Cổ phiếu nào bị xả nhiều nhất trong năm khối ngoại bán ròng kỷ lục?
Cổ phiếu của Hòa Phát bị bán mạnh nhất gần 19.000 tỷ đồng, gấp đôi con số bán ròng của mã đứng tiếp theo.
Thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại năm 2021 khá tích cực khi các chỉ số chứng khoán đều tăng điểm. Trong đó VN-Index đứng ở mức hơn 1.498 điểm, tương ứng tăng hơn 394 điểm (35,73%) so với cuối năm 2020.
Mức tăng gần 36% đã giúp cho chỉ số đại diện cho chứng khoán Việt Nam đứng thứ 7 trong top 10 thị trường tăng điểm mạnh nhất năm 2021. Chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới thuộc về Abu Dhabi-Index với 68,24%.
Bên cạnh VN-Index, hai chỉ số chứng khoán khác của Việt Nam là HNX-Index và UPCoM-Index cũng tăng lần lượt 133,35% và 51,35%.
TTCK Việt Nam tăng điểm kèm theo sự bùng nổ về thanh khoản. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt gần 26.600 tỷ đồng/phiên (1,16 tỷ USD/phiên), gấp 3,6 lần năm liền trước. Giá trị khớp lệnh bình quân cũng gấp đến 4 lần lên gần 24.500 tỷ đồng/phiên. Riêng thanh khoản sàn HoSE nhiều thời điểm vượt qua Singapore và thậm chí một số phiên tiệm cận thị trường Thái Lan (dù GDP chỉ bằng 2/3 Thái Lan).
Vốn hóa toàn thị trường chứng khoán tại thời điểm cuối năm đạt 7,77 triệu tỷ đồng (338 tỷ USD) và chiếm 99% GDP. Đây là mức tăng khoảng 2,47 triệu tỷ đồng (107 tỷ USD hay 47%) so với cuối năm 2020. Theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045, quy mô thị trường cổ phiếu vào năm 2025 tối thiểu 85% GDP (đã điều chỉnh) và 110% GDP năm 2030.
Mặc dù ghi nhận nhiều thành tích và kỷ lục đáng kể, chứng khoán Việt Nam được hỗ trợ phần lớn bởi dòng tiền nội địa. Trong khi đó năm 2021 lại là câu chuyện kém vui của dòng vốn ngoại khi họ bán ròng kỷ lục trên toàn thị trường.
Điều ít lo ngại là xu thế này cũng đang diễn ra trên nhiều thị trường chứng khoán toàn cầu, đồng thời dòng tiền vẫn ở lại thị trường Việt Nam để tìm kiếm cơ hội chứ chưa rút ròng quá lớn. Bên cạnh đó, lượng bán ròng này cũng được khối nội hấp thụ hết nên không còn tác động nhiều tới tâm lý nhà đầu tư như trước đây.
Năm vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài mua vào tổng cộng 9,5 tỷ cổ phiếu với giá trị 411.860 tỷ đồng, trong khi bán ra 10,9 tỷ cổ phiếu có trị giá 474.185 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức trên 1,4 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 62.325 tỷ đồng, cao gấp 3,3 lần năm trước đó.
Khối ngoại chủ yếu bán mạnh trên sàn HoSE với giá trị kỷ lục 57.832 tỷ đồng, gấp 3,8 lần năm ngoái và là năm bán ròng thứ 2 liên tiếp.
Trong khi HNX có năm thứ 5 liên tiếp bị khối ngoại bán ròng với giá trị cũng lên mức kỷ lục 3.095 tỷ đồng, tăng 26% so với năm liền trước. Sàn UPCoM ghi nhận nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 1.398 tỷ đồng, tương ứng tăng 24%.
Mã chứng khoán bị nước ngoài bán mạnh nhất chính là HPG của Tập đoàn Hòa Phát với hơn 18.900 tỷ đồng (hơn 0,8 tỷ USD). Con số nay cao gấp đôi mức bán ròng ở mã chứng khoán đứng tiếp theo.
Việc nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi Hòa Phát được cho là do liên quan đến chu kỳ kinh doanh của ngành thép, giá thép sau khi tăng lên đỉnh lịch sử đã suy giảm về cuối năm dự báo chu kỳ tăng trưởng có thể sắp kết thúc.
Hòa Phát công bố kết quả kinh doanh 9 tháng khá ấn tượng khi lãi kỷ lục 27.100 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước và trở thành công ty có lãi cao nhất trên sàn chứng khoán. Tập đoàn này cũng đang chủ trương mở rộng mạnh quy mô để tạo đột phá như đầu tư cho dự án thép Dung Quất 2, đẩy mạnh cho mảnh kinh doanh bất động sản, điện máy, sản xuất container...
Nước ngoài sẽ giảm bán ròng rất nhiều trong năm 2022, đôi khi có thể quay lại mua ròng dù không quá mạnh mẽ
Ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cao cấp KIS Việt Nam
Cổ phiếu VPB của ngân hàng VPBank cũng bị bán ròng mạnh hơn 9.300 tỷ đồng. Tiếp đến là VNM của công ty sữa Vinamilk với giá trị ròng 6.630 tỷ đồng và VIC của Tập đoàn Vingroup bị nước ngoài rút ròng 6.129 tỷ đồng.
Đa phần các cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng đều thuộc nhóm vốn hóa lớn trên sàn niêm yết HoSE.Tất cả mã trong danh sách trên đều bị bán ròng từ 2.400 tỷ đồng trở lên trong năm chứng khoán thăng hóa.
Duy chỉ có mã CEO bị trên sàn HNX và MML trên sàn UPCoM thuộc top 10 bán ròng lớn nhất. Trong đó CEO chủ yếu do quỹ ngoại PYN Elite Fund chốt lời khi cổ phiếu bất động sản này tăng phi mã cuối năm. Còn MML chủ yếu do quỹ thuộc Kohlberg Kravis Roberts (KKR) thoái vốn hồi giữa tháng 10.
Chiều mua ròng cũng khá đáng chú ý khi mã VHM của Vinhomes được khối ngoai mua mạnh với 4.664 tỷ đồng và STB của Sacombank được mua 4.206 tỷ đồng.
Những mã khác được mua ròng hàng nghìn tỷ đồng còn có bộ đôi chứng chỉ quỹ ETF nội là FUEVFVND và FUESSVFL. Mã MWG của Đầu tư Thế Giới Di Động, THD của Thaiholdings và PLX của Petrolimex.
Dự báo về diễn biến của khối ngoại trong năm 2022, Giám đốc cao cấp KIS Việt Nam cho rằng phải chờ xem thêm chính sách của Nhà nước đối với nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới. Tuy nhiên ông tin nước ngoài sẽ giảm bán ròng rất nhiều trong năm 2022, đôi khi có thể quay lại mua ròng dù không quá mạnh mẽ.
Vị chuyên gia dẫn giải việc khối ngoại bán ròng đến từ cơ cấu danh mục chứ không thể hiện việc họ rút ròng ra thị trường Việt Nam, ngoại trừ một số quỹ ETF rút ròng. Việc đảo chiều cũng có thể xảy ra khi nền kinh tế hồi phục sẽ tạo niềm tin cho dòng vốn ngoại trở lại. Ngoài ra hệ thống giao dịch mới cũng giúp họ mạnh dạn giải ngân vào thị trường Việt Nam.