Cổ phiếu chứng khoán hồi phục, VN-Index vẫn 'bay' hơn 10 điểm
Mặc dù nhóm cổ phiếu chứng khoán hồi phục nhưng áp lực gia tăng ở nhóm trụ cột ngân hàng, đặc biệt là pha 'quay xe' của mã lớn VCB, đã khiến VN-Index vẫn giảm hơn 10 điểm, xuống mốc 1.245 điểm.
Tia hy vọng xanh le lói đầu phiên sáng 4/11 đã nhanh chóng bị dập tắt bởi áp lực bán từ nhóm cổ phiếu bluechip đã lan rộng hơn trên thị trường khiến bảng điện tử chìm trong sắc đỏ. Thị trường càng chuyển biến xấu hơn khi mọi nỗ lực, kể cả mã lớn VCB ngược dòng hỗ trợ, cũng không thể giúp VN-Index giữ được mốc 1.250 điểm. Thậm chí, đà giảm nới rộng hơn về cuối phiên, đã khiến chỉ số chung tạm dừng phiên sáng ở mức thấp nhất trong phiên, tại vùng giá 1.245 điểm.
Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường tiếp tục giao dịch khá ảm đạm khi lực cầu vẫn chưa có dấu hiệu sôi động hơn; trong khi lực bán vẫn chiếm áp đảo đã khiến VN-Index khó có động lực để bật lên.
Sau gần 1 giờ giao dịch, nhóm cổ phiếu chứng khoán dần le lói sắc xanh và các mã lớn FTS, HCM, BSI, CTS ngày càng nới rộng hơn biên độ tăng, đã tiếp thêm niềm hy vọng của nhà đầu tư về diễn biến thị trường sẽ tích cực hơn. Tuy nhiên, đà tăng khá mong manh và sự đồng thuận của nhóm chứng khoán nói riêng cũng như toàn thị trường nói chung, đã khiến thị trường khép lại phiên giao dịch khá tiêu cực khi chỉ số VN-Index tiếp tục bay hơn 10 điểm, xuống mức điểm thấp nhất trong gần 2 tháng qua.
Đóng cửa, sàn HOSE có 93 mã tăng và 287 mã giảm, VN-Index giảm 10,18 điểm (-0,81%) xuống 1.244,71 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 580,5 triệu đơn vị, giá trị 14.790,4 tỷ đồng, tăng 22,25% về khối lượng và 7,2% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 1/11. Giao dịch thỏa thuận đóng góp lớn với hơn 121,3 triệu đơn vị, giá trị 2.480,5 tỷ đồng.
Nhóm VN30 vẫn tạo sức ép lớn trên thị trường khi đóng cửa giảm gần 13 điểm với 24 mã giảm và chỉ còn 5 mã tăng với biên độ tăng đều chưa tới 0,5%. Đáng chú ý là sự “trở mặt” của mã lớn VCB, nếu trong phiên sáng là điểm tựa chính ngăn cho đà lao dốc của thị trường, thì sang phiên chiều, cổ phiếu này “quay xe” điều chỉnh, là mã tác động mạnh nhất khi lấy đi gần 1,5 điểm của chỉ số chung, kết phiên giảm 1,1% xuống mức giá thấp nhất trong phiên 92.500 đồng/CP.
Chính diễn biến thiếu tích cực của “anh cả”, đã khiến nhóm cổ phiếu ngân hàng "lọt" top 5 nhóm có mức giảm lớn nhất thị trường, bởi số mã giảm chiếm áp đảo, ngoại trừ duy nhất CTG tăng nhẹ chưa tới 0,5%. Trong đó, VPB và TPB cùng giảm hơn 2%, là 2 mã giao dịch sôi động nhất thị trường với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 30,57 triệu đơn vị và hơn 27 triệu đơn vị; các mã khác cũng đua nhau nới rộng biên độ giảm như EIB giảm 4,8%, MSB giảm 2,5%, TCB giảm 1,1%...
Trong khi đó, nhóm bất động sản dần lấy lại cân bằng, với mã lớn VHM và VIC đứng giá tham chiếu, các mã nóng như DXG, DIG, PDR tăng nhẹ, đáng kể là KBC đóng cửa tăng 2,7%. Cặp đôi DXG và VHM vẫn dẫn đầu giao dịch của ngành với thanh khoản đều thuộc top 5 mã sôi động nhất thị trường, đạt trên dưới 20 triệu đơn vị.
