Cơ quan Hải quan căng mình đối phó với các thủ đoạn gian lận thương mại mới

Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, tình hình buôn lậu qua các đường biên giới, lối mòn lối mở năm 2024 đã giảm đáng kể. Tuy buôn lậu giảm, nhưng gian lận thương mại lại đang có dấu hiệu gia tăng. Cơ quan hải quan đóng tại các địa bàn trọng điểm mỗi ngày đều phải nỗ lực chạy đua với những thủ đoạn mới, tinh vi của các đối tượng vi phạm.

Các lô hàng có nghi vấn vi phạm sẽ được kiểm tra thực tế để phòng ngừa rủi ro. Ảnh: Văn Tá

Các lô hàng có nghi vấn vi phạm sẽ được kiểm tra thực tế để phòng ngừa rủi ro. Ảnh: Văn Tá

Muôn vẻ gian lận

Việc gian lận thương mại gia tăng được thể hiện bằng số lượng vụ việc bị cơ quan hải quan phát hiện, bắt giữ, khởi tố gia tăng cả về số lượng lẫn tính chất đa dạng của hàng hóa vi phạm. Ghi nhận trong 7 tháng đầu năm 2024, ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 9.820 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 18.378 tỷ đồng. Cơ quan hải quan đã khởi tố 16 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 101 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là 412,7 tỷ đồng.

Đáng nói, các đối tượng bất chấp mọi thủ đoạn tinh vi qua mặt cơ quan chức năng, qua mặt cả các công cụ kiểm soát của lực lượng kiểm hóa để tuồn vào nội địa.

Điển hình như, vụ việc hơn 10 nghìn bao thuốc lá được đối tượng cất giấu trong xe container đang chuyên chở các hàng hóa thông thường khác. Qua nắm bắt thông tin, số thuốc lá lậu này đã bị Hải quan Tây Ninh phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Cũng là thuốc lá, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị cũng từng bắt vụ việc hơn 6.000 bao được trộn lẫn trong các túi đường kính trắng nhập từ nước ngoài về Việt Nam.

Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai (Cục Hải quan Lào Cai) cho hay, mới đây, tại địa điểm tập kết, kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu tập trung 13BBC09, đơn vị đã phát hiện, bắt giữ lô hàng ẩn lậu hơn 8 tấn trứng gà non đông lạnh, tổng trị giá hàng vi phạm 723,6 triệu đồng. Hành vi vi phạm của doanh nghiệp là nhập khẩu hàng hóa thực tế không đúng với khai báo hải quan về lượng, tên hàng, chủng loại mà không có chứng từ để khai bổ sung theo quy định của pháp luật hải quan về khai bổ sung. Doanh nghiệp đã dùng thủ đoạn ghép chung hàng hóa nhập khẩu không khai báo hải quan vào hàng hóa có khai báo hải quan trên cùng phương tiện vận tải. Cụ thể, doanh nghiệp khai báo hàng hóa nhập khẩu là mặt hàng rau, nhưng thực tế ngoài mặt hàng này còn có hơn 8 tấn trứng gà non đông lạnh.

Tại TP. Hồ Chí Minh, lực lượng hải quan phát hiện một thủ đoạn rất mới. Đó là cùng một lô hàng nhưng các đối tượng khai báo nhiều tờ khai ở cùng một chi cục hoặc khác chi cục, nếu luồng đỏ thì hủy tờ khai, sau đó chọn luồng vàng, xanh để thông quan hàng hóa… Hay một số vụ việc khác, đối tượng cố tình khai nhiều mặt hàng nhưng thực nhập chỉ có một mặt hàng và ngược lại nhằm trốn thuế.

