Có một xứ Huế mộng mơ

Không bị đô thị hóa như các thành phố khác ở Việt Nam, mặc dù mỗi năm ở đây đón hàng triệu du khách đến tham quan, nhưng Huế vẫn giữ được vẻ thanh bình, êm đềm một cách rất riêng, rất Huế. Chả biết tự bao giờ xứ Huế mộng mơ làm say đắm lòng người, biết bao thi nhân mặc khách trót 'dính líu' đến mảnh đất cố đô thân thương này để nặng lòng, vấn vương mãi chẳng thể rời xa.

Được mệnh danh là thành phố di sản nên Huế có chút trầm mặc ưu tư, man mác buồn. Đây sông Hương thơ mộng, hiền hòa, kia núi Ngự Bình nên thơ hòa quyện vào nhau tạo nên bức tranh phong thủy hữu tình níu chân lữ khách.

Huế quyến rũ bởi Đại nội cổ kính và quần thể lăng tẩm có kiến trúc độc đáo mang dấu ấn thời gian của các vị vua triều đại phong kiến cuối cùng Việt Nam. Những ngôi nhà vườn xưa cũ của những vị quan lại triều Nguyễn vẫn đang được trân trọng bảo tồn. Đi trên những con phố ở Huế ta bắt gặp những ngôi chùa hòa hợp nương nép với thiên nhiên. Hình ảnh người con gái Huế duyên dáng trong tà áo dài cùng chiếc nón bài thơ lẫn trong tiếng chuông chùa hiện lên đẹp đến nao lòng.

Kiến trúc độc đáo của ngôi chùa xứ Huế.

Kiến trúc độc đáo của ngôi chùa xứ Huế.

Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức mở rộng trục dọc của sông Hương, diện tích gấp 4 lần, mở rộng diện tích là cơ hội nhưng cũng là thách thức vùng đất cố đô. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc mở rộng TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế 1/7/2021 TP Huế mới có diện tích tự nhiên rộng hơn 265km2, quy mô dân số trên 652.570 người và có 36 đơn vị hành chính cấp xã, việc mở rộng này tạo cho Huế có nhiều dư địa để phát triển. Tuy nhiên bảo tồn và giữ gìn Huế là một thành phố di sản mẫu mực chứa đựng đầy đủ giá trị cốt lõi tinh hoa của văn hóa Huế vì thế cũng được đặt ra.

Nếu ai tìm sự sôi động, thì chắc hẳn Huế không phải là sự lựa chọn. Huế không có những tòa nhà kính hiện đại cao tít, hay những khu vui chơi giải trí náo nhiệt. Huế cũng không có những đại lộ rộng lớn và những chiếc xe lao đi vun vút. Ngay ở trục phố chính, phố Lê Lợi chạy theo dọc sông Hương là con phố sầm uất bậc nhất của thành phố này dành cho khách du lịch trong nước và du khách quốc tế cũng chỉ đông vào 3 tháng hè. Tuy 3 tháng hè đông khách nhưng Huế vẫn mang trong mình nét trầm tư, ưu tĩnh đến kì lạ. Hình như sự hiện diện của Đại nội với nền văn hóa cố đô lâu đời, giàu giá trị lịch sử cùng với nhiều công trình kiến trúc khác nằm bên trong như: Ngọ Môn, Cung Diên Thọ, Tử Cấm Thành, Điện Thái Hòa... mang dấu ấn của thời gian khiến du khách cảm thấy như gần như xa, nửa hư nửa thực.

Vẻ đẹp huyền ảo này càng quyến rũ đặc biệt khi về đêm. Đó là lúc ánh mặt trời đã tắt và chỉ có những ánh đèn đường, những chiếc xích lô đưa du khách đi quanh vòng ngoài của Đại nội thưởng thức gió mát dịu dọc sông Hương thơ mộng. Nhiều người nói "đặc sản" của xứ Huế mộng mơ này chính là người con gái Huế e ấp bên tà áo dài và tiếng hát gợi nhớ, gợi thương trên dòng sông Hương.

