Cơ hội của ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam

Thị trường hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) là thị trường mà Việt Nam có thế mạnh. Năm 2024, ước tính thị trường toàn cầu có giá trị tới 1.107 tỉ USD. Đây là cơ hội lớn của Việt Nam khi cả nước có tới 5.400 làng nghề và làng nghề truyền thống.

Một góc trưng bày mẫu thiết kế sản phẩm TCMN tại Điểm trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP Thủ đô Hà Nội.

Một góc trưng bày mẫu thiết kế sản phẩm TCMN tại Điểm trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP Thủ đô Hà Nội.

Với bản tính cần cù, chịu khó và sự khéo léo của các nghệ nhân, từ lâu, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ luôn là một thế mạnh của Việt Nam. Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước có hơn 5.400 làng nghề và làng nghề truyền thống. Các làng nghề thuộc nhiều nhóm ngành khác nhau, cho ra đời những dòng sản phẩm phong phú, đa dạng như: mây tre đan, gốm sứ, thêu dệt, đúc đồng, trạm khắc gỗ, trang sức, đá quý...

Tính riêng ở Hà Nội có tới 1.350 làng nghề và làng có nghề. Mỗi làng nghề có một bản sắc riêng, từ đó tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc với sự đa dạng chủng loại. Trong số đó có những sản phẩm có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, được người tiêu dùng ưa thích như: gốm sứ Bát Tràng, lụa Hà Đông, mây tre đan Phú Vinh, sơn mài Hạ Thái, dát vàng Kiêu Kỵ, khảm trai Chuôn Ngọ,...

Trên thế giới, thị trường thủ công mỹ nghệ là một thị trường cực kỳ rộng lớn và có giá trị cao. Ông Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, thị trường thủ công mỹ nghệ toàn cầu được định giá 1.007 tỷ USD vào năm 2023, hướng đến con số 1.107 tỷ USD vào năm 2024 và 2.394 tỷ USD vào năm 2032. Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nhờ sự đa dạng ngành nghề và giàu tài nguyên. Trên thị trường xuất khẩu, hàng thủ công mỹ nghệ luôn nằm trong nhóm 10 mặt hàng có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam với rất nhiều sản phẩm đa dạng, có giá trị gia tăng cao, biên độ lợi nhuận lớn hơn so với nhiều mặt hàng xuất khẩu khác. Tốc độ tăng trưởng của hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam trong giai đoạn 2024-2032 dự kiến đạt 8,7% mỗi năm.

Sản xuất hàng thủ công ở Việt Nam chủ yếu dựa vào tiềm năng của các làng nghề trong cả nước. Mặc dù có kim ngạch xuất khẩu không cao so với một số ngành hàng khác nhưng TCMN liên tục lọt vào “top 10” mặt hàng xuất khẩu hàng đầu Việt Nam, dần trở thành ngành mũi nhọn thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm gần 10% nhu cầu của thị trường toàn cầu, mang về cho đất nước nguồn ngoại tệ với tỉ trọng cao trong kim ngạch xuất khẩu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh thế giới, các mặt hàng TCMN sẽ phải đối diện với những cạnh tranh ngày càng cao, cùng với sự lựa chọn khắt khe của người tiêu dùng về chất lượng, thẩm mỹ, an toàn và thân thiện môi trường, đảm bảo quy chuẩn thị trường xuất khẩu yêu cầu, thường xuyên cập nhật xu thế mẫu mới…

Do vậy, việc thường xuyên tổ chức các cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm TCMN chính là nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát huy sức sáng tạo và kỹ năng của người thợ thủ công để tạo ra các sản phẩm TCMN có mẫu mã mới, đẹp, ấn tượng, độc đáo, tiêu biểu, góp phần đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của TCMN trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Trong hai năm 2023 và 2024, các cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm TCMN do Sở Công thương Hà Nội tổ chức đã thu hút hơn 300 tổ chức, cá nhân với khoảng 780 sản phẩm mẫu mới tham gia dự thi, trong đó 180 sản phẩm và bộ sản phẩm mẫu được UBND Thành phố công nhận.

Mặt hàng khảm trai, sơn mài được nhiều khách hàng quốc tế yêu thích.

Mặt hàng khảm trai, sơn mài được nhiều khách hàng quốc tế yêu thích.

Thế giới đang bước vào thời đại 4.0, điều đó đặt ra cơ hội cũng như thách thức. Ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội xuất khẩu hàng TCMN Việt Nam nhấn mạnh, nếu chúng ta đầu tư vào phát triển hệ thống thiết kế một cách bài bản cho ngành thủ công ở Việt Nam thì kim ngạch xuất khẩu cho ngành không chỉ dừng lại con số gần 3 tỷ USD như hiện nay mà có thể sớm đạt được tốc độ tăng trưởng không dưới 30% hằng năm và đạt con số 10 tỷ USD đến năm 2030. Cụm từ “đầu tư vào phát triển hệ thống thiết kế một cách bài bản” tức là không chỉ câu chuyện tài chính mà là câu chuyện chính sách, câu chuyện liên quan các chủ thể cụ thể đứng ra thực hiện và chịu trách nhiệm về việc phát triển hệ thống thiết kế”.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đề xuất các nghệ nhân, người thợ cần phải không ngừng chủ động sáng tạo, nâng cao nhận thức và kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ mới, đặc biệt là xu hướng trí tuệ nhân tạo (AI), khai thác công nghệ thực tế ảo, công nghệ thông tin, để tiếp cận với marketing hiện đại nhằm hỗ trợ ngành hàng TCMN phát triển bền vững.

Tuệ Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/co-hoi-cua-nganh-thu-cong-my-nghe-viet-nam-10293232.html