Một kiểu gian lận khác cũng được phát hiện cách đây không lâu, chính là “ngụy trang”. Ông Nguyễn Sỹ Tráng – Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng cho biết, các đối tượng liên tục thay đổi các phương thức, kết hợp với nhiều thủ đoạn tinh vi, qua mặt lực lượng chức năng, đánh lừa máy soi chiếu để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm trái phép vào Việt Nam. Vụ bắt 1,6 tấn ngà voi nhập lậu được đưa vào cảng quốc tế Lạch Huyện, Hải Phòng là một điển hình. Để qua mặt lực lượng chức năng, số ngà voi được sơn đen – thủ đoạn chưa bao giờ được sử dụng nhằm đánh lừa máy soi và khiến ngà voi được nhìn giống như các mặt hàng khai báo bình thường. Đây là cách dùng kỹ thuật để đối phó với kỹ thuật kiểm soát của cơ quan hải quan nhằm che giấu tang vật.

Nhiều đối tượng chấp nhận xé lẻ hàng hóa, thẩm thấu hàng lậu thông qua những đơn hàng nhỏ hay hội nhóm xách tay hộ với đa dạng chủng loại mặt hàng. Hàng lậu qua đường hàng không có thể được mang trong hành lý cá nhân xách tay, ký gửi đi du lịch, học tập, công tác ở nước ngoài về hoặc các công ty chuyển phát nhanh tại các kho hàng. Để lừa máy soi chiếu ở sân bay, hàng cấm, hàng lậu cũng được ngụy trang, đóng gói rất tinh vi.

Cải tiến kỹ thuật là rất cấp thiết

Từ các vụ việc vi phạm cụ thể được phát hiện có thể nhận thấy nổi lên một số phương thức thủ đoạn có tính chất phổ biến, đó là doanh nghiệp triệt để lợi dụng sự thông thoáng trong chính sách quản lý, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, lợi dụng quy trình thủ tục hải quan.

Thủ đoạn phổ biến nhất vẫn là khai báo sai tên hàng, chủng loại, số lượng, xuất xứ; cất giấu hàng hóa cấm, hàng hóa thuộc danh mục CITES lẫn trong các loại hàng hóa thuộc diện được tạo thuận lợi về chính sách khi nhập khẩu, nhất là mặt hàng nông sản. Mục đích là lẩn tránh việc kiểm tra, kiểm soát của cơ quan hải quan. Rồi lợi dụng loại hình quá cảnh để vận chuyển hàng giả, hàng cấm, hàng vi phạm, hàng sở hữu trí tuệ. Lợi dụng hàng đầu tư gia công, sản xuất xuất khẩu để nhập khẩu hàng hóa khác hoặc bán nguyên liệu vào nội địa.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến yếu tố khoa học kỹ thuật. Với sự phát triển như vũ bão hiện nay, các đối tượng sẽ không từ thủ đoạn nào để đưa được hàng lậu, hàng cấm vào Việt Nam thông qua gian lận thương mại. Vì vậy, việc liên tục cải tiến kỹ thuật giám sát là hết sức cấp thiết.

Theo ông Đỗ Viết Sinh – Phó trưởng phòng Giám sát hải quan trực tuyến, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ đòi hỏi trình độ quản lý của cơ quan hải quan nói chung cũng phải có sự thay đổi, thích ứng với xu thế. Trong đó, công tác trực ban của ngành Hải quan là một trong những hoạt động kiểm soát, giám sát trên nền tảng công nghệ, là công cụ hữu hiệu trong răn đe, kiểm soát các vi phạm cũng như kiểm soát nội bộ. Một mặt vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, mặt khác vẫn đảm bảo kiểm soát được tình hình, hạn chế tới mức thấp nhất việc doanh nghiệp lợi dụng cơ chế chính sách để buôn lậu, gian lận thương mại.

Xây dựng kế hoạch trọng điểm đối với từng lô hàng, từng tuyến đường

Để áp dụng chống gian lận thương mại có hiệu quả, cơ quan Hải quan xây dựng kế hoạch trọng điểm đối với từng lô hàng, từng tuyến đường. Từ kế hoạch đó, đưa ra phân tích, áp dụng quản lý rủi ro với các doanh nghiệp, các mặt hàng có nguy cơ gian lận cao để tập trung kiểm tra, giám sát nhằm giảm mức độ rủi ro trong nhập khẩu hàng hóa.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/co-quan-hai-quan-cang-minh-doi-pho-voi-cac-thu-doan-gian-lan-thuong-mai-moi-156857.html