7 giờ tối, sông Hương tấp nập hàng chục chiếc thuyền rồng chở du khách lên thuyền nghe hát. Mỗi thuyền có sức chứa 25-35 du khách. Điểm nhấn đặc biệt của những chiếc thuyền này chính là sức hút của đội văn nghệ. Đội văn nghệ của mỗi thuyền có 6 người, gồm 3 nhạc công và 3 ca nương.

Ba nhạc công khăn đóng áo the, chân đi guốc mộc, gẩy đàn, là những tay chơi đàn cự phách. Các nhạc cụ như đàn nguyệt, đàn tranh và đàn bầu kết hợp lại thành âm thanh trầm bổng thiết tha réo rắt. Ba ca nương áo dài khăn vấn cất tiếng hát ngọt ngào, ở một số bài hát ca nương dùng những chiếc chén sứ xinh xinh trên đôi bàn tay điêu luyện tạo ra âm thanh độc đáo làm say lòng du khách.

Tại đây, ta được thưởng thức nhã nhạc cung đình Huế do chính những người con gái Huế ca, âm nhạc là sự kết hợp đồng điệu giữa nhạc dân gian và nhạc cung đình, tạo nên nét sang trọng, tươi mới. Thời xưa nhã nhạc cung đình chỉ dành cho vua và quan lại, nhưng ngày nay âm nhạc độc đáo này đã hòa vào đời sống xã hội để trường tồn cùng năm tháng và làm nên một nét đẹp văn hóa cổ truyền của xứ Huế.

Bốn bản nhạc lễ cung đình Huế: "Lưu Thủy", "Kim Tiền", "Xuân Phong", "Long Hổ" do các nhạc công và ca nương thể hiện kéo du khách lạc vào văn hóa âm nhạc cung đình khi xưa, nét đẹp của một thời đại vàng son cung điện, đền đài đã khép lại. Bỏ hết đi biết bao bộn bề lo toan của cuộc sống hối hả, bỏ đi cả những muộn phiền cá nhân để đắm lòng vào tiếng nhạc, say cùng câu hát với nhiều làn điệu Huế, những câu Nam ai, Nam bình sâu lắng.

Đúng vậy, Huế không chỉ hớp hồn bởi với cung điện nguy nga hay đền đài kì vĩ mà bởi những câu hát, bản nhạc thấm đẫm trọn vẹn ân tình tải cả một bầu văn hóa tinh tế của vùng đất cố đô. Ngày nhạc sĩ Văn Cao còn sống, một lần trên thuyền nghe hát trên dòng sông Hương, ông đã cảm thán mà viết lên những câu chữ xao xuyến tình: "...Em cạn lời cho anh dứt nhạc/ Biệt ly đôi phách ngó đàn tranh/ Một đêm đàn lạnh trên sông Huế/ Ôi nhớ nhung nhiều vạt áo xanh...".

Nghe ca Huế trên sông Hương, vừa là cơ hội để thưởng thức những làn điệu Huế rất riêng, rất trữ tình, vừa là để bảo tồn gìn giữ tài sản phi vật thể quý giá khi đất nước mở cửa giao lưu và hội nhập.

Nghe hát trên sông Hương - nét đẹp văn hóa xứ Huế.

Nghe hát trên sông Hương - nét đẹp văn hóa xứ Huế.

Từ lâu chiếc nón bài thơ mang thương hiệu của vùng đất cố đô "Ai ra xứ Huế mộng mơ/ Mua về chiếc nón bài thơ làm quà". Hình ảnh chiếc nón bài thơ gắn với người con gái xứ Huế trong màu áo trắng, áo tím, đầu đội chiếc nón lá mà ta dễ dàng bắt gặp ở bất kì đâu trên mảnh đất thâm trầm này. "Anh ơi xứ Huế quê mình/ Nón bài thơ đó, nặng tình của em/ Thân thương che mái tóc mềm/ Nón kia em đội nghiêng nghiêng gió đùa...". Cùng với sông Hương, núi Ngự, cầu Trường Tiền thì hình ảnh người con gái Huế áo dài thướt tha với nón nghiêng che là nét đẹp chấm phá cho bức tranh về xứ Huế nên thơ và rất đỗi bình an.

