Cơ hội để TPHCM phát triển tương xứng với kỳ vọng
LTS: Ngày 11-5, sau khi đăng bài 'Chuẩn bị kỹ lưỡng dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54', Báo SGGP nhận được nhiều ý kiến đóng góp của bạn đọc thể hiện sự quan tâm và bày tỏ mong muốn những cơ chế, chính sách mang tính đột phá vượt trội sớm được áp dụng để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện cho TPHCM phát triển.
Ông DƯƠNG QUANG THUẬN (Bí thư Chi bộ khu phố 1, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, TPHCM):
Phát huy tinh thần năng động, sáng tạo
Thời gian qua, Chi bộ khu phố 1 lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chi bộ để thông tin tình hình, quá trình Chính phủ và TPHCM chuẩn bị dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM để trình Quốc hội vào kỳ họp tới đây. Qua quá trình theo dõi, tôi nhận thấy TPHCM đã rất dày công, chủ động cùng với Chính phủ xây dựng dự thảo nghị quyết với nhiều nhóm cơ chế, chính sách vượt trội.
Bên cạnh thông tin chung, chi bộ cũng thông tin đến các đảng viên những nội dung quan trọng về các cơ chế, chính sách mới vượt trội dành cho TPHCM. Đặc biệt, các đảng viên chi bộ rất quan tâm đến những cơ chế, chính sách dành cho TP Thủ Đức - một thành phố trong thành phố, để phát triển tương xứng với kỳ vọng là khu đô thị sáng tạo, tương tác cao ở phía Đông TPHCM.
Tôi kỳ vọng, dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 nếu được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 tới đây sẽ tạo điều kiện, động lực để TPHCM phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của mình, hướng đến hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị đặt ra cho TPHCM. Với khí thế mới, tôi tin rằng đội ngũ cán bộ, đảng viên của TPHCM sẽ tiếp tục phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Ông HUỲNH VĂN BÌNH (phường Hiệp Thành, quận 12, TPHCM):
Thời cơ để TPHCM giải quyết các bức xúc của người dân
TPHCM là một siêu đô thị với dân số đông nhưng hạ tầng giao thông chưa đồng bộ. Thực tế nhiều năm qua, tình hình ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên trên các tuyến đường từ cửa ngõ vào trung tâm thành phố, ảnh hưởng đến tình trật tự an toàn giao thông, gây thiệt hại về kinh tế, bức xúc trong nhân dân.
Thời gian qua, TPHCM đã nỗ lực trong việc đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng một số tuyến đường nhưng chưa giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông, nhất là ở các tuyến đường cửa ngõ. Một số dự án đầu tư mới, nâng cấp, mở rộng đường đã “treo” nhiều năm một phần do vướng các cơ chế chính sách, một phần do thiếu kinh phí. Đơn cử như tại quận 12, dự án xây dựng tuyến đường vành đai Tây Bắc để giải tỏa áp lực giao thông trên địa bàn đã có chủ trương từ rất lâu rồi nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện khiến người dân bức xúc.
Trong buổi tiếp xúc cử tri của Tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị số 4 tại quận 12 vừa qua, ĐBQH đã thông tin về quá trình chuẩn bị nội dung nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 với các cơ chế chính sách đặc thù mang tính đột phá để phát triển TPHCM. Qua thông tin từ các ĐBQH và báo chí, tôi thấy công tác xây dựng nội dung được TPHCM phối hợp với các cơ quan Trung ương thực hiện rất nghiêm túc, công phu trong hơn một năm qua.
Trong dự thảo nghị quyết có những cơ chế chính sách mới mang tính đột phá để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo động lực cho thành phố phát triển. Đơn cử như đề xuất cho TPHCM cơ chế thu hút nguồn lực xã hội để phát triển hạ tầng giao thông là rất cấp thiết. Nếu cơ chế này được áp dụng, TPHCM sẽ có thêm nhiều cơ hội để hoàn thiện hạ tầng giao thông, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.
Ông LÊ VĂN THẤN (phường 10, quận Tân Bình, TPHCM):
Cơ hội nâng cao chất lượng cuộc sống người dân
Tôi ủng hộ việc TPHCM đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Dù là thành phố lớn, hiện đại bậc nhất Việt Nam nhưng TPHCM vẫn còn tình trạng kẹt xe, ngập nước, nhà ổ chuột, tệ nạn, trộm cắp… Thời gian qua, dù nhiều công trình đã được xây dựng, nhiều chính sách an sinh xã hội được lãnh đạo TPHCM quan tâm triển khai nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.
TPHCM hiện nay đóng góp lớn nhất cho ngân sách Nhà nước, đáng ra người dân TPHCM phải có chất lượng cuộc sống tốt tương đương, chứ không phải ra đường là kẹt xe, mưa xuống là ngập nước; bệnh viện, trường học quá tải, làm thủ tục hành chính phải chờ đợi... Không chỉ phải nâng cao chất lượng sống thường ngày, người dân TPHCM còn phải được thụ hưởng từ các thiết chế văn hóa, vui chơi, giải trí nhiều hơn. Hiện nay, TPHCM rất thiếu các công trình văn hóa như nhà hát, sân vận động, triển lãm, bảo tàng…. Có dự án chậm tiến độ nhiều năm, có công trình xuống cấp nghiêm trọng, không có kinh phí sửa chữa, “đắp chiếu” nhiều năm qua. Việc TPHCM đề xuất thí điểm đầu tư hợp tác PPP trong lĩnh vực văn hóa là hợp lý, cần phải có chính sách thu hút tư nhân thực hiện. Nếu nghị quyết mới được ban hành, TPHCM được tự chủ hơn thì sẽ chủ động đề ra nhiều chính sách để tháo gỡ khó khăn hiện nay, thúc đẩy sự phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/co-hoi-de-tphcm-phat-trien-tuong-xung-voi-ky-vong-post689283.html