Con gái Việt ngày càng mê bóng đá, phụ nữ Iran 40 năm mới được tới SVĐ

Trong khi hình ảnh các nữ cổ động viên trên khán đài là điều vô cùng bình thường thì ở Iran, có những cô gái bị bỏ tù chỉ vì cố gắng tới sân vận động để xem một trận đấu.

Sau giải U23 châu Á 2018 ở Thường Châu (Trung Quốc) và loạt thành tích ở các giải đấu tầm châu lục, những Xuân Trường, Công Phượng, Văn Lâm... đã tạo nên cú hích, nâng cao tinh thần yêu bóng đá của khán giả Việt Nam, trong đó có nhiều cổ động viên nữ.

Sự xuất hiện chớp nhoáng của những bóng hồng trên khung hình, góc quay trong các trận đấu luôn thu hút sự chú ý.

Không riêng Việt Nam, ở nhiều quốc gia khác, phái nữ cũng được quyền tự do thể hiện tình yêu với bóng đá.

Trong mùa World Cup 2018, trên khắp các sân vận động lớn của Nga - nơi diễn ra các trận cầu nảy lửa - đều có sự xuất hiện của đông đảo fan nữ.

Bên cạnh những bóng hồng xứ bạch dương, những cô gái đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Brazil... cũng nhận được nhiều lời tán dương bởi tinh thần yêu thể thao.

Coi chuyện nữ giới đi xem bóng đá là điều đáng khuyến khích, nhiều người bất ngờ khi biết rằng suốt 40 năm qua, ở Iran - quốc gia Hồi giáo nằm ở nửa kia châu lục - phụ nữ, trẻ em gái từng nhiều lần phải đối mặt với án tù, thậm chí mạng sống bị đe dọa nếu dám đến sân vận động thể thao.

Trong trận vòng loại World Cup 2022 hôm 10/10, lần đầu tiên phụ nữ nước này được bước vào sân cổ vũ bóng đá. Đây là kết quả cho cuộc đấu tranh bền bỉ của những người ủng hộ nữ quyền, đánh đổi bằng cả nước mắt và mạng sống.

Phụ nữ Iran lần đầu tiên được mua vé vào sân vận động để cổ vũ bóng đá. Ảnh: Reuters.

Phụ nữ Iran lần đầu tiên được mua vé vào sân vận động để cổ vũ bóng đá. Ảnh: Reuters.

Bị bỏ tù nếu dám đến sân vận động

Trong một bài xã luận cho New York Times, Maryam Shojaei kể lại câu chuyện bản thân mình phải trả giá như thế nào chỉ vì tình yêu bóng đá.

Cô lớn lên ở thành phố Shiraz - nơi được coi là trung tâm thương mại lớn của tỉnh Fars (Iran) hơn 1000 năm qua. Anh trai Masoud của cô là cầu thủ tài năng, đội trưởng của tuyển quốc gia Iran và từng chơi 3 mùa tại FIFA World Cup.

Thế nhưng mẹ, chị gái và Maryam chưa từng một lần được tự do ra sân cổ vũ cho người thân tại đất nước mình. Thậm chí, Maryam từng bị giam giữ khi cố đến xem một trận đấu quốc tế tại sân vận động Azadi.

Tháng 8 vừa qua, một phóng viên ảnh và nhiều cổ động viên nữ bị bỏ tù khi cải trang thành nam giới để đến xem trận đấu. Hình phạt dành cho họ như một lời cảnh báo hướng tới các fan nữ khác.

Nhiều nhà hoạt động cũng như người hâm mộ là nữ giới buộc phải rời khỏi đất nước vì sợ bị giam giữ.

Chứng kiến nhiều câu chuyện bất công, Maryam Shojaei sớm trở thành một nhà hoạt động xã hội tích cực. Cô là người sáng lập #NoBan4Women - phong trào đấu tranh đòi quyền được đến sân vận động thể thao cho phụ nữ Iran.

Cô cho rằng lệnh cấm phụ nữ đến sân của Iran rõ ràng vi phạm điều luật của FIFA. Theo quy định của Liên đoàn Bóng đá Thế giới, sự phân biệt đối xử với nữ giới “bị nghiêm cấm và nếu vi phạm sẽ bị đình chỉ hoặc trục xuất” khỏi tổ chức này.

Điều này có nghĩa FIFA nên đẩy Iran ra khỏi cuộc chơi chung nếu nước này tiếp tục cấm phụ nữ đến sân vận động.

Những người phụ nữ ở Iran phải đấu tranh để có quyền đến cổ vũ cho những đội bóng mình yêu thích. Ảnh: Reuters.

Những người phụ nữ ở Iran phải đấu tranh để có quyền đến cổ vũ cho những đội bóng mình yêu thích. Ảnh: Reuters.

Từ tháng 11/2018, Maryam đã viết 8 bức thư cho Liên đoàn bóng đá Thế giới FIFA. Cô còn gặp Fatma Samoura - một lãnh đạo của tổ chức này - để gửi bản kiến nghị chống lại lệnh cấm của Iran có 200.000 chữ ký.

Tháng 4 năm nay, cô nộp đơn khiếu nại phản đối hành vi vi phạm các chính sách về chống phân biệt đối xử và nhân quyền của FIFA. Thế nhưng FIFA không có động thái cụ thể.

Đến tháng 8, Sahar Khodayari - một cổ động viên cuồng nhiệt bị bắt tại sân Azadi - tự thiêu bên ngoài tòa án nơi cô bị phán quyết 6 tháng tù giam.

Những người dân đau xót đặt cho cô cái tên tưởng niệm Blue Girl - theo màu áo xanh của đội bóng Esteghlal mà cô yêu thích.

FIFA cuối cùng buộc phải hành động.

Tại một sự kiện trao giải vào tháng 9, Chủ tịch FIFA Gianni Infantino tuyên bố trước công chúng thế giới rằng phụ nữ Iran phải được ngồi trên khán đài trong trận vòng loại World Cup 2022 giữa Iran và Campuchia vào ngày 10/10.

Những người phụ nữ Iran khoe sắc khi lần đầu được đi xem bóng đá. Ảnh: Reuters.

Những người phụ nữ Iran khoe sắc khi lần đầu được đi xem bóng đá. Ảnh: Reuters.

Sau nhiều năm đấu tranh cho quyền cơ bản ấy, cuối cùng Maryam và cộng sự cũng đã có được sự ủng hộ từ những người lãnh đạo của FIFA. Lần đầu tiên, một số phụ nữ sẽ có thể mua vé và ngồi trong khán đài của Azadi - sân vận động lớn nhất Iran.

Theo Maryam, cho phép phụ nữ quyền được xem các trận bóng đá trong sân vận động cùng với gia đình của họ chính là sự tiến bộ có ý nghĩa đối với nữ quyền trong nước.

"Azadi có nghĩa là 'tự do' trong ngôn ngữ Ba Tư. Chỉ khi tất cả phụ nữ được phép tự do theo dõi các trận đấu, sân vận động mới có thể xứng đáng với tên của nó", cô viết trong bài xã luận New York Times.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/con-gai-viet-ngay-cang-me-bong-da-phu-nu-iran-40-nam-moi-duoc-toi-svd-post1000802.html