Con đường nghìn đô

Chính phủ đề ra mục tiêu cho năm 2021, GDP đầu người khoảng 3.700 USD/người, tăng khoảng một nghìn USD so với năm 2020. Con đường nghìn đô này, tưởng là rất ngắn, nhưng thực sự cũng là rất xa khi ngoảnh đầu nhìn lại.

Arnh minh họa

Arnh minh họa

Quy mô GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 2.750 USD, chỉ tăng gần 35,6 USD so với năm 2019, thấp hơn mức tăng của năm 2019 (tăng khoảng 144 USD). Còn GDP bình quân đầu người giai đoạn 2011- 2015 đạt 2.097 USD/người. Như vậy, trong quãng thời gian lên tới 10 năm, GDP bình quân đầu người của Việt Nam mới tăng được khoảng 700 USD.

Vậy mà giờ đây, chỉ trong một năm, từ 2020 đến 2021, mà xác định mục tiêu tăng từ 2.750 USD/người lên 3.700 USD/người, thì rõ là một hành trình xa ngái. Nhưng cũng không thể lựa chọn mục tiêu thấp hơn cho con số này. Bởi mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2016 - 2020, GDP bình quân đầu người đã là 3.200 USD/người đến 3.500 USD/người.

Trong khu vực Đồng Nam Á, GDP bình quân đầu người của Việt Nam cũng là một con số cực kỳ khiêm tốn. Singapore có GDP bình quân đầu người trên 58 nghìn USD/người, Brunei trên 23 nghìn USD, Malaysia trên 10 nghìn USD, Thái Lan khoảng 7,3 nghìn USD, Indonesia trên 4 nghìn USD… GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2020 chỉ hơn được Lào (2.567 USD/người), Cambodia (1.572 USD/người) và Myanmar (1.332 USD/người), theo một dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Dẫu rằng Việt Nam lập được các kỳ tích giảm nghèo, thì thu nhập bình quân đầu người, nhất là thu nhập bình quân hộ nghèo, vẫn luôn là một tâm tư nhức nhối. Thu nhập bình quân hộ nghèo đến đầu năm 2019 tăng khoảng 1,4 lần so với cuối năm 2015, dự kiến đến cuối năm 2020 thu nhập hộ nghèo tăng 1,6 lần, vượt chỉ tiêu đề ra là 1,5 lần. Nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn phát sinh tương đối lớn, trung bình giai đoạn 2016 - 2019 bằng 21,8% so với tổng số hộ thoát nghèo và khả năng tỷ lệ này còn cao hơn vào năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thiên tai bão lũ.

Theo cùng đó, khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng. Sự chênh lệch tuyệt đối về thu nhập giữa những người giàu nhất và những người nghèo nhất đang là một thách thức của mục tiêu phát triển theo hướng đảm bảo công bằng xã hội. Năm 2008, thu nhập nhóm 5 (nhóm giàu nhất) gấp 8,9 lần so với nhóm 1 (nhóm nghèo nhất). Đến năm 2018 thu nhập nhóm 5 đã gấp 9,86 lần so với nhóm 1 cho thấy khoảng cách thu nhập giữa các nhóm ngày càng xa, bất bình đẳng thu nhập giai đoạn này có xu hướng gia tăng khá nhanh và Việt Nam đang dần trở thành nước có chênh lệch giàu nghèo cao.

Vào năm 2017, khi GDP bình quân đầu người của Việt Nam lần đầu tăng được ở mức hơn 2.300 USD, nhiều lời chúc mừng gửi tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bởi hoàn cảnh như vậy mà đạt được như vậy, thế đã là rất khấm khá. Nhưng ông đáp lại, "một đất nước có thu nhập bình quân đầu người như vậy thì có gì quá phấn khởi, mà còn là nỗi buồn bực của người làm lãnh đạo".

Năm 2018, con số này đạt được ở mức hơn 2.500 USD. Năm 2019, tiếp tục đà này khi đạt được hơn 2.700 USD, nếu tính cả quy mô nền kinh tế bị bỏ sót thì con số này còn có thể đạt ngưỡng trên 3.000 USD. Thủ tướng vẫn thấy buồn bực và cho hay, đó sẽ luôn là nỗi buồn bực trong suốt nhiệm kỳ này của ông. Bởi những gì mà Thủ tướng thấy vẫn là đời sống người dân còn khó khăn quá. “Tôi được nghe kể người dân chạy bão mà đồ đạc không có gì cầm theo, chỉ ôm theo con lợn lên thuyền chòng chành”, Thủ tướng ngậm ngùi, “đừng chỉ nhìn các con số mà vội thấy vui, hãy nhìn, hãy nghe về những cảnh đời. Thực tế đó luôn làm cho chúng ta day dứt, trăn trở”.

Giờ đây, những ngày bão lũ quần thảo miền Trung, sẽ có thêm những người đã nghèo lại càng nghèo thêm nữa. Con đường nghìn đô, sẽ thêm một lần nữa hụt đích. Dẫu vậy, phía trước vẫn nên là niềm lạc quan về một Việt Nam luôn kiên cường trong gian khó và không ngừng khát vọng hùng cường, thịnh vượng. Ngay ở nơi được coi là cường quốc số một thế giới, truyền thông Mỹ nhắc đến Việt Nam như điều thần kỳ mới của châu Á.

Đoàn Trần

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thoi-su/2020-10-30/con-duong-nghin-do-94334.aspx