Cổ phiếu nhóm bán lẻ sản phẩm công nghệ không còn rẻ
Kinh doanh lao dốc, nhưng các doanh nghiệp bán lẻ sản phẩm công nghệ như Thế giới Di động, FPT Retail, Petrosetco và Thế giới số đang được định giá ở mức đỉnh lịch sử nhiều năm.
Định giá ở mức đỉnh
Từ ngày 24/5 đến 14/9, cổ phiếu Thế giới Di động (mã MWG) tăng 52,4%, từ 37.590 đồng lên 57.300 đồng/cổ phiếu. Từ ngày 17/5 đến 14/9, cổ phiếu FPT Retail (mã FRT) tăng 57,8%, từ 53.500 đồng lên 84.400 đồng/cổ phiếu. Từ ngày 30/3 đến 14/9, cổ phiếu Petrosetco (mã PET) tăng 62,6%, từ 18.700 đồng lên 30.400 đồng/cổ phiếu. Và từ ngày 31/3 đến 14/9, cổ phiếu Thế giới số (mã DGW) tăng 107,3%, từ 28.700 đồng lên 59.500 đồng/cổ phiếu.
Với việc giá cổ phiếu liên tục tăng mạnh, theo dữ liệu trên iBoard của Công ty Chứng khoán SSI, định giá theo P/E của nhóm bán lẻ và phân phối sản phẩm công nghệ đang giao dịch vùng đỉnh lịch sử nhiều năm. Trong đó, tới giữa tháng 9/2023, cổ phiếu MWG giao dịch vùng định giá là 53,61 lần, trong khi mức cao nhất từng ghi nhận năm 2021 là 19,77 lần.
Trong khi đó, cổ phiếu PET giao dịch vùng định giá 36,43 lần (mức cao nhất từng ghi nhận năm 2021 là 18,53 lần); cổ phiếu DGW giao dịch vùng định giá 19,56 lần (lịch sử ghi nhận mức cao nhất là năm 2021 với 16,55 lần). Riêng với FPT Retail, việc định giá theo P/E đã không sử dụng được với doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ (lũy kế 4 quý gần nhất, đơn vị này ghi nhận lỗ khoảng 43,87 tỷ đồng), nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng cao.
Nhóm cổ phiếu bán lẻ trở thành một trong các nhóm ngành hút dòng tiền lớn trên sàn chứng khoán, với kỳ vọng ngành này đã qua thời điểm khó khăn nhất, bắt đầu bước vào chu kỳ hồi phục mới.
Tuy nhiên, nửa đầu năm 2023, Thế giới Di động ghi nhận doanh thu giảm 20,1%, về 56.570,6 tỷ đồng và lợi nhuận giảm tới 98,5%, về còn 38,7 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 21,8% xuống 18,8% và biên lợi nhuận ròng giảm từ 3,64% xuống 0,07% - mức thấp kỷ lục nhiều năm.
Xét về hoạt động kinh doanh theo chuỗi, chuỗi Bán lẻ An Khang ghi nhận lỗ 150,56 tỷ đồng, lũy kế từ năm 2019 tới nay lỗ 469,16 tỷ đồng; chuỗi Bách hóa Xanh ghi nhận lỗ 658,7 tỷ đồng, lũy kế từ năm 2016 tới nay lỗ 8.053,6 tỷ đồng. Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp - chi phí tài chính - chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), Thế giới Di động ghi nhận lỗ 586,6 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 3.310,6 tỷ đồng.
Như vậy, lợi nhuận gộp nửa đầu năm 2023 tạo ra không đủ trả chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp. Thế giới Di động thoát lỗ chủ yếu do ghi nhận doanh thu tài chính 944,45 tỷ đồng (gồm 809,1 tỷ đồng lãi tiền gửi, 106,7 tỷ đồng chiết khấu thanh toán…).
Điều tương tự cũng xảy ra tại FPT Retail. Nửa đầu năm 2023, dù doanh thu tăng 6,6%, lên 14.923,7 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận lỗ 212,7 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 216,1 tỷ đồng. FPT Retail cho biết, công ty con là Dược phẩm Long Châu đóng góp đáng kể vào tăng trưởng doanh thu hợp nhất, nhưng lợi nhuận chưa đủ lớn để bù đắp phần lỗ đến từ mảng công nghệ của công ty mẹ, dẫn đến lợi nhuận hợp nhất toàn công ty bị lỗ.
Khó khăn còn ở phía trước
Tại Hội thảo Ngày Doanh nghiệp Việt Nam do Goldman Sachs & SSI tổ chức mới đây, FPT Retail cho biết, đối với chuỗi FPT Shop, Công ty không mở cửa hàng mới trong năm 2023 do nhu cầu yếu. Công ty sẽ mở mới trở lại vào năm 2024 - 2025 với tốc độ chậm (50 cửa hàng mới mỗi năm).
Do nhu cầu điện thoại di động đã bão hòa, FPT Retail tập trung bổ sung các mặt hàng thiết bị gia dụng vào các cửa hàng FPT Shop trong vài quý qua. Một vấn đề lớn với chuỗi FPT Shop là đang phải đối mặt với cuộc cạnh tranh về giá và Ban lãnh đạo cho rằng, cuộc chiến khốc liệt như vậy sẽ giảm bớt sau khi các công ty lớn giảm lượng hàng tồn kho.
“Tuy nhiên, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ công nghệ sẽ khó quay trở lại mức năm 2021 đến năm 2022, thời điểm nhu cầu về máy tính xách tay cao bất thường”, FPT Retail dự báo biên lợi nhuận thấp đối với chuỗi FPT Shop.
Còn Thế giới Di động cho biết, sức mua thị trường công nghệ sẽ không có sự khác biệt nhiều so với 2 quý đầu năm, do đó chiến lược trọng tâm của Công ty vẫn là “dịch vụ vượt trội với giá cả hợp lý”.
Trong báo cáo về ngành bán lẻ đầu tháng 8/2023, Công ty Chứng khoán Bảo Việt dự báo, năm 2023, lợi nhuận ròng của Thế giới Di động khoảng 1.231 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ; lợi nhuận của FPT Retail khoảng 80,2 tỷ đồng, giảm 79,5%.
Bước sang giai đoạn 2024 -2025, kỳ vọng nhóm doanh nghiệp bán lẻ sẽ hồi phục. Trong đó, lợi nhuận Thế giới Di động năm 2024 tăng 131,1%, lên 2.857 tỷ đồng và năm 2025 tăng 34,3%, lên 3.839 tỷ đồng; lợi nhuận FPT Retail năm 2024 tăng 426,9%, lên 422,6 tỷ đồng và năm 2025 tăng 22,1%, lên 515,8 tỷ đồng.
Có thể thấy, trong ngắn hạn, lĩnh vực công nghệ vẫn cần thời gian để phục hồi và nhóm doanh nghiệp bán lẻ chưa thể đi qua thời điểm khó khăn nhất, cũng như chưa quay lại tăng trưởng.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/co-phieu-nhom-ban-le-san-pham-cong-nghe-khong-con-re-d199315.html