Cổ phiếu công ty con Tân Hoàng Minh tăng giá 12 lần dù lỗ gần 400 tỷ
Cổ phiếu TBH gây sốc khi tăng trần cả 17 phiên kể từ khi chào sàn giữa tháng 8 đến nay.
"Tân Hoàng Minh" đang trở thành từ khóa nóng nhất trong giới đầu tư địa ốc khi tập đoàn bất động sản này vừa mạnh tay chi 24.500 tỷ đồng để gom lô đất vàng ở Thủ Thiêm.
Đây là lô đất mang ký hiệu 3-12 thuộc Khu chức năng số 3 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức. Với diện tích hơn 10.000 m2, Tân Hoàng Minh chi bình quân hơn 2,4 tỷ đồng/m2, là mức đắt đỏ bậc nhất trên thế giới.
Không chỉ gây chú ý trong ngành bất động sản, một cổ phiếu thuộc nhóm Tân Hoàng Minh cũng gây sốc trong giới đầu tư chứng khoán khi liên tục tăng giá trong 4 tháng, kể từ khi chào sàn giữa tháng 8 đến nay.
Công ty cổ phần Tổng Bách Hóa (Mã chứng khoán: TBH) tiền thân là doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa năm 2004 và đến nay thuộc sở hữu tư nhân. Công ty có vốn điều lệ hơn 931 tỷ đồng, trong đó cổ đông lớn nhất là Đầu tư xây dựng Phú Thanh (thuộc Tân Hoàng Minh Group) đang nắm giữ 96,65% cổ phần.
Công ty đưa cổ phiếu TBH lên sàn chứng khoán từ ngày 13/8 với giá tham chiếu 5.700 đồng và lập tức tăng trần. Do bị hạn chế giao dịch nên mã chứng khoán này chỉ phát sinh khớp lệnh vào mỗi phiên thứ sáu hàng tuần.
Điều đáng nói là kể từ khi lên sàn đến nay, TBH chỉ có đúng 17 phiên được phép giao dịch và toàn bộ 17 phiên này đều ghi nhận cổ phiếu tăng lên mức giá trần. Với thị giá hiện 71.100 đồng/cổ phiếu, mã chứng khoán này đã cao gấp 12,5 lần so với giá tham chiếu thời điểm chào sàn.
Tuy nhiên do tính chất cơ cấu cổ đông quá cô đặc, thanh khoản cổ phiếu TBH ở mức rất thấp khi đa phần chỉ có khoảng 2.000 cổ phiếu được khớp lệnh mỗi phiên. Đột biến nhất chỉ có ngày 19/11 ghi nhận hơn 100.000 cổ phiếu được giao dịch khớp lệnh và ngày gần nhất 10/12 có khớp lệnh gần 22.000 cổ phiếu.
Tổng Bách Hóa là đơn vị nổi tiếng với "đất vàng" trong khi hoạt động kinh doanh chính chưa đáng chú ý. Cụ thể công ty sở hữu dự án lớn nhất là khu nhà ở tại 486 Ngọc Hồi (Hà Nội) với tổng mức đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng, trên khu đất rộng gần 36.000 m2.
Bên cạnh đó còn có các dự án tổ hợp trung tâm thương mại dịch vụ như tại khu đất 3.735 m2 tại 15 Bích Câu (Hà Nội) và dự án trên khu đất 2.866 m2 tại 23 Điện Biên Phủ (Hải Phòng)... Do thiếu vốn nên doanh nghiệp cho biết sẽ triển khai lại các dự án sau khi đã tất toán nợ quá hạn.
Trong khi đó hoạt động kinh doanh của công ty khá nghèo nàn. Giai đoạn 2009-2013, tình hình kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn, thua lỗ dẫn đến không có khả năng thanh toán nợ. Tính riêng giai đoạn 2010-2013, lãi vay thực tế mà công ty phải trả hơn 172 tỷ đồng.
Giai đoạn từ cuối năm 2014-2020, Tổng Bách Hóa không thực hiện được hoạt động kinh doanh hàng hóa do phát sinh nợ quá hạn tại các ngân hàng. Hoạt động kinh doanh chỉ còn cho thuê kho và dịch vụ kho, nhưng doanh thu không đủ bù đắp tiền thuê nhà, thuê đất Nhà nước… Riêng năm 2019 lỗ sau thuế hơn 113 tỷ đồng và lỗ tiếp gần 5,5 tỷ đồng trong năm 2020.
Theo báo cáo 9 tháng đầu năm nay, hoạt động kinh doanh chính vẫn kém cỏi khi còn lỗ gộp. Tuy nhiên nhờ nguồn thu bất thường từ hoạt động tài chính và thu nhập khác, doanh nghiệp bất ngờ có lãi sau thuế trên 61 tỷ đồng. Điều này giúp thu hẹp khoản lỗ lũy kế xuống còn 378 tỷ đồng.
Gần đây doanh nghiệp cũng có thêm thông tin tích cực. Tổng Bách Hóa đã ký hợp đồng chuyển nhượng gần 20,6 triệu cổ phần (tương ứng 95% vốn điều lệ) của CTCP Cung Điện Mùa Đông với giá 463 tỷ đồng và chuyển nhượng 33,84 triệu cổ phiếu CTCP Đầu tư BĐS Ngọc Viễn Đông (tương ứng 47% vốn điều lệ) với giá 744,48 tỷ đồng. Hai giao dịch dự kiến giúp Tổng Bách Hóa thu về 1.207 tỷ đồng trong quý cuối năm.