Cơ hội sẽ 'sáng' hơn cho cổ phiếu ngân hàng cuối năm?

Ngành ngân hàng dự báo sẽ có tăng trưởng tích cực hơn trong những tháng cuối năm khi nhìn vào tăng trưởng tín dụng. Do đó, dự báo cho rằng, cổ phiếu ngân hàng nhìn chung là các cơ hội đầu tư có tiềm năng tốt trong nửa cuối năm 2022, trong đó đáng chú ý hơn là nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân.

Chờ sóng từ việc phân bổ room tín dụng

Mặc dù chưa có số liệu đầy đủ về kết quả kinh doanh quý II/2022, nhưng qua kết quả kinh doanh quý đầu năm đã công bố, cũng như dự báo của nhiều chuyên gia công ty chứng khoán, thì ngành ngân hàng vẫn duy trì sự tăng trưởng tích cực nhờ vào sự phục hồi của kinh tế vĩ mô. Trên thực tế, một số ngân hàng niêm yết đã có hé lộ về kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2022 khá tích cực.

Tuy nhiên, trên thị trường cổ phiếu, các cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa thực sự lấy lại phong độ. Nhiều cổ phiếu ngân hàng đã có dấu hiệu hút dòng tiền trở lại, nhưng chưa thể hiện được vai trò dẫn dắt và mặt bằng giá vẫn ở mức thấp qua nhịp hồi phục của thị trường.

Dòng tiền kỳ vọng sẽ tìm tới những cổ phiếu ngân hàng sẽ được nới trần room tín dụng. Ảnh: Duy Dũng

Cùng với việc tăng trưởng về kết quả kinh doanh, tăng trưởng tín dụng là một điểm sáng của ngành ngân hàng trong nửa đầu năm. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 30/6 và so với cuối năm 2021, tín dụng tăng 9,35% (so với mức 6,47% vào 2021), tương đương với mức tăng 16,7% so với cùng kỳ. Mức tín dụng tăng nhanh cũng sẽ đồng nghĩa với việc một số ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong việc cạn room tín dụng.

Mới đây, trong hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã nhấn mạnh việc duy trì mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 là 14%, tuy nhiên sẽ có bộ tiêu chí thống nhất để minh bạch phân bổ việc nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng thương mại.

Đánh giá về điều này, các chuyên gia của SSI Research cho rằng, quan điểm điều hành của Ngân hàng Nhà nước vẫn tương đối thận trọng, trước áp lực lạm phát cũng như áp lực mất giá của tiền Đồng. “Với mức tăng trưởng tín dụng chỉ 14% trong năm 2022, chỉ có gần 500 nghìn tỷ đồng sẽ được giải ngân trong nửa cuối năm (so với mức gần 1 triệu tỷ đồng trong nửa đầu năm). Điều này giúp cải thiện mức chênh lệch giữa tín dụng - huy động vốn và từ đó giảm áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động” - Các chuyên gia của SSI Research cho hay.

Một số ý kiến khác cho rằng, cổ phiếu ngân hàng sẽ có diễn biến khả quan hơn khi các thông tin về nới room tín dụng được công bố. Sự phân hóa có thể diễn ra trong nội bộ nhóm ngành này, nhưng dòng tiền sẽ “men theo” các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt và được nới trần tín dụng.

Đã đến thời điểm quay lại với cổ phiếu “vua”?

Trao đổi với báo giới mới đây về triển vọng cổ phiếu ngân hàng, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc khối Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, việc nới room tín dụng ngân hàng nếu thực hiện được trong quý III sẽ có tác động rất tích cực lên cổ phiếu ngành này. Cùng với đó, nếu các ngân hàng được nới room tín dụng cũng sẽ là thông tin tốt cho thị trường chứng khoán, khi nhóm “bank” có tỷ trọng vốn hóa lớn nhất. Mặt khác, khi room tín dụng được nới cũng sẽ tạo động lực tăng trưởng kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Lợi nhuận quý II của các ngân hàng sẽ khả quan

Theo các chuyên gia của SSI Research, khả năng nhóm ngân hàng sẽ tạm thời thể hiện vai trò nâng đỡ thị trường về mặt điểm số khi áp lực trích lập dự phòng là chưa lớn, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ở mức cao, thu nhập lãi thuần và biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng dự báo sẽ tiếp tục duy trì khả quan trong quý II/2022. Dự báo, lợi nhuận trước thuế bình quân của nhóm ngân hàng sẽ đạt trên 20% và một số ngân hàng lớn có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trên 40% trong quý II/2022 so với cùng kỳ.

Với kịch bản tích cực là room tín dụng được nới trong quý III, chuyên gia của YSVN dự báo, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) ngành ngân hàng năm 2022 sẽ đạt 21%, vẫn đảm bảo tỷ suất tốt với mặt bằng chung thị trường hiện nay.

Đặc biệt hơn, theo chuyên gia này, hiện tại mức định giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng đang về mức hấp dẫn. Theo đó, xét về định giá, hiện giá trị thị trường/giá trị sổ sách (P/B) dự phòng năm 2022 của nhóm ngân hàng mới là 1,2 lần, thấp hơn nhiều so với mức định giá chuẩn là 2 lần, nên về góc độ định giá là hấp dẫn cho cổ phiếu ngân hàng giai đoạn hiện nay.

Do vậy, “đây là thời điểm an toàn để quay lại với cổ phiếu “vua”, bởi nhóm này đang hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi và có thể trở thành nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường trong những tháng cuối năm” - ông Nguyễn Thế Minh cho hay.

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng, cổ phiếu ngành ngân hàng kỳ vọng sẽ tạo được sắc xanh cho thị trường từ triển vọng kết quả kinh doanh tích cực, trong khi giá đã chiết khấu khá nhiều tính từ đầu năm.

Còn theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS): “Chúng tôi duy trì dự báo tích cực đối với lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng trong năm 2022. Tuy nhiên, mức độ tích cực sẽ giảm dần trong nửa cuối năm 2022 và năm 2023, đặc biệt trong năm 2023 sẽ có sự phân hóa rõ rệt về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng”.

Các chuyên gia của VCBS đánh giá, triển vọng đầu tư cổ phiếu ngành ngân hàng đang ở mức phù hợp, với mức định giá xấp xỉ mức trung bình 5 năm. Các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt và tốc độ tăng trưởng vượt trội so với ngành sẽ vẫn nằm trong nhóm có thể xem xét đầu tư trong dài hạn.

Duy Thái

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/co-hoi-se-sang-hon-cho-co-phieu-ngan-hang-cuoi-nam-109199-109199.html