Cơ hội kết nối doanh nghiệp Việt-Trung
Trong khuôn khổ chuyến tham dự Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ nhất tại Thượng Hải, Trung Quốc của phái đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu, các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc đã có cơ hội giới thiệu các mặt hàng thế mạnh, thảo luận về cơ hội hợp tác.
Trung Quốc - đối tác thương mại số 1 của Việt Nam
Ngày 5/11, tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải đã phối hợp tổ chức "Hội nghị kết nối doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc."
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết Việt Nam và Trung Quốc là hai nước có chung đường biên giới trên biển và đất liền, thể chế chính trị, mô hình kinh tế và văn hóa của hai nước có nhiều sự tương đồng.
Bộ trưởng nhấn mạnh Trung Quốc đã và đang trở thành thị trường quan trọng hàng đầu của nông lâm thủy sản Việt Nam; giá trị thương mại hai chiều Việt-Trung trong lĩnh vực nông nghiệp đã tăng nhanh và liên tục trong những năm qua và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.
Hai bên ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác về đào tạo cán bộ, quản lý lao động qua biên giới; nhất trí tiếp tục tăng cường giao lưu, hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư, du lịch...
Hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch giữa hai nước có tiến triển mới. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại và thị trường khách du lịch lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam cũng là đối tác thương mại và du lịch lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.
Kim ngạch thương mại song phương tiếp tục tăng trưởng. 9 tháng năm 2018, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Trung Quốc đạt 76,07 tỷ USD. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Hoa Kỳ).
Năm 2017, đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam đạt 2,17 tỷ USD, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2016, lần đầu tiên là nhà đầu tư FDI lớn thứ tư trong năm của Việt Nam.
Tính lũy kế đến cuối tháng 9/2018, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam 2.041 dự án, với số vốn đăng ký 12,78 tỷ USD, đứng thứ 7/129 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.
Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu về lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam. Năm 2017, hơn 4 triệu lượt khách du lịch Trung Quốc đã vào Việt Nam. Chín tháng năm 2018, hơn 3,8 triệu lượt du khách Trung Quốc đã đến Việt Nam du lịch, tăng 29,7% so với cùng kỳ.
Riêng năm 2017, kim ngạch thương mại các mặt hàng nông lâm thủy sản đạt giá trị 11,3 tỷ USD; trong 9 tháng năm 2018, kim ngạch thương mại nông lâm thủy sản hai chiều đã đạt 8,16 tỷ USD.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường còn cho biết Việt Nam đang tiến hành thảo luận với các bộ, ngành liên quan của Trung Quốc, trong đó có Tổng Cục Hải quan và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trung Quốc nhằm hài hòa, công nhận lẫn nhau hệ thống các quy định về quản lý chất lượng cũng như thủ tục kiểm dịch để thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu chính ngạch giữa hai nước, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nhiệt đới rau, quả, điều, sắn và đồ gỗ, càphê cũng như các sản phẩm thủy hải sản (tôm, mực, cá tra…), sữa, thịt lợn, thịt bò.
Tăng cường xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch
Tại "Hội nghị kết nối doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định với chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Trung Quốc, đầu tư sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc đã giới thiệu các mặt hàng thế mạnh của mình, tiến hành thảo luận về cơ hội hợp tác cũng như trao đổi thẳng thắn những khúc mắc và khó khăn còn tồn tại trong quá trình đầu tư-hợp tác.
Đặc biệt, việc Trung Quốc chọn Việt Nam là 1/12 quốc gia danh dự cho kỳ Hội chợ lần đầu tiên (châu Á có 3 quốc gia được lựa chọn là Việt Nam, Indonesia, Pakistan) trong tổng số hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Hội chợ lần này đã khẳng định Trung Quốc hết sức coi trọng quan hệ với Việt Nam.
Việt Nam tham gia Hội chợ là cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh quốc gia, tăng cường xúc tiến thương mại đầu tư và du lịch hiệu quả. Trong vai trò là cửa ngõ của ASEAN, trong quá trình thực hiện Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc, cầu nối giữa Cộng đồng kinh tế ASEAN và Trung Quốc, Hội chợ là sự kiện xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch quan trọng giúp tăng cường liên kết với các nước trong khu vực, khai thác tối đa lợi ích do Khu vực tự do mậu dịch ASEAN-Trung Quốc đem lại, đồng thời tăng cường xuất khẩu hàng hóa dịch vụ của Việt Nam sang Trung Quốc và các nước ASEAN cũng như của các nước ASEAN sang Trung Quốc qua các cửa khẩu của Việt Nam.
Hội chợ chính là dịp quảng bá thương hiệu, hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam tới Trung Quốc và các nước trên thế giới, nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm thị trường, mở rộng kinh doanh.
Điều này góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, giúp nền sản xuất Việt Nam từng bước chiếm lĩnh những khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu./.