Cơ quan hải quan hỗ trợ tích cực cho xuất khẩu nông sản

Trái ngược với bức tranh 'màu xám' của xuất nhập khẩu, từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều mặt hàng nông sản đã liên tục ghi nhận kỷ lục mới trong xuất khẩu, với những con số hàng tỷ USD, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Điều này có sự góp phần không nhỏ của những giải pháp tạo thuận lợi từ các cơ quan hải quan đóng tại biên giới phía Bắc.

Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồ họa: Hồng Vân

Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồ họa: Hồng Vân

Điểm tăng trưởng “dương” duy nhất

Sau gần 3 năm ngưng trệ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm 2023, hoạt động xuất nhập khẩu với Trung Quốc ở biên giới phía Bắc đã sôi động trở lại. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 8 tháng năm 2023, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 105,45 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 36,61 tỷ USD, tăng 2,35% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam chiếm 16% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Đây là thị trường duy nhất đạt được tăng trưởng dương trong những tháng qua trong bối cảnh xuất nhập khẩu nói chung suy giảm, giúp Việt Nam tiếp tục duy trì vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Đáng chú ý, hết tháng 8, riêng xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đạt 2,2 tỷ USD, tăng 134% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 63,66% kim ngạch cả nước.

Hoạt động xuất nhập khẩu đặc biệt khởi sắc ở các địa bàn trọng điểm biên giới phía Bắc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai.

Tại Lạng Sơn, hoạt động xuất nhập khẩu hiện đang duy trì ở 6 cửa khẩu, trong đó có những địa bàn trọng điểm về xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc như Hữu Nghị, Tân Thanh. Cục Hải quan Lạng Sơn cho hay, đến trung tuần tháng 9/2023, kim ngạch xuất khẩu làm thủ tục tại đơn vị đạt 1,63 tỷ USD, tăng 302% so với cùng kỳ. Lượng hàng hóa trung bình đi qua các cửa khẩu đạt khoảng 1.100-1.200 xe/ngày, trong đó xuất khẩu trung bình 400-500 xe/ngày với 80% số hàng xuất là hoa quả tươi.

Tại Lào Cai, từ đầu năm 2023, hoạt động xuất nhập khẩu trọng điểm tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành cũng diễn ra hết sức sôi động. Đây là một trong những địa bàn xuất khẩu quan trọng với các mặt hàng trái cây của Việt Nam như sầu riêng, thanh long, dưa hấu, vải thiều. Tính đến giữa tháng 9, kim ngạch xuất khẩu nông sản làm thủ tục tại các đơn vị thuộc Cục Hải quan Lào Cai đạt 188,5 triệu USD, tăng 116% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng lượng hàng hóa thông quan qua cửa khẩu đạt 300 nghìn tấn, tăng 84%.

Ở Quảng Ninh, cụ thể là địa bàn TP. Móng Cái, hoạt động xuất khẩu nhộn nhịp tại 2 điểm thông quan chính là Cầu Bắc Luân II và lối mở cầu phao Km3+4. Thời điểm hiện tại, trung bình mỗi ngày, lực lượng hải quan xử lý thông quan cho từ 150 đến 200 lượt phương tiện vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cầu Bắc Luân II và hàng chục xe hàng xuất khẩu qua lối mở cầu phao Km3+4. Đây là những con số rất tích cực so với thời điểm trầm lắng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cách đây 1 năm trở về trước.

Mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt từ 54-55 tỷ USD

Mục tiêu đặt ra trong năm 2023 là kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt từ 54 - 55 tỷ USD, trong đó mặt hàng nông sản chính 25 tỷ USD; lâm sản và đồ gỗ 17 tỷ USD; thủy sản 10 tỷ USD; các mặt hàng khác khoảng 3 tỷ USD.

Thống kê sơ bộ đến giữa tháng 9. Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái đã làm thủ tục cho hơn 560 nghìn tấn nông sản, thủy - hải sản xuất khẩu; tăng 222,6% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch hàng nông sản xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD, tăng tới 345,5%. Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu như hoa quả tươi, hoa quả sấy, chè sấy khô, hạt điều, hạt tiêu, tinh bột sắn, thủy hải sản đông lạnh.

Nhiều giải pháp hỗ trợ

Kết quả nói trên cho thấy hiệu quả trong các giải pháp tạo thuận lợi của cơ quan hải quan ngay sau khi Trung Quốc khôi phục hoạt động giao thương, hoạt động xuất nhập cảnh một cách bình thường kể từ đầu năm 2023.

