Con dấu doanh nghiệp bị chiếm giữ: xử lý thế nào?
Ngày 6-6 vừa qua, Cục Thi hành án dân sự đã cưỡng chế, buộc bà Lê Hoàng Diệp Thảo giao con dấu cho Công ty cổ phần Đầu tư Trung Nguyên theo bản án đã có hiệu lực của Tòa án Nhân dân cấp cao tại TPHCM. Tuy nhiên, bà Thảo đã không đồng ý và tố cáo chấp hành viên với lý do Công ty Trung Nguyên đã có con dấu mới từ ngày 20-10-2015, hiện tại bà Thảo không chiếm giữ con dấu. Con dấu - 'công cụ quyền lực'?
Thực tiễn đó cho thấy những vụ việc tranh chấp liên quan đến con dấu doanh nghiệp vẫn tiếp diễn mặc dù Luật Doanh nghiệp năm 2014 (LDN) đã có nhiều quy định sửa đổi về con dấu doanh nghiệp.
Những tranh chấp liên quan việc chiếm giữ hay đòi hoàn trả con dấu doanh nghiệp là do quy định của pháp luật hiện hành vẫn buộc doanh nghiệp phải có con dấu, phải đóng dấu trong nhiều trường hợp, mặc dù doanh nghiệp được quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp. Thói quen sử dụng con dấu doanh nghiệp cũng khiến các bên liên quan buộc doanh nghiệp phải sử dụng con dấu.
Do vậy, khi xảy ra tranh chấp trong nội bộ doanh nghiệp (tranh chấp giữa các thành viên công ty với nhau, giữa thành viên với công ty; tranh chấp về trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp...) thì một trong các bên tranh chấp thường có hành vi chiếm giữ con dấu để “duy trì quyền lực” của mình cũng như gây khó khăn cho các bên tranh chấp còn lại trong việc điều hành, quản lý doanh nghiệp. Hướng xử lý, phải chăng vẫn cứ phải khởi kiện ra tòa và chờ đợi thi hành án, như trường hợp nêu trên của Công ty Trung Nguyên?
Con dấu thuộc quyền tự quyết của doanh nghiệp thông qua điều lệ
Hướng dẫn LDN, khoản 1 điều 12 của Nghị định 96/2015/NĐ-CP quy định chủ doanh nghiệp tư nhân (đối với doanh nghiệp tư nhân), hội đồng thành viên (đối với công ty hợp danh), hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn), hội đồng quản trị (đối với công ty cổ phần) quyết định số lượng, hình thức, nội dung và mẫu con dấu, việc quản lý và sử dụng con dấu, trừ trường hợp điều lệ của công ty có quy định khác.
Như vậy, pháp luật hiện hành đã quy định con dấu của doanh nghiệp thuộc quyền tự quyết của doanh nghiệp thông qua điều lệ, thông qua cơ quan có quyền quyết định của doanh nghiệp chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào cá nhân nào, kể cả đó là tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng thành viên, hội đồng quản trị hay người đại diện theo pháp luật...
Các hướng xử lý
Nếu công ty xảy ra trường hợp có người chiếm giữ trái phép con dấu thì để hạn chế việc kiện tụng kéo dài tại tòa án, và để hoạt động của công ty không bị ảnh hưởng, doanh nghiệp cần tự cứu mình trước khi... tòa cứu.
Doanh nghiệp có thể quyết định thay đổi mẫu con dấu phù hợp với các quy định của pháp luật và với điều lệ của công ty. Chẳng hạn với vụ việc của Công ty cổ phần Đầu tư Trung Nguyên nêu trên, nếu cho rằng bà Thảo đã chiếm giữ trái phép con dấu, hội đồng quản trị của công ty hoàn toàn có thẩm quyền thay đổi mẫu con dấu của công ty và thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh trước khi sử dụng theo đúng quy định của LDN và điều lệ công ty. Trong trường hợp này, một cá nhân khó có thể cản trở việc thay đổi mẫu con dấu của công ty.