Như đã nói ở trên, nhóm cổ phiếu chứng khoán là tâm điểm đáng chú ý của thị trường trong phiên chiều khi hàng loạt mã đảo chiều hồi phục với mức tăng khá tốt. Trong đó, FTS tăng 4%, HCM tăng 2,1%, các mã VCI, BSI, CTS đều tăng hơn 1%, SSI tăng nhẹ 0,2%... Cổ phiếu giao dịch sôi động nhất ngành vẫn là VIX với hơn 25,1 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa lấy lại mốc tham chiếu 10.750 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu thị giá nhỏ, cổ phiếu QCG tiếp tục duy trì sức nóng, xác nhận phiên tăng mạnh thứ 4 liên tiếp. Đặc biệt trong phiên hôm nay, QCG tăng kịch trần lên mức giá cao nhất trong hơn 4 tháng, đồng thời thanh khoản sôi động với 2,24 triệu đơn vị khớp lệnh; CIG không bảo toàn được sắc tím nhưng đóng cửa vẫn tăng ấn tượng 6,33%, và tính trong 10 phiên gần đây đã tăng gần 50%...
Trên sàn HNX, thị trường tiếp tục có thêm phiên giao dịch tràn ngập sắc đỏ.
Đóng cửa, sàn HNX có 48 mã tăng và 102 mã giảm, HNX-Index giảm 0,96 điểm (-0,42%) xuống 224,45 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 36,1 triệu đơn vị, giá trị 654,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 11 triệu đơn vị, giá trị 140,62 tỷ đồng, trong đó riêng SHS thỏa thuận 6 triệu đơn vị, giá trị 92,4 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 giao dịch kém tích cực khi đóng cửa giảm gần 2,5 điểm với 22 mã giảm và chỉ 5 mã tăng, trong đó cổ phiếu tăng tốt nhất chính là thành viên nhóm chứng khoán – MBS với mức tăng 2,2%, còn lại CAP, TIG, DTD, TNG chỉ tăng nhẹ trên dưới 0,5%. Ngược lại, NTP giảm mạnh nhất là 2,9%, L14 giảm 2,5%, PSD giảm 2,3%...
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, NRC hồi phục mạnh, đóng cửa tăng 7,3% lên sát mức giá trần 4.400 đồng/CP, thanh khoản đứng ở vị trí thứ 5 toàn thị trường với 1,27 triệu đơn vị khớp lệnh.
Xét về nhóm ngành, các cổ phiếu chứng khoán trên HNX cũng ngược dòng thị trường chung, với SHS lấy lại mốc tham chiếu và thanh khoản sôi động nhất, đạt hơn 6 triệu đơn vị; MBS tăng 2,2% và khớp 2,94 triệu đơn vị, BVS tăng nhẹ 0,2%, APS tăng 1,5%, HBS tăng 1,4%...
Trên UPCoM, thị trường duy trì đà giảm nhẹ trong suốt cả phiên chiều.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,36 điểm (-0,39%), xuống 91,61 điểm với 116 mã tăng và 153 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 20,43 triệu đơn vị, giá trị 269,72 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 10 triệu đơn vị, giá trị 90,3 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR tiếp tục điều chỉnh nhẹ với mức giảm 0,5% và trở lại vị trí dẫn đầu về thanh khoản với 2,24 triệu đơn vị khớp lệnh.
Tiếp theo đó là cặp đôi nhỏ, gồm HNG khớp 1,96 triệu đơn vị, đóng cửa đứng giá tham chiếu và BCR khớp 1,18 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 3,6%.
Đáng chú ý, VGI đảo chiều thành công, đóng cửa tăng 1,3% lên mức 70.900 đồng/CP và khớp gần 1,1 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm trên dưới 10 điểm, với VN30F2411 giảm mạnh nhất là 11,9 điểm, tương đương -0,9% xuống 1.318,5 điểm, khớp lệnh hơn 213.800 đơn vị, khối lượng mở 53.215 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm áp đảo, trong đó CMSN2402 tiếp tục dẫn đầu thanh khoản với hơn 6,06 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa giảm 33,3% xuống mức 20 đồng/cq. Theo sau là CVPB2406 khớp gần 2,5 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 34,1% xuống 290 đồng/cq.