Theo ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Móng Cái (Cục Hải quan Quảng Ninh), với tinh thần cầu thị, lắng nghe, đơn vị tích cực triển khai các giải pháp giải quyết những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp và đồng hành, cùng tìm ra những điểm nghẽn, cách thức giải quyết. Chi cục cũng chủ động cử các tổ công tác đến trực tiếp doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đóng tại các khu công nghiệp Hải Hà, Hải Yên và các doanh nghiệp tiềm năng ở Hải Phòng, Hưng Yên, TP. Hồ Chí Minh để trao đổi thông tin, hướng dẫn, nắm bắt hoạt động của doanh nghiệp, ghi nhận phát sinh vướng mắc, tiếp nhận mong muốn đổi mới mà doanh nghiệp phản ánh đề xuất, kiến nghị để qua đó có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Ông Dương Xuân Sinh - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lào Cai cho biết, tại khu vực cửa khẩu Kim Thành, nông sản xuất khẩu được đưa khôi phục lại chế độ ưu tiên khi làm thủ tục thông quan như thời điểm trước dịch bệnh do thỏa thuận giữa giữa Hải quan Việt Nam và Hải quan Hà Khẩu. Nông sản thuộc luồng xanh, luồng ưu tiên, nếu đầy đủ các thủ tục và tuân thủ biện pháp chống dịch thì chỉ mất thời gian rất ngắn đã được thông quan. Lực lượng hải quan đóng tại cửa khẩu cũng tuyên truyền hỗ trợ, đẩy mạnh tư vấn giúp cho doanh nghiệp khai báo tốt, thực hiện tốt các thủ tục.

Các doanh nghiệp, thương nhân làm thủ tục qua các cửa khẩu trên địa bàn Móng Cái cũng đánh giá cao các giải pháp tạo thuận lợi của cơ quan hải quan trong sự khởi sắc của xuất khẩu nông sản thời gian qua. Ông Bùi Văn Mạnh - nhân viên Công ty Nhật Hải Bình chia sẻ, đối với những thủ tục giấy tờ, những vướng mắc về hồ sơ, chính sách của nhà nước, cơ quan hải quan hỗ trợ hết mình để làm sao doanh nghiệp làm thủ tục nhanh nhất và giải phóng hàng hóa nhanh nhất để xuất khẩu.

Với những tín hiệu lạc quan vừa qua, kỳ vọng những tháng cuối năm, hoạt động giao thương với Trung Quốc sẽ tiếp tục khởi sắc, đặc biệt là xuất khẩu nông sản của Việt Nam, góp phần đạt mục tiêu đề ra.

ÔNG LƯU MẠNH TƯỞNG - PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN:

Tạo điều kiện tối đa, thông quan nhanh cho hàng nông sản

Ông Lưu mạnh Tưởng

Ông Lưu mạnh Tưởng

Cơ quan hải quan đã triển khai nhiều giải pháp tích cực tạo điều kiện tối đa và thực hiện thông quan ngay trong ngày đối với hàng hóa xuất khẩu là nông sản đến thời điểm thu hoạch chính vụ nói riêng và nông sản nói chung; giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu hàng hóa; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin với cơ quan kiểm dịch để thực hiện nhanh chóng thủ tục cho doanh nghiệp.

Trong đó, tích cực đơn giản hóa thủ tục hải quan, rút ngắn thời gian thông quan, bố trí cán bộ giải quyết thủ tục thông quan và giám sát hàng hóa xuất khẩu ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ.

ÔNG NGUYỄN ANH TÀI - PHÓ CỤC TRƯỞNG CỤC HẢI QUAN LẠNG SƠN:

Sử dụng các dịch vụ chuyên nghiệp để tránh rủi ro

Ông Nguyễn Anh Tài

Ông Nguyễn Anh Tài

Thương nhân, doanh nghiệp phải nắm rõ các quy định, các hàng rào của nước nhập khẩu về nhãn mác, vùng trồng, xác định người xuất, người nhập.

Với thị trường Trung Quốc thì thương nhân, doanh nghiệp phải lưu ý đăng ký được mã số người xuất khẩu. Khi đưa hàng lên cửa khẩu thì phải liên hệ chặt chẽ với phía đối tác nhập khẩu phía Trung Quốc để thực hiện giao nhận hàng hóa.

Doanh nghiệp cần sử dụng các hãng vận tải chuyên nghiệp để họ có thể hỗ trợ mình tối đa từ khâu chuyên chở đến giao nhận sang phía bên kia biên giới. Tiến hành khai báo hải quan, xin các giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy kiểm dịch đúng theo quy định để khi làm thủ tục tại cửa khẩu thuận lợi hơn./.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/co-quan-hai-quan-ho-tro-tich-cuc-cho-xuat-khau-nong-san-136933.html