Có nên tách Ủy ban chứng khoán Nhà nước khỏi Bộ Tài chính?
Đây là vấn đề được thảo luận trọng tâm tại Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) diễn ra mới đây. Nhiều ý kiến trái chiều, có tính phản biện cao đã được ghi nhận.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Dương Quốc Anh, sau khi trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7, các Đại biểu nhìn chung đánh giá cao dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) với hồ sơ hoàn chỉnh, nội dung cụ thể, chi tiết.
Để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật, các đại biểu cũng đóng góp ý kiến về nhiều vấn đề, trong đó có những vấn đề có ý kiến khác nhau như về vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN); về mô hình tổ chức của Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK); về việc chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp…
Góp ý về vị trí của UBCKNN, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị giữ nguyên mô hình UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính do mô hình này đã và đang hoạt động tốt, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với tinh thần sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhưng cần phải tăng thẩm quyền cho UBCKNN trong quản lý, giám sát hoạt động của thị trường chứng khoán (TTCK).
Ngược lại, một số ý kiến cho rằng nên để UBCKNN độc lập và trực thuộc Chính phủ để tăng thẩm quyền, vị trí. Cụ thể, theo bà Vũ Thị Kim Liên, nguyên Phó Chủ tịch UBCKNN, đến giai đoạn này, bà Kim Liên cho rằng có thể xem xét lại vị thế của UBCKNN trước yêu cầu của hội nhập quốc tế theo hướng để UBCKNN tách khỏi Bộ Tài chính.
Có quan điểm khác, ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch UBCKNN cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc đưa UBCKNN ra độc lập sẽ rất khó”; Cùng với việc giữ mô hình của UBCKNN như hiện tại, ông Bằng đề nghị dự thảo nên quy định theo hướng tăng thẩm quyền của UBCKNN đối với các Sở GDCK, thẩm quyền trong thanh tra, giám sát, quyết định nhân sự… để việc quản lý, giám sát thị trường đảm bảo hiệu quả, thực chất.
Về phía mình, cơ quan soạn thảo đưa ra 5 lý do khi kiến nghị giữ nguyên quy định về tổ chức UBCKNN thuộc Bộ Tài chính tại dự thảo Luật. Thứ nhất, mô hình này đã phát huy được hiệu quả trong quản lý và điều hành, thể hiện ở việc TTCK đã có những tăng trưởng vượt bậc trong những năm vừa qua. Đặc biệt, trong những giai đoạn thị trường có biến động hoặc khi có sự cố phát sinh thì sự hỗ trợ điều hành chính sách từ Bộ Tài chính đã có kết quả tích cực.
Thứ hai, những cơ sở cho việc chuyển đổi UBCKNN vào Bộ Tài chính từ năm 2004, đến nay vẫn còn tiếp tục cần được giải quyết, đó là các chính sách phụ trợ cho sự phát triển của TTCK như: chính sách thuế, kế toán, kiểm toán, định mức tín nhiệm… cần tiếp tục được ban hành trong chỉnh thể đồng bộ, linh hoạt.
Thứ ba, việc duy trì mô hình tổ chức bộ máy UBCKNN thuộc Bộ Tài chính bảo đảm yêu cầu mô hình tổ chức quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, thực hiện tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Lý do thứ tư là mô hình này phù hợp với mô hình tổ chức UBNK tại nhiều nước, cơ bản đảm bảo phù hợp với các nguyên tắc IOSCO (Tổ chức quốc tế các ủy ban chứng khoán) và phù hợp với điều kiện đặc thù của TTCK Việt Nam. Và cuối cùng, một số hạn chế, vướng mắc hiện nay về thẩm quyền của UBCKNN có thể xử lý, khắc phục được thông qua việc sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán theo hướng trao thêm một số thẩm quyền cho UBCKNN để củng cố, tăng cường tính độc lập, chủ động trong quản lý, điều hành thị trường, bảo đảm phù hợp với các nguyên tắc của IOSCO.
Trước các ý kiến này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục ghi nhận, báo cáo đầy đủ các ý kiến và các phương án để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
“Và điều chắc chắn là, dự thảo sẽ có bước tiến tối đa về tăng thẩm quyền, vị thế cho UBCKNN, để Ủy ban thực sự có khả năng, điều kiện để thực thi nhiệm vụ, chức trách của mình”, Thứ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ. Được biết, theo dự kiến, dự án Luật Chứng khoán sẽ tiếp tục được cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo lấy ý kiến bổ sung, hoàn thiện dự thảo để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 vào cuối năm.