Trên thực tế, khi cho rằng con dấu đã bị chiếm giữ trái phép ngày 16-10-2015 thì đến ngày 20-10-2015, Công ty Trung Nguyên đã thông báo mẫu con dấu mới cho cơ quan đăng ký kinh doanh và đã được đăng tải trên cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia. Theo thông báo của công ty, mẫu dấu mới có hiệu lực từ ngày 21-10-2015. Như vậy, công ty đã có con dấu mới và con dấu cũ không còn giá trị. Điều này được quy định rõ tại khoản 5 điều 34 Nghị định 78/2015/NĐ-CP hướng dẫn LDN (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 108/2018/NĐ-CP): “Trường hợp thông báo về việc sử dụng mẫu con dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện đã được đăng tải trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thì thông báo về việc đăng tải thông tin về mẫu con dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện các lần trước đó không còn hiệu lực”.
Từ đó có thể thấy việc kiện đòi lại con dấu chỉ nên là giải pháp pháp lý sau cùng, bởi lẽ thủ tục tố tụng kéo dài, thậm chí còn phải trải qua giai đoạn thi hành án. Như vụ của Trung Nguyên đã kéo dài suốt từ năm 2015, thậm chí đến nay vẫn chưa xong!
Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, việc kiện tụng của Công ty Trung Nguyên và việc huy động các cơ quan tư pháp vào cuộc đòi lại con dấu đã hết hiệu lực không còn là việc làm nhiều ý nghĩa, nếu không muốn nói là tiêu tốn nhiều thời gian, chi phí và công sức của các bên liên quan. Tất nhiên, đây vẫn là yêu cầu, quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp để đòi lại những gì thuộc về mình và doanh nghiệp được khởi kiện để tòa án giải quyết tranh chấp cũng như yêu cầu thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Ngoài việc chủ động thay đổi mẫu con dấu, trước khi kiện tụng, doanh nghiệp còn có thể áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với người chiếm giữ trái phép con dấu. Hành vi này có thể bị xử theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Cụ thể, điều 12 nghị định này quy định về việc xử phạt đối với các vi phạm về quản lý và sử dụng con dấu, bao gồm cả con dấu doanh nghiệp. Điểm c khoản 2 điều 12 nêu rõ hành vi “tự ý mang con dấu ra khỏi cơ quan, đơn vị mà không được phép của cấp có thẩm quyền” là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng. Mặc dù một vài quy định của nghị định này về con dấu đã không còn phù hợp do LDN đã sửa đổi quy định về con dấu, và chế tài xử lý tại nghị định rõ ràng không đủ sức răn đe, nhưng đây vẫn là một giải pháp pháp lý có thể thực hiện trước khi kiện tụng.
Thực tiễn cũng cho thấy việc yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong trường hợp này cũng không dễ dàng. Do vậy, để biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi chiếm giữ trái phép con dấu doanh nghiệp trở nên hữu hiệu hơn thì cần có chế tài nghiêm khắc hơn và sự vào cuộc tích cực hơn của cơ quan chức năng. Cũng cần sửa đổi, bổ sung, đưa chế tài xử lý hành vi này vào nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư để đảm bảo sự thống nhất của các quy định pháp luật.
Biện pháp xử lý nghiêm khắc nhất đối với hành vi chiếm đoạt con dấu trái phép là biện pháp truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều 342 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định về tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Theo khoản 1 điều này, “người nào chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy trái phép con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức không thuộc tài liệu bí mật nhà nước hoặc bí mật công tác, thì bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”. Nếu có các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì còn có thể bị phạt tù đến năm năm.
Như vậy, doanh nghiệp có nhiều biện pháp pháp lý có thể vận dụng để xử lý đối với hành vi chiếm giữ con dấu trái phép, bao gồm việc doanh nghiệp chủ động thay đổi mẫu con dấu để mẫu dấu cũ không còn hiệu lực; giải quyết bằng xử lý vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự.
Về lâu dài, giải pháp căn cơ nhất là pháp luật về con dấu doanh nghiệp cần phải được tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện, để con dấu không còn là “công cụ pháp lý”, “công cụ quyền lực” trong doanh nghiệp; con dấu chỉ nên là một quy định tùy chọn cho doanh nghiệp mà không bắt buộc doanh nghiệp phải có, phải dùng.
(*)Công ty Luật KAV Lawyers
LS. Kiều Anh Vũ(*)