'Cơn khát' lao động của lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi

Australia đang nổi lên là nước có chính sách thu hút lao động tốt, đặc biệt là trong việc đảm bảo nhập cư an toàn cho người lao động làm công việc chăm sóc sức khỏe và mức lương cao.

Dân số già hòa trở thành vấn đề đau đầu của Australia. Ảnh: THX/TTXVN

Dân số già hòa trở thành vấn đề đau đầu của Australia. Ảnh: THX/TTXVN

Trang mạng của Viện Lowy (Australia) vừa đăng tải bài viết đề cập đến vấn đề già hóa dân số và các tác động của tình trạng già hóa dân số đối với những hoạt động kinh tế tại Australia.

Theo bài viết quốc gia châu Đại dương đang phải vật lộn với hậu quả của tình trạng dân số già. Tháng 9/2024, chính phủ nước này đã đưa ra gói hỗ trợ chăm sóc tại nhà trị giá 4,3 tỷ AUD (2,88 tỷ USD), dự kiến sẽ giúp hàng trăm nghìn người Australia được hưởng các dịch vụ y tế tại nhà, bao gồm cả điều dưỡng, trị liệu hay hỗ trợ sinh hoạt hàng ngày, bắt đầu từ tháng 7/2025.

Một tỷ lệ đáng kể những người lao động sẽ cung cấp dịch vụ chăm sóc này là những người nhập cư, hiện chiếm khoảng 40% lực lượng lao động chăm sóc người cao tuổi tại Australia. Nhiều người trong số họ đang sở hữu thị thực (visa) tạm thời. Tuy nhiên, số lượng như vậy vẫn chưa đủ.

Mặc dù ngành dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi của Australia có số lượng nhân viên “khổng lồ” với mức lương ước tính đã tăng lên tới 28,5% trên toàn ngành, nhưng tình trạng thiếu hụt lao động của ngành dự báo vẫn lên tới 110.000 người vào năm 2030. Lao động nhập cư sẽ phải đóng vai trò trung tâm, điều mà Chính phủ Australia dường như đã nhận ra khi đề xuất một lộ trình cấp thị thực “Kỹ năng thiết yếu” mới (tập trung vào người lao động chăm sóc người già và người khuyết tật).

Khi nhu cầu về lao động chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng tại các nước phát triển, Australia đang nổi lên là nước có chính sách thu hút lao động tốt, đặc biệt là trong việc đảm bảo nhập cư an toàn cho người lao động làm công việc chăm sóc sức khỏe và mức lương cao.

Theo truyền thống, các lao động làm dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là nhân viên chăm sóc người cao tuổi, bị coi là “kỹ năng thấp” và thường bị loại khỏi các chương trình di cư lao động tạm thời ở những nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Ở hầu hết các quốc gia khác, lĩnh vực này thu hút nhiều lao động nhập cư lương thấp. Nhưng vấn đề nổi cộm là hoạt động tuyển dụng thường thông qua các “cửa sau”, những công ty tìm cách tuyển dụng lao động đã có mặt tại quốc gia đó, bất kể họ là người tị nạn, vợ/chồng di cư hay thậm chí là sinh viên quốc tế. Tất nhiên nguồn lực này phần đông là lao động không chính thức. Tuy vậy, kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19 và những thay đổi nhanh chóng về nhân khẩu học, các nước thuộc OECD ngày càng có xu hướng sử dụng những kênh nhập cư chuyên biệt cho những lao động này.

Năm 2022, Vương quốc Anh đã bổ sung những người nhập cư làm công việc chăm sóc sức khỏe, lương thấp vào danh sách nghề nghiệp thiếu hụt. Chính phủ Anh cho phép họ được nộp đơn xin thị thực lên đến 5 năm để ở lại làm việc và sau đó người sở hữu thị thực này có cơ hội chuyển sang xin làm thường trú nhân tại Anh. Số lượng đơn đăng ký tăng vọt.

Nhưng không lâu sau đó, các phương tiện truyền thông và những cuộc điều tra của Liên hợp quốc đã phát hiện ra các trường hợp bóc lột nghiêm trọng đối với những người làm công việc chăm sóc sức khỏe, bao gồm cả việc trả lương thấp hơn mức lương cơ sở. Ngoài ra, còn có cả những vấn đề liên quan tới bẫy nợ nần và quấy rối tình dục, bạo lực thể chất… Một báo cáo của cơ quan giám sát nhập cư Vương quốc Anh cho rằng các biện pháp bảo vệ của Bộ Nội vụ Anh đối với chương trình này là "hoàn toàn không đủ".

