Cơ hội vươn tầm quốc tế
Năm 2018, lần thứ 3 Việt Nam tham gia vào bảng xếp hạng PISA nhưng không có tên trong danh sách xếp hạng vừa được công bố bởi Diễn đàn Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Đây là điều khá bất ngờ.
Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy có 79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia PISA 2018 - bài đánh giá ở ba môn Đọc hiểu, Toán và Khoa học dành cho học sinh 15 tuổi, trong đó có Việt Nam. Điều bất ngờ khi Việt Nam với lần thứ 3 tham dự lại không có tên trên bảng xếp hạng, trong khi chúng ta có thứ hạng cao ở hai lần tham gia trước.
Trước đó, năm 2012, lần đầu tiên tham gia bảng xếp hạng PISA, Việt Nam xếp thứ 8 về Khoa học, thứ 17 về Toán và 19 về Đọc hiểu trong số 65 quốc gia, vùng lãnh thổ. Năm 2015, Việt Nam đứng thứ 8/72 về Khoa học, 22 về Toán và 32 về Đọc hiểu.
Kết quả năm nay cho thấy Trung Quốc (với học sinh tại 4 tỉnh, thành gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Giang Tô, Chiết Giang tham gia) đứng thứ nhất ở cả 3 kỹ năng Đọc, Toán, Khoa học.
PISA là chương trình đánh giá học sinh quốc tế do OECD thực hiện. Các bảng xếp hạng của PISA được tiến hành 3 năm/lần, dựa trên các bài kiểm tra dành cho lứa tuổi 15 ở hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Lý giải về việc tại sao Việt Nam không có tên trong bảng xếp hạng PISA, Bộ GDĐT cho biết: Báo cáo so sánh quốc tế đầy đủ không thể hoàn thành tại thời điểm công bố nếu đưa Việt Nam vào phân tích dữ liệu so sánh quốc tế. Ban đầu, OECD đề nghị để dữ liệu của Việt Nam sang năm 2020 mới công bố. Họ muốn dành thêm thời gian để nghiên cứu sâu hơn sự khác biệt của Việt Nam. Tuy nhiên, do sự phối hợp tích cực của phía Việt Nam trong quá trình xử lý số liệu, đến tháng 9, OECD đồng ý công bố kết quả của Việt Nam cùng các nước khác vào ngày 3/12. Ngoài ra, số liệu thu được của Việt Nam không phù hợp mô hình lý thuyết hồi đáp câu hỏi, có sự khác biệt lớn với mô hình đánh giá của OECD.
Trước đó, OECD đã cử trưởng ban phân tích dữ liệu sang Việt Nam làm việc, thẩm định các quyển đề thi của học sinh, phỏng vấn cán bộ, giáo viên trực tiếp tham gia PISA, xác minh dữ liệu. Tuy nhiên, kết quả các câu trả lời của học sinh Việt Nam thi trên giấy quá khác biệt với các nước OECD thi trên máy tính, dẫn đến mô hình khác biệt (misfit) với mô hình các nước OECD đang thi trên máy tính.
Bộ GDĐT xác định, tham gia PISA là cơ hội hội nhập quốc tế về giáo dục; để biết nền giáo dục Việt Nam đang ở đâu trên thế giới, có được bức tranh tổng thể về giáo dục quốc gia so với giáo dục quốc tế, làm cơ sở cho đề xuất những thay đổi về chính sách giáo dục quốc gia. Điều này góp phần đổi mới phương pháp đánh giá, đưa ra cách tiếp cận mới về dạy - học, thi và đánh giá theo hướng phát triển năng lực; góp phần chuẩn bị tích cực cho lộ trình đổi mới giáo dục, xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Hy vọng trong thời gian tới OEDC sẽ có thêm thời gian để phân tích các điểm khác biệt của kết quả trả lời PISA Việt Nam 2018, từ đó có thể đưa ra các bài học kinh nghiệm cho chính Việt Nam và các quốc gia có thu nhập thấp hoặc đang phát triển như Việt Nam học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm về chính sách phát triển giáo dục. Đồng thời, Việt Nam sẽ xem xét để chuẩn bị dần các điều kiện để có thể tham gia các kỳ thi PISA sắp tới qua máy tính.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/co-hoi-vuon-tam-quoc-te-tintuc454071