường quốc tế, qua đó lan tỏa tình yêu đối với chiếc áo dài truyền thống của giới trẻ. Bên cạnh đó, cuộc vận động góp phần xây dựng và đa dạng hóa nguồn tư liệu về áo dài để góp phần đưa áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Cuộc vận động thiết kế áo dài chủ đề “Áo dài ra thế giới” diễn ra từ tháng 3/2022 đến tháng 4/2022 trên phạm vi cả nước sẽ là một sân chơi để các nhà thiết kế thời trang trẻ, các sinh viên ngành Thiết kế tại các trường đại học, cao đẳng... trên địa bàn TP. HCM và các tỉnh, thành trong cả nước thể hiện tài năng, phát huy sự sáng tạo và truyền cảm hứng về tình yêu dành cho chiếc áo dài Việt Nam.

Với các tiêu chí do Ban Tổ chức đề ra, các tác phẩm dự thi sẽ chú trọng đến kiểu dáng, họa tiết tinh tế và sang trọng, được cách điệu đầy mới lạ, sáng tạo, thể hiện nét cá tính độc đáo nhưng vẫn lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống và thuần phong mỹ tục của dân tộc. Tác giả sẽ khéo léo thổi hồn vào các thiết kế áo dài những nét đặc trưng về đất nước, con người Việt Nam, góp phần đưa áo dài tung bay trên các đấu trường sắc đẹp quốc tế, trở thành di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, sánh bước với các quốc phục truyền thống khác trên thế giới.

Một mẫu áo dài được thiết kế bởi Nhà thiết kế trẻ Huy Doãn. (Ảnh: Hồng Nguyễn)

Một mẫu áo dài được thiết kế bởi Nhà thiết kế trẻ Huy Doãn. (Ảnh: Hồng Nguyễn)

Bên cạnh đó, việc khuyến khích sử dụng các chất liệu truyền thống như: tơ, lụa, thổ cẩm, các kỹ thuật thêu đính thủ công… cũng góp phần bảo tồn các làng nghề thủ công truyền thống, mang đến sự quyến rũ, tự tin và thân thiện của người phụ nữ Việt Nam.

Các tác phẩm gửi tham gia dự thi phải là bản gốc và do chính tác giả thực hiện; các tác phẩm chưa từng tham dự trong các cuộc thi về sáng tạo và thiết kế áo dài trong và ngoài nước. Mỗi tác giả gửi tham dự tối thiểu 5 tác phẩm.

Về thể loại tác phẩm, Ban Tổ chức yêu cầu bản thảo thiết kế trang phục áo dài phải đảm bảo vừa mang tính hiện đại, vừa thể hiện được bản sắc, nét đẹp truyền thống của áo dài Việt Nam. Các kiểu dáng phù hợp với văn hóa và thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, tác phẩm phải thể hiện các nét đặc trưng, giá trị văn hóa của Việt Nam (các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, các di sản của Việt Nam, các danh lam thắng cảnh, nét độc đáo của văn hóa các dân tộc Việt Nam…), khuyến khích sử dụng các chất liệu truyền thống như: tơ, lụa, thổ cẩm, các kỹ thuật thêu đính thủ công…

Ngoài ra, tác phẩm cũng phải thể hiện sự quyến rũ, tự tin, thân thiện của người phụ nữ Việt Nam, trong đó chú trọng đến kiểu dáng, in, vẽ họa tiết hoa lá nhẹ nhàng, thanh lịch, tinh tế và sang trọng cách điệu trên tà áo dài. Các chi tiết, họa tiết hoa cách điệu đính kèm trên cổ áo, vai, tay áo... phải thể hiện một cách ấn tượng.

Ban Tổ chức sẽ công bố tác phẩm được lựa chọn và liên hệ trực tiếp để tác giả tiếp tục thực hiện mẫu thật vào ngày 4/4. Sau đó, tác giả thực hiện mẫu thật trên chất liệu vải từ ngày 4 - 12/4 và gửi về Ban Tổ chức trước ngày 14/4 để công bố và trình diễn tại chương trình chung kết cuộc thi Duyên dáng Áo dài TP. HCM, diễn ra vào ngày 15/4.

Địa chỉ nhận tác phẩm: Nhà Văn hóa Thanh niên, số 4 Phạm Ngọc Thạch, P. Bến Nghé, Q. 1, TP. HCM.

Hà Chi

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/co-hoi-cho-sinh-vien-nganh-thiet-ke-mang-hinh-anh-ao-dai-viet-nam-ra-the-gioi-post1423891.tpo