Italy đã công bố kế hoạch tuyển dụng thêm nhân viên chăm sóc sức khỏe (10.000 nhân viên vào năm 2025), nhưng đang thận trọng xem xét kinh nghiệm của Vương quốc Anh. Các quốc gia thành viên khác của OECD đã thực hiện một cách tiếp cận chặt chẽ hơn. Vào năm 2019, Chính phủ Canada đã triển khai các chương trình thí điểm cho phép người nhập cư được cấp "giấy phép lao động mở - hạn chế lựa chọn nghề nghiệp" (occupation-restricted open work permit) để làm việc trong lĩnh vực này.

Trong khi đó, Nhật Bản, mặc dù thường được coi là có hệ thống nhập cư rất hạn chế, cũng đã công nhận công việc chăm sóc người cao tuổi đang à một lĩnh vực thiếu hụt lao động. Chính phủ nước này đưa ra một loại thị thực mới vào năm 2019 với 14 ngành ưu đãi, bao gồm điều dưỡng và chăm sóc người cao tuổi.

Người lao động nhập cư, được tuyển dụng chủ yếu từ Đông Nam Á, có thể ở lại Nhật Bản tới 5 năm để làm các công việc liên quan tới chăm sóc sức khỏe. Những người nhập cư theo diện này sẽ được quyền thay đổi người sử dụng lao động và cơ hội chuyển sang thường trú nhân. Người sử dụng lao động có nhiều nghĩa vụ trong việc tuyển dụng và hỗ trợ người lao động nhập cư, bao gồm cả việc hòa nhập. Sau một khởi đầu chậm chạp, khoảng 27.000 người lao động điều dưỡng đã được cấp thị thực vào Nhật Bản từ cuối năm 2023, với các cuộc thảo luận đang được tiến hành để cho phép cho những người lao động chăm sóc tại nhà đến nước này nhiều hơn trong thời gian tới.

Chính phủ Australia đã thực hiện một lộ trình khác để tuyển dụng lao động nhập cư. Vào năm 2023, nước này đưa ra Thỏa thuận lao động ngành chăm sóc người cao tuổi và chương trình chăm sóc y tế thuộc chương trình Di chuyển Lao động Thái Bình Dương - Australia (PALM). Đáng tiếc là, sau hơn một năm triển khai, tỷ lệ tham gia thấp hơn dự kiến.

Số lượng người sử dụng lao động tham gia chương trình PALM cũng diễn ra rất chậm. Tính đến ngày 30/7/2024, có 1.245 nhân viên chăm sóc người già theo chương trình PALM tại Australia (chỉ chiếm 4% tổng số nhân viên PALM).

Có vẻ như các nhà tuyển dụng Australia vẫn chưa cảm thấy nhu cầu cấp thiết phải tuyển dụng lao động nhập cư từ nước ngoài. Để tránh kịch bản của Vương quốc Anh, điều quan trọng là các chương trình như Thỏa thuận Lao động của ngành chăm sóc người cao tuổi và PALM phải được xem xét và cải thiện - chúng vẫn là những cơ chế sáng tạo và quan trọng đối với quyền của người di cư.

Ngoài ra, điều quan trọng là Chính phủ Australia phải đẩy mạnh những kế hoạch giới thiệu chương trình thuê lao động quốc gia, trao cho các công đoàn vai trò mạnh mẽ hơn trong việc giám sát điều kiện làm việc và tổ chức người lao động trong ngành. Đồng thời chính phủ cần đảm bảo người lao động có toàn quyền thay đổi người sử dụng lao động nếu họ muốn (điều mà những người lao động chăm sóc người cao tuổi PALM hiện không có). Đây là một hành động cân bằng tinh tế, nhưng sẽ đảm bảo rằng cả những người dễ bị tổn thương và những người lao động hỗ trợ họ đều được bảo vệ quyền lợi.

Nguyễn Linh (P/v TTXVN tại Sydney)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/con-khat-lao-dong-cua-linh-vuc-cham-soc-nguoi-cao-tuoi/350465.html