Con người bắt đầu uống cà phê từ khi nào
Có một số bằng chứng cho thấy rằng từ xa xưa ở Ethiopia người ta ăn quả của cây cà phê, cuốn với mỡ động vật như một món ăn vặt tăng sự hưng phấn.
Cuốn sách này nói về lịch sử canh tác cà phê ở những nước sản xuất cà phê trên toàn thế giới, nhưng xem xét nhu cầu ngày càng tăng đối với thức uống này cũng rất quan trọng. Cà phê thực sự là một thức uống toàn cầu, và người ta cũng thường được nghe tuyên bố rằng nó là thức uống phổ biến thứ hai trên thế giới sau nước lọc. Mặc dù không có chứng cứ nào ủng hộ luận điểm này, sự xuất hiện khắp mọi nơi ở dạng thức này hay dạng thức khác của cà phê khiến nó có vẻ hợp lý.
Khởi nguyên của việc uống cà phê khá là mờ mịt, với rất ít bằng chứng để khẳng định. Có một số bằng chứng cho thấy rằng từ xa xưa ở Ethiopia người ta ăn quả của cây cà phê, cuốn với mỡ động vật như một món ăn vặt tăng sự hưng phấn, tuy nhiên, chúng ta thiếu một mảnh ghép quan trọng: chúng ta không biết ai đã quyết định lấy hạt ra khỏi quả, rang nó, và nghiền nó thành bột, ngâm thứ bột ấy vào nước nóng và uống hỗn hợp đó. Đây là một bước nhảy vọt lạ lùng, và là một bí ẩn mà có lẽ không bao giờ tìm được lời giải đáp.
Có chứng cứ về việc người ta uống cà phê vào cuối thế kỷ 15, nhưng không đủ để khẳng định cho giai thoại rằng quán cà phê đầu tiên là Kiva Han, được mở năm 1475 ở Constantinople. Nếu nó đúng, thì cà phê hẳn là đã được trồng ở Yemen, và chúng ta biết rằng nó đã lan ra khắp khu vực.
Cà phê nhanh chóng trở nên gắn liền với các tư tưởng chính trị và tôn giáo, và các quán cà phê đã bị cấm ở Mecca năm 1511 và Cairo năm 1532. Trong cả hai trường hợp, nhu cầu của người sử dụng đã giành phần thắng, và các lệnh cấm nói trên đã sớm bị gỡ bỏ.
Cà phê vươn đến châu Âu và xa hơn nữa
Trước những năm 1600 thói quen uống cà phê chưa lan đến châu Âu và việc sử dụng cà phê chủ yếu là cho mục đích y tế chứ không phải để thưởng thức, trước khi có những quán cà phê ở châu lục này. Cà phê đã được giao dịch qua Venice vào đầu những năm 1600, nhưng không có quán cà phê nào được mở ở đó cho đến năm 1645.
Quán cà phê đầu tiên ở London được mở vào năm 1652 khởi đầu mối tình trăm năm giữa thức uống này và thành phố. Không nghi ngờ gì nữa, cà phê đã khơi nguồn cảm hứng cho văn hóa, nghệ thuật, thương mại, chính trị và để lại một tác động kéo dài lên chính thành phố này.
Ở Pháp, sức ảnh hưởng của trào lưu đã lan tỏa thói quen uống cà phê. Cà phê được tặng cho triều đình của vua Louis XIV và sự phổ biến ngày càng tăng của nó trong triều đình đã làm lan tỏa thói quen uống cà phê khắp Paris.
Vienna cũng là thành phố đã phát triển một nền văn hóa cà phê phong phú vào cuối thế kỷ 17. Câu chuyện quán cà phê đầu tiên ở Vienna, quán Blue Bottle, dùng hạt cà phê mà quân Ottoman bỏ lại khi bỏ chạy sau khi vây hãm Vienna thất bại vào năm 1683, nghe thú vị nhưng có lẽ không đúng; một số bằng chứng mới phát hiện gần đây cho thấy quán cà phê đầu tiên ở Vienna được mở vào năm 1865.
Một trong những khoảnh khắc then chốt trong quá trình lan tỏa của thói quen uống cà phê và nền văn hóa cà phê thực ra lại xoay xung quanh trà.
Vụ việc Tiệc trà Boston năm 1773, khi những người định cư khai hoang ở Mỹ chống lại sự áp bức của người Anh bằng cách tấn công các tàu buôn ở cảng Boston và ném các hòm trà qua mạn tàu, không chỉ là một hành động cự tuyệt quan trọng đối với đế quốc Anh, mà đồng thời còn đánh dấu khoảnh khắc cà phê trở thành thức uống yêu nước ở Mỹ. Một dân số phát triển nhanh đồng nghĩa với một thị trường phát triển nhanh, khiến Mỹ ngày càng có nhiều ảnh hưởng trong ngành công nghiệp cà phê trong những năm tiếp theo.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/con-nguoi-bat-dau-uong-ca-phe-tu-khi-nao-post1402664.html