Kiến trúc làm nên nét riêng biệt của Huế là lăng tẩm của các vị vua triều Nguyễn. Lăng tẩm nằm rải rác ở các vị trí khác nhau ở xứ Huế. Tính cách của các vị vua triều Nguyễn cũng được thể hiện qua kiến trúc xây lăng. Người xưa có câu: "Vào nhà biết người", lăng tẩm là nơi yên nghỉ cuối cùng của cuộc đời để đi vào giấc ngủ nghìn thu, vì vậy, người xưa rất quan trọng chuyện xây lăng. Nếu như Lăng Tự Đức mang dáng vẻ thơ mộng, yên bình thì Lăng Minh Mạng lại mang vẻ uy nghiêm, Lăng Khải Định thì rực rỡ chói lói được trang trí nhiều bằng mảnh ghép sành sứ rất điệu nghệ, hoa văn tinh tế, Lăng Dục Đức đơn giản, Lăng Đồng Khánh hài hòa, Lăng Thiệu Trị ấm áp. Đặc biệt nhất là Lăng Gia Long nằm tít sâu trong con núi hoang sơ, sơn thủy hữu tình thuộc xã Hương Long, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đường đến Lăng Gia Long không thể đi ô tô mà chỉ có thể đi xe máy băng qua khu rừng rậm rạp nhiều cây cối, và thưa thớt dân cư sinh sống, chính thế mà ít du khách có thể đến thăm quan được nơi này.

Nếu như các vị vua khác an táng là mộ phần nằm riêng biệt thì Gia Long, vị vua đầu triều sáng lập ra triều Nguyễn lại dành tình cảm đầy yêu thương cho Thừa Thiên Cao hoàng hậu. Hai ngôi mộ đá nằm cạnh nhau trên núi được bao bọc bởi rừng cây xanh mướt là minh chứng cho tình yêu vĩnh hằng vượt thời gian. Khu lăng mộ của vua Gia Long và hoàng hậu được đặt trên đồi Chính Trung. Hai ngôi mộ đá có kích thước bằng nhau, không trạm trổ hoa văn, không sơn son thếp vàng. Hai ngôi mộ xây giản dị giữa vùng đồi núi hoang sơ heo hút. Nhưng, có một điểm cực kì đặc biệt khiến cho khu lăng mộ này trở thành một biểu tượng kiến trúc kiệt xuất của tiền nhân. Nơi tiếp giáp giữa phần nóc hai ngôi mộ sẽ thấy đỉnh núi Đại Thiên Thọ nằm ở chính giữa, mà theo các nhà phong thủy nói: "không chệch được một ly". Điểm độc đáo này đã khiến cho Lăng Gia Long càng thêm vẻ huyền bí.

Tiếng chuông chùa xứ Huế là điểm nhấn đặc biệt về âm thanh. Có lẽ hiếm có thành phố nào lại có nhiều chùa như ở Huế, đi trên bất kì con phố nào ở Huế cũng có chùa, thậm chí trên một phố mà có đến 4, 5 ngôi chùa. Chùa Từ Hiếu, chùa Từ An, chùa Từ Đàm, chùa Huyền Không Sơn Thượng, chùa Thiên Mụ.... Kinh đô Huế được xem như là một cái nôi lưu giữ sự tồn tại và phát triển của Phật giáo xứ Đằng Trong hơn bốn thế kỷ. Những ngôi chùa hòa mình vào thiên nhiên, đã in dấu hàng trăm năm là nơi nâng đỡ tâm linh cho những người con xứ Huế. Chùa ở Huế không bao giờ đóng cửa, nếu sau 21 giờ thì cửa chính mới đóng nhưng nếu cần bạn có thể vào bằng lối cửa phụ. Cánh cổng nhà chùa luôn mở cho những người hướng tâm về Đạo.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/co-mot-xu-hue-mong-mo-i665202/