Cơ quan y tế châu Âu theo dõi sát sao các biến thể mới của Omicron

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Ảnh: AFP/ TTXVN

* Nghiên cứu mới: Gần 1/4 dân số Mỹ mắc hội chứng COVID-19 kéo dài

Theo kết quả nghiên cứu mới của các nhà khoa học được công bố ngày 20/7 trên tạp chí Scientific Reports (Anh), gần 1/4 người dân Mỹ đã mắc hội chứng COVID-19 kéo dài với các triệu chứng kéo dài từ 12 tuần trở lên.

Nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Đại học Nam California (USC) dẫn dắt, được thực hiện với khoảng 8.000 người được trên khắp nước Mỹ.

Những người này phải trả lời bảng hỏi về tình trạng sức khỏe nói chung và tình trạng bệnh COVID-19 của họ với tần suất 2 lần/tuần, trong thời gian từ 3/2020 đến tháng 3/2021.

Kết quả, khoảng 23% người tham gia nghiên cứu cho biết có ít nhất 1 triệu chứng mới kéo dài hơn 12 tuần. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng tỉ lệ mắc hội chứng COVID-19 kéo dài tăng đáng kể ở người béo phì, bị rụng tóc, đau đầu hoặc bị đau họng vào thời điểm bị mắc COVID-19.

Tác giả chính của nghiên cứu, nghiên cứu sinh Qiao Wu tại trường lão khoa USC Leonard Davis School of Gerontology thuộc Đại học Nam California, cho hay hội chứng COVID-19 kéo dài từ lâu đã trở thành mối quan ngại lớn về sức khỏe cộng đồng. 23% người Mỹ bị mắc hội chứng này là một tỉ lệ rất cao và có thể lây lan sang hàng triệu người.

Cũng theo ông Wu, việc có thêm kiến thức về mức độ lây lan, các triệu chứng kéo dài và các yếu tố gây rủi ro của hội chứng COVID-19 kéo dài có thể giúp cơ quan y tế phân bổ các nguồn lực và dịch vụ để giúp người bệnh trở lại cuộc sống bình thường.

Không chỉ hứng chịu nắng nóng, châu Âu đang đối mặt với làn sóng mới của dịch COVID-19 khi số ca nhiễm mới ghi nhận trong 6 tuần qua đã tăng gấp 3 lần.

Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh châu Âu (ECDC) ngày 20/7 cho biết làn sóng mới của dịch COVID-19 tại châu lục này chủ yếu do sự lây lan của các biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron. Bà Agoritsa Baka cho biết 2 biến thể này hiện gây ra tới 80% số ca mắc mới tại châu Âu.

Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), châu Âu có gần 3 triệu ca nhiễm mới trong 1 tuần qua, tức chiếm gần 50% số ca nhiễm mới ghi nhận toàn thế giới.

Số bệnh nhân COVID-19 cần nhập viện điều trị cũng tăng gấp 2 lần trong nhiều tuần qua. Đài truyền hình Thụy Điển cũng đề cập đến số liệu thống kê của WHO cho biết có gần 3.000 người châu Âu tử vong do COVID-19 mỗi tuần.

Trước tình hình trên, ECDC cho rằng cần tái áp đặt các biện pháp phòng dịch như bắt buộc đeo khẩu trang trên phương tiện công cộng và hạn chế tụ tập đông người. Hiện có nhiều ý kiến lo ngại biến thể mới BA.2.75 có thể làm gia tăng số ca nhiễm mới. Biến thể này sau khi lây lan nhanh tại Ấn Độ đã được phát hiện tại 15 nước khác, trong đó có Anh, Đức, Hà Lan và Đan Mạch.

Theo bà Baka, còn quá sớm để xác định biến thể này có nguy hiểm hơn các biến thể đang lưu hành hay không. Bà khẳng định cơ quan chức năng đang theo dõi sát sao tình trạng lây lan của biến thể này và đợi dữ liệu tổng hợp từ nhiều nước.

Theo số liệu của trang thống kê worldometers.info, tính đến trưa 21/7, toàn thế giới có hơn 571.700.00 ca mắc SARS-CoV-2, gần 6,4 triệu người đã tử vong do COVID-19. Có gần 541.800.000 ca đã phục hồi. Hiện còn 23.513.000 triệu ca vẫn dương tính, trong đó có 40.500 bệnh cần cần điều trị tích cực.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/281015/co-quan-y-te-chau-au-theo-doi-sat-sao-cac-bien-the-moi-cua-omicron.html